THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:11

Ông Phan Văn Vĩnh bị đưa ra xét xử vào ngày 12/11

 

Chiều nay 17/10, trao đổi với Báo Người Lao Động, một đại diện TAND tỉnh Phú Thọ cho biết dự kiến ngày 12-11 tới đây, TAND tỉnh sẽ đưa vụ án sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ ra xét xử.

Ông Phan Văn Vĩnh thời điểm chưa bị bắt - Ảnh: Huy Thanh

"Chúng tôi dự kiến xét xử vụ án trong khoảng 20 ngày tại trụ sở TAND tỉnh Phú Thọ. Hiện nay, các công tác chuẩn bị đang được gấp rút thực thi" - đại diện TAND tỉnh Phú Thọ cho hay.
Theo đó, có 92 bị cáo vụ án được đưa ra xét xử gồm: Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Nguyễn Thanh Hóa, cựu thiếu tướng, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50); Nguyễn Văn Dương, cựu chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) và Phan Sào Nam, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị VTC Online,… về các hành vi Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cũng liên quan đến vụ án, một lãnh đạo VKSND tỉnh Phú Thọ cho biết thời gian gần đây ông Phan Văn Vĩnh phải nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để điều trị do sức khỏe yếu.Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa thể khẳng định sức khỏe của ông Vĩnh có ảnh hưởng tới quá trình xét xử vụ án hay không, vì còn phải căn cứ vào tình hình thực tế.

Từ trái qua: Phan Sào Nam, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương khi chưa bị bắt

Cuối tháng 8, VKSND tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2, Điều 356, Bộ Luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ 5 đến 10 năm tù.
Theo cáo trạng, ngày 30-9-2011, Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty CNC.
Ngày 10-10-2011, Dương và ông Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh về việc CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 nhận 20%. Tuy nhiên, C50 không góp vốn cũng như không cử cán bộ tham gia vào công ty này mà để Dương tự quyết.
Ngày 20-5-2016, ông Hóa báo cáo Công ty CNC vận hành 2 cổng game Rikvip.com và 23zdo.com hoạt động chui. Ông Vĩnh đã chỉ đạo xây dựng văn bản để gửi lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, hợp thức hóa. Theo cáo buộc, chưa có ý kiến của bộ trưởng, nhưng cùng ngày, ông Vĩnh đã ký công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cấp giấy phép cho CNC và Dương đã gửi công văn này đi.
Trong khi đó, bộ trưởng Công an không đồng ý và cho ý kiến chỉ đạo: "Tổng cục Cảnh sát đề xuất công tác quản lý và đấu tranh với loại tội phạm này trên mạng".
Theo cơ quan điều tra, Dương khai đã biếu ông Vĩnh đồng hồ Rolex, 27 tỉ đồng và 1,75 triệu USD. Dương còn nhiều lần tổ chức sinh nhật cho ông Vĩnh, mang rượu ngoại có giá 100 triệu đồng/chai đến phục vụ, tặng quà mỗi lần đi nước ngoài về. Dương cũng khai biếu ông Hóa 22 tỉ đồng. Những hành vi này, cơ quan chức năng tách riêng để điều tra, sẽ xử lý khi có đủ căn cứ.
Mặc dù ông Phan Văn Vĩnh khai đồng hồ Rolex là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỉ đồng, song VKS cho rằng không có cơ sở. Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng/tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập, không chi tiêu gì.
Cơ quan công tố tỉnh Phú Thọ cho rằng hành vi của ông Phan Văn Vĩnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín ngành. Ông Nguyễn Thanh Hóa bị quy kết đã bao che, không cho các phòng nghiệp vụ xác minh, xử lý CNC.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh