Ô tô điện không được phép lưu thông tùy tiện
- Công nghệ mới
- 15:10 - 31/01/2015
Việc lưu thông xe điện 4 bánh chở người (hay còn gọi là ô tô điện 2 chỗ ngồi) được quy định như thế nào? Công tác nhập khẩu, kiểm định phương tiện này ra sao? Phương tiện này có đảm bảo an toàn khi lưu thông?... Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Cục Đăng kiểm Việt Nam để làm rõ hơn những thắc mắc của người dân về loại hình phương tiện vừa xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Mẫu xe điện đang lưu thông tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phương, Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó có ô tô, xe có động cơ chở người và hàng hóa…nằm trong danh mục hàng hóa nhóm 2, thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT. Vì vậy, theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa các phương tiện cơ giới này “phải được kiểm tra chất lượng chuyên ngành”, nếu đạt chất lượng mới được cấp giấy chứng nhận chất lượng nhập khẩu.
“Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đang phối hợp với cơ quan quản lý nhập khẩu để xác minh thông tin về liên quan đến xe điện 4 bánh nhập khẩu chưa có giấy chứng nhận đăng kiểm mà một số báo đã đưa tin thời gian qua” – ông Phương cho biết. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ đã có quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới, trong đó nêu rõ xe cơ giới phải đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan có thẩm quyền cấp. Như vậy, việc đưa vào tham gia giao thông các loại xe cơ giới (kể cả xe cơ giới chạy điện) chưa qua kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, chưa đăng ký, gắn biển số theo quy định “là hành vi vi phạm pháp luật”.
Nội thất của mẫu xe điện này.
Tùy theo thiết kế, đặc điểm kỹ thuật, xe cơ giới 4 bánh sử dụng động cơ điện có thể chia thành hai nhóm chính: nhóm ô tô và nhóm tương tự ô tô. Trong đó nhóm ô tô bao gồm các loại ô tô chỉ sử dụng động cơ điện hoặc sử dụng cả động cơ điện và động cơ xăng/đi-ê-zen. Các xe này có hình dáng bên ngoài không khác biệt so với các loại ô tô chạy xăng, đi-ê-zen thông thường và hoàn toàn thỏa mãn quy chuẩn kỹ thuật về an toàn chung đối với ô tô, ví dụ như Nissan Leaf (ô tô điện), Toyota Prius, Lexus RX450h…
Đối với nhóm tương tự ô tô, gồm các loại xe 4 bánh sử dụng động cơ điện được thiết kế để hoạt động trong một khu vực hạn chế như khu du lịch, sân gôn, nhà ga, bệnh viện… Theo Phòng Chất lượng xe cơ giới, các xe này có đặc điểm chung là tốc độ thấp, các trang thiết bị an toàn như hệ thống phanh hệ thống chiếu sáng, tín hiệu, cửa xe và kính xe, ghế và dây đai an toàn… tương đối đơn giản, không thỏa mãn quy chuẩn kỹ thuật đối với ô tô nên không được phép tham gia giao thông bình thường như ô tô.
“Hiện nay loại xe điện 4 bánh chở người chỉ được hoạt động trong phạm vi, tuyến đường và thời gian nhất định theo sự cho phép của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” – ông Phương khẳng định. |
CÙNG CHUYÊN MỤC
Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình: Thực hiện kinh tế tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên
Trong chiến lược phát triển, Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình (CNC) đã tiên phong thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm thu gom,...
10 tháng trước
Tin nên đọc