Ông Trump ra lệnh tấn công Syria, Anh - Pháp tham chiến
- Tây Y
- 19:31 - 14/04/2018
Hình ảnh được cho là tên lửa bay trên bầu trời Syria ngày 14/4 (Ảnh: AP)
Khoảnh khắc Tổng thống Pháp hạ lệnh tấn công Syria
Điện Elysee hôm nay đã công bố bức ảnh cho thấy khoảnh khắc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ra lệnh tham gia không kích Syria. Tổng thống Macron được nhìn thấy chủ trì một cuộc họp với các quan chức cấp cao của chính phủ. Ông Macron cáo buộc chính quyền Syria đứng sau vụ tấn công hóa học ở Douma hồi tuần trước và rằng "Syria đã vượt quá giới hạn đỏ mà Pháp vạch ra hồi tháng 5/2017".
Tổng thống Pháp ra lệnh tấn công Syria tối 13/4. (Ảnh: AFP)
Nga cảnh báo phương Tây phải gánh "hậu quả"
Không lâu sau khi Mỹ và các đồng minh tiến hành không kích Syria, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo trên tài khoản Facebook rằng phương Tây sẽ phải gánh "hậu quả" và Mỹ, Anh, Pháp phải chịu trách nhiệm cho việc này.
Cảnh báo của Đại sứ Nga tại Mỹ (Ảnh: Twitter)
Mỹ sử dụng lượng vũ khí gấp đôi năm ngoái để tấn công Syria
Khi được hỏi về việc làm thế nào để Mỹ có thể đảm bảo chắc chắn rằng cuộc tấn công lần này sẽ góp phần ngăn chặn việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học trở lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết “không gì là chắc chắn”.
Tuy nhiên, theo ông Mattis, Mỹ đã sử dụng gấp đôi số vũ khí mà quân đội nước này từng triển khai trong cuộc không kích nhằm vào căn cứ không quân Syria hồi năm ngoái. CNN dẫn lời hai quan chức quân đội Mỹ cho biết, trong lần không kích này, Mỹ đã sử dụng ít nhất một tàu chiến ở Hồng Hải. Các máy bay ném bom B-1 cũng được sử dụng cho đợt tấn công.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (Ảnh: Getty)
“Rõ ràng chính quyền (Tổng thống) Assad đã không nhận được thông điệp vào năm ngoái. Lần này các đồng minh của chúng tôi và chúng tôi tấn công mạnh hơn. Chúng tôi đã cùng nhau gửi một thông điệp rõ ràng tới Assad và các tướng lĩnh của ông ấy rằng họ không nên tiếp tục gây ra một vụ tấn công hóa học nào thêm nữa”, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh.
Ông nói, hiện chưa có báo cáo về thương vong trong đợt tấn công này.
Mỹ tránh "động chạm" các lực lượng của Nga
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford cho biết, Mỹ "xác định tỉ mỉ" từng mục tiêu để hạn chế tối đa nguy cơ liên quan đến lực lượng của Nga. Ông cho biết, đường dây nóng nhằm giảm căng thẳng giữa Nga và Mỹ cũng đã được sử dụng trước khi tiến hành đợt không kích để đảm bảo an toàn trên không.
Đợt không kích đầu tiên kết thúc
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford cho biết với báo giới rằng: "Đợt không kích đầu tiên này đã kết thúc, đó là lý do tại sao chúng tôi có mặt ở đây để nói với quý vị".
Tuy nhiên, Tổng thống Trump và giới quốc phòng Mỹ trước đó đã nêu rõ đây không phải là đợt không kích duy nhất, Mỹ và các đồng minh sẽ duy trì chiến dịch không kích đáp trả này cho đến khi Syria ngừng sử dụng vũ khí hóa học.
3 mục tiêu tấn công
Bản đồ vị trí các mục tiêu tấn công của liên minh Mỹ - Anh - Pháp (Đồ họa: BBC)
CNN dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, chiến dịch không kích bắt đầu lúc 9h tối ngày 13/4 theo giờ địa phương và nhằm vào 3 mục tiêu ở Syria gồm: trung tâm nghiên cứu khoa học ở Damascus, kho vũ khí hóa học ở Homs, kho chứa nguyên liệu vũ khí hóa học gần kho vũ khí hóa học ở Homs.
Đài truyền hình Syria cho biết, hệ thống phòng không của quân đội nước này đã đánh chặn thành công các tên lửa nhằm vào mục tiêu ở Homs do vậy không có bất cứ thiệt hại nào tại đây.
4 máy bay chiến đấu Anh tham gia tấn công
Bộ Quốc phòng Anh cho biết, 4 máy bay chiến đấu Tornados của Không quân Hoàng gia Anh xuất kích từ đảo Síp đã phóng các tên lửa Storm Shadow nhằm vào một căn cứ tên lửa cũ ở Syria gần thị trấn Homs, nơi quân đội Syria bị cho là dùng để lưu trữ nguyên liệu sản xuất vũ khí hóa học.
Syria bắn hạ 13 tên lửa
Đài truyền hình quốc gia Syria cho biết, đợt tấn công của Mỹ và các đồng minh đã nhằm vào trung tâm nghiên cứu khoa học ở Barzeh. Hệ thống phòng không của Syria cũng đã bắn hạ được 13 tên lửa ở Al Kiswah, ngoại ô Damascus.
Thông tin trên mạng xã hội Twitter cho biết, Syria đã sử dụng hệ thống phòng không Pantsir S1 cho hoạt động đánh chặn này.
6 tiếng nổ lớn
Những vệt sáng trên bầu trời Damascus (Ảnh: AP)
Đài truyền hình quốc gia của Syria cho biết, những vụ nổ này là kết quả của các đợt không kích vào Damascus và các khu vực xung quanh. Tuy nhiên, hiện phía Syria chưa thông tin về những mục tiêu bị tấn công.
Reuters dẫn lời một nhân chứng cho biết đã nghe thấy ít nhất 6 tiếng nổ lớn ở khu vực Damascus. Nhân chứng thứ hai cho biết, một trong những mục tiêu bị tấn công là quận Barzah ở Damascus. Barzah là nơi đặt trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của Syria.
CNN dẫn lời giới chức quốc phòng Mỹ cho biết, cả máy bay và tàu chiến Mỹ đều tham gia trong chiến dịch tấn công này.
Quân đội Syria được cho là đã kích hoạt hệ thống phòng không để đối phó.
Sputnik dẫn thông tin đăng tải trên các mạng xã hội cho biết, hệ thống phòng không Syria đã được kích hoạt sau khi những tiếng nổ lớn vang lên ở khu vực gần thủ đô Damascus. Hiện chưa rõ nguồn gốc của những vụ nổ này.
Một quan chức cấp cao khác của Mỹ cũng xác nhận: "Những gì quý vị chứng kiến đêm nay chưa phải là những đáp trả cuối cùng của Mỹ. Chúng tôi đã lập kế hoạch linh hoạt cho phép các cuộc tấn công tiếp theo dựa trên kết quả của cuộc không kích tối nay".
Một quan chức khác cho biết, mối bận tâm lớn của Mỹ là hiện năng lực của Nga ở Syria cải thiện thế nào so với năm ngoái. Một số nguồn tin nói rằng, năng lực phòng không của Nga tại đây đã được cải thiện đáng kể.
Hình ảnh đầu tiên về một vụ nổ lớn tại Syria (Ảnh: Twitter)
Anh, Pháp phối hợp tấn công
(Từ trái sang phải) Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: Getty)
Tổng thống Donald Trump cho biết, Anh và Pháp sẽ phối hợp với Mỹ trong chiến dịch quân sự này.
Không lâu sau tuyên bố của ông Trump, Thủ tướng Anh Theresa May cũng ra thông cáo xác nhận đã cho phép quân đội Anh tiến hành các cuộc tấn công phối hợp nhằm phá hủy năng lực vũ khí hóa học của Syria.
Thủ tướng May nhấn mạnh: "Đây không phải là hành động can thiệp vào một cuộc nội chiến. Không phải thay đổi chế độ. Đó là một cuộc tấn công có mục tiêu và có giới hạn, không làm gia tăng căng thẳng ở khu vực và bằng mọi giá ngăn chặn thiệt hại của người dân". Bà cũng cho biết thêm rằng, mặc dù cuộc tấn công nhằm vào Syria nhưng cũng nhằm mục đích gửi thông điệp tới bất cứ quốc gia nào sử dụng vũ khí hóa học.
"Đây là lần đầu tiên ở cương vị thủ tướng tôi phải đưa ra quyết định đưa quân đội tham chiến, đó là quyết định không hề dễ dàng", bà May cho hay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối ngày 13/4 tuyên bố, ông đã "bật đèn xanh" cho một đợt tấn công tên lửa chính xác nhằm vào cơ sở vũ khí hóa học của Syria.
"Cách đây không lâu, tôi đã ra lệnh cho quân đội Mỹ tiến hành các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu liên quan đến năng lực vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad", Reuters dẫn lời Tổng thống Trump.
Tổng thống Trump cho biết, mục đích của chiến dịch không kích Syria là "tạo sức răn đe cứng rắn đối với việc sản xuất, phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học".
"Sự phối hợp của lực lượng Mỹ, Anh và Pháp nhằm đáp trả những tội ác này sẽ bao gồm tất cả các công cụ sức mạnh dân tộc của chúng tôi: quân sự, kinh tế, ngoại giao", ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ cũng phát tín hiệu rằng, các cuộc không kích sẽ tiếp diễn nếu chính quyền Syria chưa ngừng sử dụng vũ khí hóa học. "Chúng tôi sẵn sàng duy trì việc đáp trả này cho tới khi Syria ngừng sử dụng các chất độc hóa học bị nghiêm cấm", ông nói.