Ô nhiễm không khí đã ở mức báo động
- Tây Y
- 13:32 - 14/12/2019
Tin từ báo Đại đoàn kết cho biết, Dự báo của trang quan trắc chất lượng không khí Đại sứ quán Mỹ cho hay, chất lượng không khí tại Hà Nội trong tuần tới vẫn duy trì ở mức kém, xấu. Trong đó, ngày 16/12 (thứ 2), chất lượng không khí trung bình có thể lên mức nguy hại (dao động 217-248 đơn vị).
Sáng 13/12, chất lượng không khí Hà Nội tiếp tục ở mức cảnh báo rất xấu, độc hại theo đánh giá của tất cả các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PAMAir, Air Visual…
TS Hoàng Dương Tùng- Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định: Đây là đợt ô nhiễm không khí khủng khiếp ở một số tỉnh miền Bắc và Hà Nội, đến ngày 13/12 đã sang ngày thứ năm. Cụ thể trong sáng 13/12, tại thời điểm 9h sáng theo ứng dụng AirVisual, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội ở mức 311 (mức nguy hại (màu nâu) theo xếp hạng của ứng dụng này); Ứng dụng quan trắc PAM Air ghi nhận chất lượng không khí xấu tới mức nhiều nơi ở Hà Nội đều màu tím ngắt.
Tại khu vực Đội Cấn (Ba Đình), chỉ số chất lượng không khí ở mức 219, rất xấu; khu vực Hàng Bún (Ba Đình) chỉ số ở mức 223. Tại nhiều nơi khác, kết quả quan trắc cũng ghi nhận ô nhiễm không khí ở mức ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân: Liễu Giai (Ba Đình) 216, quận Thanh Xuân 238, Kim Liên (Đống Đa) 202, chùa Láng (Đống Đa) 207, quận Tây Hồ 240.
Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội), chất lượng không khí thủ đô vẫn sẽ xấu trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn cuối năm và sẽ khá dần khi sang xuân, độ ẩm tăng và có mưa nhiều hơn.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng và còn kéo dài trong ít nhất 2 ngày tới, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra ngoài. Nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em và người mắc bệnh về đường hô hấp và phụ nữ mang thai không nên ra khỏi nhà. Trong trường hợp bắt buộc, phải đeo khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn. Đặc biệt, học sinh không tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Trong thời gian này, mọi người cần hạn chế, dừng các hoạt động đun nấu bếp than tổ ong, đốt rơm rạ, đốt rác...
Tin từ Tuoitre.vn cho hay, TS Hoàng Dương Tùng, hoàn toàn có thể áp dụng một số biện pháp cấp bách để làm giảm mức độ ô nhiễm không khí, đó là kiểm tra, xử lý triệt để các điểm đốt chất thải, rác không đúng quy định; kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm về bụi ở các công trình xây dựng; phun rửa đường để làm giảm bớt nguồn bụi phát tán trong không khí.
Đồng thời có thể xác định vùng hạn chế phương tiện giao thông, nhất là thời điểm cuối năm khi các phương tiện đổ dồn về thành phố, phân luồng các phương tiện để giảm bớt tình trạng ùn tắc.