THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:53

Oanh tạc cơ Tu-160M2: “Thiên nga Trắng” đã “lột xác” như thế nào?

 

Theo National Interest, Tu-160M2 là phiên bản nâng cấp của dòng Tu-160 Blackjack được chế tạo với số lượng rất hạn chế từ thời Liên Xô cũ và vẫn được dùng cho đến ngày nay.

Thiên nga trắng Tu-160. Ảnh Military Today
Tướng Viktor Bondarev- Tư lệnh Không quân Nga cho biết: “Chiếc Tu-160M2 đầu tiên sẽ bay thử nghiệm lần đầu vào cuối năm 2018 và việc sản xuất để cung cấp cho Không quân Nga sẽ được tiến hành vào năm 2021”.
Như vậy, kế hoạch mà ông Bondarev công bố là sớm hơn so với dự định ban đầu của Không quân Nga. Trước đó, Không quân Nga dự kiến cho bay thử chiếc Tu-160M2 lần đầu vào năm 2019 và việc sản xuất sẽ bắt đầu vào năm 2023.
Rất nhiều nhà phân tích đã kỳ vọng rằng, chiếc Tu-160M2 sẽ đóng vai trò “xương sống” trong phi đội máy bay ném bom chiến thuật của Nga trong tương lai và bày tỏ tin tưởng, Moscow sẽ có đủ ngân sách để cung cấp cho dự án đầy triển vọng này.
“Thiên nga trắng” lột xác từ hình hài cũ
Dù vẫn giữ nguyên bộ khung cũ, các trang thiết bị trên chiếc Tu-160M2 đều là những trang thiết bị tối tân. Trong đó, đáng chú ý là hệ thống tên lửa hoàn toàn mới cùng phiên bản nâng cấp của động cơ cánh quạt phản lực Kuznetsov NK-32.
Không quân Nga dự tính sẽ mua khoảng 50 chiếc Tu-160M2. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ họ có nâng cấp 16 chiếc Tu-160 phiên bản trước đó lên phiên bản mới nhất hay không.
Việc nâng cấp này là hoàn toàn khả thi bởi không như Không quân Mỹ, Không quân Nga không sử dụng những chiếc máy bay ném bom chiến lược của mình vào việc đột nhập vào lưới lửa phòng không của địch để dội bom.
Thay vì thế, với tốc độ tối đa Mach 2, Tu-160M2 được kỳ vọng sẽ nhanh chóng tiếp cận những vị trí thuận lợi để phóng các quả tên lửa hành trình tiêu diệt các mục tiêu của địch.
Chính vì thế, việc Tu-160M2 có khả năng tàng hình như thế nào không quá được coi trọng. Trên thực thế, lợi thế của một chiếc máy bay ném bom thông thường là ở chỗ nó có thể mang các loại tên lửa và bom hạt nhân.
Không chiếm chỗ của Gấu đen Tupolev Tu-95 Bear
Dù vậy, Tu-160M2 không được sản xuất để “dẫm chân” lên một “huyền thoại” khác là oanh tạc cơ hạng nặng Tupolev Tu-95 Bear- chiến đấu cơ đã “kề vai sát cánh” với Thiên nga trắng Tu-160 trong suốt nhiều thập kỷ qua.
“Hai chiếc oanh tạc cơ này sẽ cùng tồn tại với nhau giống như cách B-52H và B-1B song hành với nhau”, ông Michael Kofman, một chuyên gia về quân đội Nga tại Tập đoàn CAN chia sẻ: “Chúng không thể thay thế cho nhau, chính vì thế tôi không đồng tình với những giả thiết cho rằng, Tu-160M2 có thể thay thế Tu-95 dù đã sắp được nâng cấp những tính năng hiện đại”.
Giống như B-52 của Mỹ, Tu-92 của Nga được cho là sẽ còn phục vụ cho Không quân hai nước trong nhiều năm tới trước khi bị thay thế hoàn toàn. Tu-92 vẫn sẽ là máy bay ném bom chiến lược của Nga trong vòng ít nhất 20 năm tới.
“Tôi không nhận thấy Tu-95 có thể bị thay thế hòa toàn trong vòng 2 thập kỷ tới. Tu-95 đang được thử nghiệm lắp đặt phiên bản nâng cấp của tên lửa hành trình Kh-101/102. Điều này đồng nghĩa với việc Tu-95 vẫn sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ trong những năm tới”, ông Kofman nói.
Đối với Không quân Nga, số tên lửa mà một oanh tạc cơ có thể mang theo thậm chí còn quan trọng hơn chính chiếc oanh tạc cơ đó. Cả tên lửa hành trình có khả năng tàng hình Kh-101- đã được “thử lửa” trên chiến trường Syria- và phiên bản mang đầu đạn hạt nhân Kh-102 với tầm bắn lên đến gần 2.900km đều giúp oanh tạc cơ Tu-95 có thể tấn công các mục tiêu từ xa./.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh