Ở nhà mùa dịch: Chị em thử sức với kiểu chơi cây bonsai dân dã của người Nhật
- Bác sĩ
- 20:25 - 13/04/2020
Kokedama là một kiểu chơi cây bonsai "dân dã" được sáng tạo bởi người Nhật. Theo chị Hiếu Trần, người mới "nhập môn" được ít ngày sau khi được truyền cảm hứng từ một người chị cho biết: "Nhìn chị ấy nghịch món này rồi cho ra các sản phẩm xinh xinh, dễ thương có thể dùng để decor phòng bếp, phòng khách, cửa sổ... mà mình ham luôn. Sau khi tham khảo chị ấy và các thông tin trên mạng, mình bắt tay vào thực hành làm cây Kokedama đầu tiên".
Và sau mấy tuần rồi nhận thấy cây mình trồng vẫn sống khỏe nên Hiếu hi vọng có thể truyền cảm hứng tới các chị em đang ở nhà rảnh rỗi có thể bắt tay tự thực hiện dự án decor cho chính không gian sống của mình. Cùng lắng nghe chia sẻ của chị Hiếu về Kokedama cũng như cách thực hiện sao cho đúng.
Chi tiết hơn về Kokedama
Ảnh: Tropical Forest.
Kokedama trong tiếng Nhật có nghĩa là "bóng rêu", là một kiểu bonsai mini mà cây sẽ không được trồng trong chậu theo cách thông thường. Nó sẽ được trồng và bao bọc trong một khối rêu hình cầu trông khá vintage và dân dã.
Cách lựa chọn cây trồng
Chị em chỉ cần lụa chọn các loại cây nhỏ xinh, sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường thiếu sáng. Bởi khi chơi Kokedama cây thường đặt trong nhà, chỗ cửa sổ thường không có ánh nắng trực tiếp, cường độ ánh sáng khoảng 40%.
Các loại cây bạn có thể tham khảo là cây tùng, cây đuôi công, các loại dương xỉ, tổ quạ, cỏ đồng xu, cỏ lan chi, cây phát lộc, sen đá... Chú ý: Chị em nên chọn cây có bộ rễ nhỏ.
Ảnh: Tropical Forest.
Cách trồng
Bước 1: Chuẩn bị nguyên vật liệu: Cây trồng, rêu rừng (loại rêu này hay bán ở các cửa hàng bán hoa lan), đất trồng hoặc các loại giá thể trồng cây, dây cước hoặc dây gai để buộc cố định rêu, bát trộn.
Bước 2: Lấy cây ra khỏi chậu. Bỏ đất xung quanh rễ cây. Cây nào mà đã bám chặt đất thành khối cứng chắc không rũ được thì dùng dao gọt bỏ bớt đất, giữ lại một khối nhỏ vừa đủ. Cách này để sau khi bọc rêu vào thì quả cầu rêu có độ to cân đối với độ to của cây. Chị em yên tâm là gọt xung quanh cây chỉ bị đứt rễ phụ và không thể chết được.
Bước 3: Trộn đất/giá thể với ít nước để tạo thành khối có độ kết dính. Tạo lỗ ở giữa rồi đặt cây vào. Đắp lại cho khéo để rễ cây không tràn ra ngoài. Nhớ đắp sao cho nó tạo thành khối cầu.
Với những cây giữ lại bầu đất do rễ đã bám chắc thì chị em cần bồi đắp thêm đất vào những chỗ lõm và khuyết để tạo ra khối cầu.
Bước 4: Phủ kín rêu xung quanh khối cầu. Nhớ dấp nước cho rêu đủ ẩm ướt trước khi đắp để nó không bị rơi.
Bước 5: Dùng dây cước hoặc dây gai cuốn xung quanh và buộc để cố định rêu. Chị em có thể sáng tạo bằng các thể loại dây buộc có màu sắc và các cách cuốn dây khác nhau.
Cách chăm sóc
Bạn có thể treo cây lên cao hoặc đặt cây vào đĩa/khay nào đó rồi bày biện ở chỗ chị em yêu thích. Nhưng chú ý là không để chỗ có ánh sáng trực tiếp hoăc chỗ tăm tối thiếu sáng. Cây cần đặt chỗ thoáng mát. Tránh đặt cạnh các đồ gia dụng phát nhiệt.
Luôn chú ý đến độ ẩm của rêu. Thấy khô thì cần bổ sung ẩm bằng cách xịt nước vào rêu hoặc nhúng nguyên bầu rêu vào nước. Hoặc đổ nước vào khay để rêu tự hút ẩm lên. Với các loại cây trồng trong nhà thường chỉ cần làm 1-2 lần /tuần. Đặt cây ở chỗ có nhiều gió thì cần chú ý hơn vì nó rất nhanh khô.
Dinh dưỡng cho cây: Để hạn chế tăng trưởng của cây, chị em không cần bón phân để nó phát triển chậm và cứ nhỏ bé xinh xinh.
Ảnh: Tropical Forest