Ông Hoàng Trung Hải dự khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX
- Tây Y
- 21:57 - 15/10/2020
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, năm năm qua, trong bối cảnh tình hình đất nước, khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, Đảng bộ và nhân dân Bình Định đã phát huy truyền thống cách mạng, khai thác các tiềm năng, thế mạnh, triển khai nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Nhà nước, vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đã đạt được những kết quả nổi bật, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Nổi bật là: Kinh tế tăng trưởng khá; tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng bình quân hàng năm 6,4%. GRDP bình quân đầu người đạt tương đương 2.524 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 48.500 tỷ đồng (riêng năm 2020 thu đạt 12 nghìn tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ. Sản xuất công nghiệp phát triển khá; nhiều khu, cụm công nghiệp được hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt.
Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính đạt được kết quả khá; xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh, hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu trực tiếp đạt được hơn 4,1 tỷ USD. Du lịch phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, các chỉ tiêu về sản xuất đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực gắn với đẩy mạnh quá trình đô thị hóa; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, ngày càng xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn.
Đối với các vấn đề xã hội, ông Hoàng Trung Hải đánh giá, Bình Định luôn quan tâm chăm lo phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,43%; 100% cấp xã được công nhận đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện.
Công tác quốc phòng, an ninh đã góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền trên biển, đảo quốc gia; ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; trật tự an toàn xã hội cơ bản bảo đảm, nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được quan tâm giải quyết kịp thời.
Công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được đặc biệt quan tâm gắn với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu; năng lực lãnh đạo, đoàn kết, nhất trí và sức chiến đấu của các đảng viên, tổ chức đảng được nâng lên đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Khối đại đoàn kết toàn dân được đổi mới, tăng cường trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển.
"Những kết quả đã đạt được của tỉnh Bình Định trong nhiệm kỳ qua là rất đáng trân trọng, khá toàn diện, thế và lực của tỉnh ngày càng được tăng cường. Có thể khẳng định đây là những tiền đề cần thiết, những thuận lợi rất cơ bản để Tỉnh phát triển nhanh và toàn diện hơn trong thời gian tới".
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hoàng Trung Hải cũng nêu những tồn tại, khuyết điểm mà Tỉnh ủy đã thẳng thắn chỉ ra trong Báo cáo Chính trị. Đó là, một số chỉ tiêu chưa đạt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa khai thác và phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chưa có các dự án đột phá, mang tính động lực để thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Thu ngân sách nhà nước tăng khá nhưng số thu còn nhỏ và cơ cấu thu chưa bền vững. Đời sống một bộ phận dân cư nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Năng lực, phương thức lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng còn yếu. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, ngành, địa phương còn hạn chế. Nội dung, phương thức hoạt động của một số hội, đoàn thể chậm được đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn trong tình hình hiện nay.
Về phương hướng phát triển, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh 5 vấn đề, đề nghị Đại hội quan tâm trong quá trình thảo luận.
Thứ nhất, tỉnh cần tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các giải pháp thích hợp để thực hiện tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng và 3 khâu đột phá. Đặc biệt lưu ý đến chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, xác định rõ vị trí, vai trò của Bình Định trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo động lực phát triển nhanh. Sớm xây dựng, đưa vào hoạt động các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp - làng nghề trong quy hoạch, nhất là dự án Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex Bình Định vừa mới khởi công ngày 27/9/2020 vừa qua; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng phát triển kinh tế biển đưa Bình Định thành trung tâm nuôi trồng thủy sản và nghề cá tiên tiến, quy mô công nghiệp.
Thứ hai, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện công khai minh bạch thông tin đi đôi với chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Tạo điều kiện thu hút các cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ưu tiên các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp thích ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển. Đổi mới và thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức, đội ngũ quản lý, nhân lực kỹ thuật, quản trị công nghệ cao; tạo môi trường, điều kiện hoạt động để trí thức nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến.
Thứ tư, cần gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội. Tập trung phát triển giáo dục; sự nghiệp y tế; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp của địa phương. Chú trọng quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Chú trọng củng cố quốc phòng - an ninh; phát hiện và xử lý kịp thời, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu "diễn biến hòa bình", "bạo loạn lật đổ" của các thế lực thù địch; phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đảm bảo an ninh nông thôn, an ninh tuyến biển và miền núi; không để xảy ra bị động, bất ngờ; kịp thời trấn áp các loại tội phạm, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Thứ năm, cần đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có vai trò quyết định để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra; thực hiện đồng bộ và có chất lượng công tác xây dựng Đảng vững mạnh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong cán bộ, đảng viên; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.