THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:53

Ông Trần Tuấn Anh: Khánh Hoà phải là một tỉnh mạnh về biển, lấy kinh tế biển làm trọng tâm

Ngày 11/5 tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Khánh Hoà về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và định hướng phát triển Khu Kinh tế Vân Phong theo Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị.

Ông Trần Tuấn Anh: Khánh Hoà phải là một tỉnh mạnh về biển, lấy kinh tế biển làm trọng tâm - Ảnh 1.

Ông Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị.

Lấy kinh tế biển làm trọng tâm

Qua gần 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó định hướng phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, đặc biệt là trong 2 năm gần đây, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Mục tiêu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và của cả nước.

Đặc biệt xây dựng Khu kinh tế Vân Phong thành trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước đã có được những kết quả ban đầu.

Ông Trần Tuấn Anh: Khánh Hoà phải là một tỉnh mạnh về biển, lấy kinh tế biển làm trọng tâm - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được trong việc thực hiện Kết luận số 53-KL/TW và việc xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, Khánh Hòa vẫn còn những tồn tại, khó khăn cần khắc phục.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao những thành tựu và nỗ lực của tỉnh Khánh Hòa trong việc triển khai thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị nói chung và việc định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Phong nói riêng.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị, Khánh Hòa cần tập trung đánh giá toàn diện, sâu sắc việc thực hiện Kết luận số 53-KL/TW.

Đặc biệt đối với 4 khâu đột phá mà tỉnh đã xác định, cần phải có những chương trình hết sức cụ thể đặt trong bối cảnh tình hình biến động lớn của thế giới (đại dịch, kinh tế số, xã hội số, chiến tranh thương mại...) và những yêu cầu phát triển mới của đất nước...

Ông Trần Tuấn Anh: Khánh Hoà phải là một tỉnh mạnh về biển, lấy kinh tế biển làm trọng tâm - Ảnh 3.

Ông Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc tại Khu kinh tế Vân Phong

Khu kinh tế Vân Phong: Ưu thế vượt trội, có cách làm đúng, tạo được đột phá

Chỉ ra những yếu tố cho phát triển của Khánh Hòa, ông Trần Tuấn Anh chỉ rõ thế mạnh, tiềm năng phát triển của Khánh Hòa còn rất lớn, là tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam với 385km bờ biển, là tỉnh nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. 

"Là cửa ngõ lên Tây Nguyên và là tỉnh có nhiều vịnh, cảng gần tuyến hàng hải quốc tế nhất ở Việt Nam, thuận lợi giao thông hàng hải và phát triển logistics…", ông nói và nhấn mạnh, đặc biệt là Khu kinh tế Vân Phong với những ưu thế vượt trội nếu có cách làm đúng sẽ hoàn toàn có thể tạo được bước đột phá trong phát triển của tỉnh thời gian tới".

"Khánh Hoà cần phải trở thành một tỉnh mạnh về biển và giàu, đẹp từ biển. Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng đẳng cấp, chất lượng, đa dạng, kết nối với kinh tế biển; phục vụ phát triển kinh tế biển, lấy kinh tế biển làm trọng tâm", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đối với Khu kinh tế Vân Phong, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, đề xuất một số cơ chế đặc thù, đảm bảo môi trường đầu tư ổn định để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có quy mô lớn đến đầu tư lâu dài tại đây.

Đồng thời, để đảm bảo vận hành có hiệu quả Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh cần phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đảm bảo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý Khu kinh tế được vận hành hiệu quả, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư được nhanh gọn, thực hiện cơ chế một cửa, tại chỗ, triệt để trong việc giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư, tăng tính hấp dẫn môi trường đầu tư tại Khu kinh tế.

Về việc phát triển hạ tầng, đề nghị tập trung cho phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng kết nối các đường bộ, đường hàng không và đường biển…

Về hạ tầng an sinh xã hội, đề nghị xây dựng và đề xuất các chính sách ưu đãi cụ thể về đầu tư xây dựng nhà ở, nhà thu nhập thấp, các công trình an sinh xã hội (y tế, giáo dục…) đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người lao động.

Về một số dự án lớn, trên nguyên tắc ủng hộ việc Khánh Hòa đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung quy hoạch các dự án Nhà máy điện khí, kho cảng đầu mối LNG có quy mô lớn tại khu vực phía Nam Khu kinh tế Vân Phong nhằm tạo động lực phát triển cho Khu kinh tế Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hoà nói chung phát triển đúng định hướng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cuối cùng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương lưu ý, việc xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa nói chung và Khu kinh tế Vân Phong nói riêng cần một tinh thần bứt phá, cần tập trung phát triển có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tạo dựng nền tảng vững chắc để phát triển bền vững, lâu dài. 

Theo đó, đưa Khánh Hòa trở thành một điểm sáng phát triển, Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh, khu vực và của cả nước như Kết luận số 53-KL/TW và tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Khánh Hòa đã xác định các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho giai đoạn phát triển cho 5 năm tiếp theo (đến 2025) và định hướng đến năm 2030 và 2045.

Trong đó xác định: Đến năm 2025, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước; Đến năm 2030, Khánh Hòa phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương;

Đến năm 2045, Khánh Hòa trở thành địa phương phát triển hiện đại; thu nhập bình quân của người dân Khánh Hòa thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.

Riêng đối với việc phát triển khu kinh tế Vân Phong, tỉnh xác định đặt mục tiêu phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, tạo đột phá cho tỉnh và phát triển khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển với các ngành chủ lực về năng lượng, đóng tàu, dịch vụ vận tải biển,... của khu vực và cả nước.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh