Ông Vũ Đức Đam: Một quốc gia khởi nghiệp không cần đao to búa lớn
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 14:43 - 31/03/2016
Buổi hội thảo "Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia", diễn ra ngày 30/3, đã thu hút sự chú ý của đông đảo các doanh nghiệp, giới trẻ khi có sự tham gia của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - người vẫn luôn dành sự ủng hộ cho cộng đồng start-up.
Vị đại diện Chính phủ cũng thẳng thắn đề cập tới thực tế thiếu tính kết nối trong cộng đồng start-up Việt và căn bệnh "có nhiều người giỏi sơ sơ mỗi thứ một tí" của Việt Nam. "Phần lớn ở nước ta, những vấn đề có tính chất công nghệ không dồn sức đi sâu vào tận cùng mà chỉ đi rộng, khoán. Chúng ta thiếu những chuyên gia thật giỏi, những start-up thật sự giỏi", ông nói.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 2 từ phải) tại hội thảo khởi động Sáng kiến khởi nghiệp quốc gia.
Theo ông, nếu mong muốn là một quốc gia khởi nghiệp thì tinh thần khởi nghiệp phải là từ khóa ở mọi diễn đàn, nhen dần lên để cộng đồng nhỏ lan ra toàn xã hội mà không cần "đao to búa lớn". "Điều quan trọng nhất là tất cả mọi người phải ứng dụng khoa học công nghệ, phải sáng tạo để đất nước giàu lên, không cẩn thận từ khóa 'quốc gia khởi nghiệp' lại giống mấy chục năm trước nói công nghiệp hóa mà chỉ là hình thức. Tôi muốn bước ra cùng các bạn để tạo cộng đồng, vườn ươm để Việt Nam của thế hệ tiếp theo có thể đào sâu hơn nữa", ông Đam bày tỏ.
Cũng trong chương trình hội thảo, Công ty cổ phần FPT và Quỹ đầu tư dài hạn Dragon CapitalGroup đã ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Innovative Startup Accelerator, gọi tắt là VIISA). VIISA sẽ là một quỹ mở, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư mà trong đó FPT và Dragon Capital Group là 2 nhà sáng lập đầu tiên. Mục đích của quỹ là đào tạo, đầu tư, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệthông tin, mobile, internet, tài chính để trở thành các doanh nghiệp thành công. Dự kiến trong quý II/2016, khóa đào tạo tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên của VIISAsẽ chính thức bắt đầu. |
Chia sẻ với Phó thủ tướng, hầu hết các diễn giả cũng nhìn nhận kết nối là nền tảng sáng tạo để xây dựng được một quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn cho rằng thay đổi giáo dục từ gốc sẽ là một chìa khóa hữu hiệu để thực hiện tham vọng này. Ông Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa) cho rằng, 2 yếu tố quan trọng để thành công là ý tưởng đặc sắc và công nghệ đặc sắc. "Để có ý tưởng cần có tính sáng tạo, tôi mong muốn hệ thống giáo dục phổ thông thúc đẩy tính sáng tạo cho học sinh từ bé. Ngoài ra trong việc nghiên cứu phải hỗ trợ cho sinh viên để nghiên cứu khởi nghiệp vì có nhiều rủi ro… Cần tài trợ cho nghiên cứu chứ không chỉ theo kiểu đề tài nghiệm thu", ông Sơn nói.
Đại diện cho nơi được xem là "vườn ươm", bà Lê Thị Oanh, Hiệu truởng Truờng Hà Nội Amsterdam cũng nhắc lại chuyện ngôi trường này làm một dự án start-up năm 1996 để chứng minh rằng khởi nghiệp không cần cứ đợi đến năm nào cả, các bạn trẻ 12-14 tuổi vẫn làm được.
Đại diện của IDG Ventures cũng nêu thực tế rằng các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam được định giá không kém gì Malaysia và Singapore nhưng nền tảng bền vững lại không bằng các nước họ. Do đó, ông nhận định: "Nếu đổi mới giáo dục từ gốc thì 5-10 năm nữa chúng ta sẽ có được một thế hệ start-up tuyệt vời".
Đến từ Israel - nơi vẫn được gọi là "quốc gia khởi nghiệp", Đại sứ Meirav Eilon Shahar không quên nhắc đến việc đầu tư vào tài chính, bên cạnh giáo dục, để phát triển ý tưởng này. Thậm chí, theo bà, yếu tố tài chính là quan trọng nhất. "Israel có tôn chỉ để thị trường định hướng, Chính phủ chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Từ những năm 90, Israel cũng bắt đầu chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhưng đến nay không cần nữa vì đã có đầu tư từ khối tư nhân", bà cho biết. Hiện nay ở Israel có 19 vườn ươm khởi nghiệp và cách điều hành là Chính phủ không trực tiếp làm mà cho tư nhân đấu thầu, tiền không về tay Chính phủ mà 50% đổ vào các doanh nghiệp.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cũng nêu ví dụ của Singapore - nước lọt top 10 thế giới về cạnh tranh khởi nghiệp. "Ở đó quỹ đầu tư nhiều vô kể, ở Việt Nam lại quá giới hạn, chỉ bằng một phần mười. Cần cơ chế để tăng gấp 10 lần tinh thần khởi nghiệp quốc gia", ông nói.
Cũng về vấn đề tài chính, ông Lê Xuân Hòa, Tổng thư ký Vinasa cho rằng cần có môi trường thuế, tài chính thuận lợi cho các start-up. "Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp Công nghệ thông tin nhưng lại ra nước ngoài tiến hành. Nhiều nhóm chỉ 2-3 ngựời kiếm được hàng triệu USD nhưng lại ở nước ngoài. Chính phủ cần có hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp và cần có cơ chế với các doanh nghiệp đã dành ngân sách cho vườn ươm khởi nghiệp", ông nói.
Tại hội thảo, những người trực tiếp điều hành doanh nghiệp cũng nhân cơ hội này bộc bạch vướng mắc với người đại diện Chính phủ. Đại diện Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Venture cho biết nhiều trường hợp khi định giá quỹ đầu tư cao thì lại bị cơ quan thuế nói định giá tài sản vô hình như vậy là vô lý.
"Doanh nghiệp vướng nhiều vấn đề giấy phép con. Giấy phép game là một ví dụ điển hình, mất 3-4 tháng mới xong thì không làm được game nữa vì vòng đời của game rất ngắn", vị này nói. Bên cạnh đó, đại diện IDG cũng đề cập nhiều về chính sách thuế bất cập chưa khuyến khích start-up của Việt Nam.
Phản hồi ngay sau đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình Chính phủ sẽ bàn thảo nhiều để làm chính sách thuế khuyến khích công nghệ thông tin nhưng theo ông vẫn cần nhìn đúng vào bản chất hơn. "Chính sách thuế, khoa học của Israel không khác các nước khác là mấy. Chính phủ Việt Nam không phải không sẵn sàng đầu tư mà bản chất là đầu tư cho khoa học và giáo dục rất nhiều", ông nói.
"Các bạn nghiên cứu kỹ, làm ra trường hợp cụ thể rồi nói vướng ở chỗ nào. Nếu vướng ở tầm Chính phủ mà các dự án của các bạn thuyết phục thật sự thì làm rất nhanh. Chính phủ sẵn sàng bàn về các nghị quyết chuyên đề. Nó không phải đơn vị đo bằng ngày, tuần nhưng chắc không đo bằng năm", đại diện Chính phủ hứa hẹn.