CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:19

Ông Vũ Huy Hoàng mất chức, thêm một lãnh đạo tập đoàn "mất tích"

Hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Theo quy định tại bản dự luật này, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công mà gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước.

“Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, dự thảo nêu.

Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Quốc hội "nóng" vấn đề ngân sách

Dự thảo luật được đưa ra đúng vào thời điểm ngân sách nhà nước (NSNN) đang trong hồi căng thẳng. Trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã phải thẳng thắn thừa nhận thực trạng "nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn". Cụ thể, năm 2015, tổng nợ công khoảng 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần so với năm 2001.

Trong bối cảnh này, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành văn bản chỉ thị về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu từ năm 2020 phải giảm từ 30 - 50% số đầu xe của các bộ, ngành và địa phương.

"Người dân rất đồng tình, ủng hộ khi Thủ tướng Chính phủ khẳng định Chính phủ tiết kiệm từng đồng thuế của dân" đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) ghi nhận, song vị đại biểu cũng truy vấn: "Vậy cả tỷ tỷ đồng thất thoát trong quá trình cổ phần hóa sẽ được xem xét giải quyết như thế nào?"

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng bày tỏ sự bất bình khi nguồn lực ngân sách hạn hẹp, khó khăn nhưng vẫn còn tình trạng nhiều dự án nghìn tỷ, hoạt động không hiệu quả rồi "đắp chiếu", bỏ hoang. Ông Phương đề nghị phải nêu được đích danh dự án, quy được trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân chứ không thể chỉ nêu chung chung theo kiểu "bắn chỉ thiên".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (ảnh: Quochoi.vn)

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu TPHCM bức xúc phát biểu trước Quốc hội rằng, "nhiều sai lầm, khuyết điểm được trình bày như điều đương nhiên, nghe rất quen thuộc" như: nhà thầu hạn chế năng lực, giá và thị trường diễn biến không thuận lợi, xa vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm không ổn định...

Thế nhưng thực tế cho thấy, nhiều dự án đầu tư công đang trở thành nguồn lợi cho các cán bộ, công chức, doanh nghiệp tham nhũng. "Họ xà xẻo, xâu xé, sau đó dự án thành những cái xác chưa chôn, đắp chiếu". Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị, nếu cần, mạnh dạn trảm tướng hay là thay tướng; phải triệt để chống tham nhũng, kiên quyết nói không với những dự án đầu tư công có mùi lợi ích nhóm.

Đề cập đến vấn đề này trong phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã "không loại trừ những hành động có sự cố ýtrong vi phạm pháp luật của Nhà nước trong hoạt động quản trị cũng như điều hành các hoạt động đầu tư tại doanh nghiệp Nhà nước".

Ông Vũ Huy Hoàng đã bị cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016

Mới đây, nguyên lãnh đạo Bộ Công Thương là ông Vũ Huy Hoàng đã bị Ban Bí thư cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016. Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương thì với việc mất chức Bí thư nghĩa là ông Vũ Huy Hoàng cũng sẽ bị cách chức Bộ trưởng.

Trong ngày 4/11 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo về việc xem xét xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, mới đây, Thanh tra Chính phủ cũng vừa kết thúc cuộc thanh tra tại các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol). Theo thanh tra, cả 3 nhà máy ethanol sau khi đầu tư đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại, toàn bộ vốn đầu tư với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11/2014 là 5.401 tỷ đồng được cho là "chưa có hiệu quả". Thanh tra đã chuyển điều tra hồ sơ 2 dự án. Tại dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, cơ quan chức năng đã làm rõ những sai phạm có liên quan đến nhà thầu là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) - thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch.

Một vụ việc khác phát sinh trong tuần qua cũng đã gây xôn xao dư luận, đó là việc ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) đã vắng mặt tại cơ quan nhiều ngày qua mà không có sự cho phép của lãnh đạo Tập đoàn. Trước đó, ông này từng có đơn xin nghỉ phép để đi nước ngoài chữa bệnh.

Vụ việc xảy ra sau khi Thanh tra Chính phủ về việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ do PVTex làm chủ đầu tư. Ông Vũ Đình Duy từng nhiều năm điều hành PVTex trên cương vị Tổng giám đốc của công ty này từ ngày 15/7/2009 đến năm 2014. Chính vì vậy, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đánh giá, có sự sai sót trong quản lý cán bộ trong vấn đề này khi vụ Trịnh Xuân Thanh chưa giải quyết xong thì đã đến vụ ông Vũ Đình Duy "mất tích".

Dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ

Giữa bối cảnh "miếng bánh ngân sách" đang ngày càng thu hẹp, kế hoạch tăng lương 7%-8%/năm giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ được nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận và hoan nghênh. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi góp ý, không thể cứ duy trì chế độ tiền lương bất hợp lý như hiện nay. Tăng lương chỉ là biện pháp tình thế, để giải quyết căn cơ sự bất hợp lý thì Chính phủ phải quyết tâm cao giải quyết sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, đặc biệt là tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp, cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới áp lực của thị trường, phải lấy hiệu quả làm thước đo.

Trong khi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị áp dụng mô hình quản lý trụ sở tập trung. Điều này được cho là sẽ tăng cường hiệu quả trong đầu tư, bố trí sử dụng, khả năng điều hòa tài sản Nhà nước và hạn chế việc đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực nhà nước như hiện nay. Mô hình quản lý này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Mặc dù vậy, mô hình này vẫn đang gây tranh cãi giữa các đại biểu Quốc hội.

 

 

 

 

 

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh