Ở đôi bờ sông Cái
- Y học 360
- 11:41 - 22/06/2022
Đời sông, đời người
Sông Cái là dòng sông lớn ở Khánh Hòa. Ít ai nhớ chính xác ngày sông được đặt tên, nhưng với người Nha Trang hay Diên Khánh, Khánh Vĩnh thì từ lâu dòng sông này đã trở thành một phần máu thịt của họ. Sông không chỉ là dòng chảy tự nhiên, mà còn là nơi chứa ẩn bao thương nhớ, chứng kiến bao thăng trầm, trắc trở.
Gần trọn đời chứng kiến từng biến đổi nhỏ của sông Cái đoạn chạy qua làng Phú Lộc (thị trấn Diên Khánh, Diên Khánh, Khánh Hòa), ông Nguyễn Văn Thịnh bộc bạch: Khi chúng tôi còn bé thường ra sông tắm, gánh nước về tưới tắm cho hoa màu. Lớn lên thì câu cá. Những đêm trăng thanh hay lễ hội, nam, nữ ra sông đọc thơ, hát hò… Sông còn bồi đắp phù sa cho bao mùa màng tươi tốt, nhờ thế mà có đời sống ấm no. Khi sang tuổi xế chiều thì ra sông hoài niệm…
Cũng như ông Thịnh, hàng trăm người khác cũng xem sông Cái như “con sông của đời mình”. Đặc biệt, làng Phú Lộc còn được nhiều người gọi nôm na là “Làng di sản bên sông Cái”. Xưa, làng chia làm 3 ấp Thượng, Trung, Đông. Ngày nay phân chia thành các tổ dân phố. Nằm gọn trong ngôi làng nhỏ có rất nhiều di tích như: Đình Phú Lộc; di tích miếu thờ Thiên Y A Na; miếu Tam Tòa; Cây Ké; Cổ Chi; Tứ Chánh… Những di tích này nằm trang nghiêm và yên bình bên sông Cái.
Như muốn gắn với vẻ thanh bình của sông Cái nên nhiều cư dân làng Phú Lộc còn giữ nhiều ngôi nhà mái ngói sát mép sông, giữa những rặng rừa, nhiều lũy tre… Nhiều cao niên ở làng Phú Lộc hoài niệm: Không ngoa khi nói sông Cái đã bao bọc, chở che cho làng. Có người còn ví von “Dòng sông Cái như người mẹ/Làng trên, xóm dưới cùng chung dòng…”.
Nép mình bên sông Cái còn có làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây (Diên Khánh) với lịch sử hơn 200 năm hình thành. Các thế hệ gắn bó với nghề mỗi khi thấy bế tắc trong ý tưởng hay mệt nhọc đều ra bờ sông Cái để tâm hồn được thư thái. Thợ đúc đồng Ngọc Chiên chia sẻ: Cũng lạ lắm. Cứ mệt mỏi ra sông, ngồi dưới lũy tre thả tâm hồn mình theo dòng nước lững lờ, bao ký ức tốt đẹp lại ùa về, quên hết mệt nhọc. Sông như làm tươi mát lại cho tâm hồn. Dòng sông còn có khả năng đánh thức hoài niệm một cách thao thiết. Bởi vậy, không chỉ có văn nghệ sĩ, nghệ nhân mà cả những người cao tuổi cũng thích ra với sông Cái.
Không riêng gì Diên Khánh mà hàng loạt làng mạc bên sông Cái thuộc huyện Khánh Vĩnh cũng xem sông như nơi ban cho đời sống nhiều “ân huệ”. Đã từng chứng kiến hàng ngàn lần sự biến đổi của sông, nhiều người già ở thị trấn Khánh Vĩnh hoài niệm: Có lúc nước sông lên cao, có lúc thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn thì nước rút sâu. Xưa các làng bên sông còn nghèo nàn, nhà cửa xập xệ. Nhưng, giờ thì khác rồi, các làng đã ấm no, sung túc. Sông đã thực sự phục vụ đắc lực cho đời sống, sản xuất của con người.
Khát vọng và trăn trở
Dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay, màu ấm no đã bừng lên ở những khu dân cư hai bờ sông Cái. Thế nhưng vẫn còn không ít trăn trở. Ở nhiều thời điểm, sông bị xâm hại bởi “cát tặc”. Một số người xả cả rác ra sông.
Đặc biệt là những thôn, làng sống hai bên sông Cái thuộc địa phận xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) còn khát vọng về một cây cầu xi măng nhưng mãi vẫn chưa thành hiện thực.
Để các thôn của xã Vĩnh Ngọc có thể kết nối với nhau và với các xã, phường khác của TP. Nha Trang buộc phải bắc một cây cầu gỗ với tên gọi cầu Phú Kiểng.
Mùa nắng thì cực nhọc len lỏi qua cầu vì lòng cầu quá hẹp. Những sợi dây mong manh gắn những tấm ván được chống lên bởi những cọc gỗ cũ. Một vài chiếc xe đi trên cầu là đã nghe tiếng kêu răng rắc. Mùa mưa, nước dâng cao, cầu lại bị cuốn trôi.
Khốn khổ hơn nữa là dù cây cầu đóng vai trò quan trọng nối liền đôi bờ sông Cái, nhưng trong khi chờ Nhà nước đầu tư cầu xi măng kiên cố, thì tư nhân đã đứng ra làm và lập chốt thu phí. Dân nghèo, người khó khăn nếu mỗi ngày qua cây cầu này nhiều lần thì tiền phí cầu là vấn đề lớn.
Trung bình, mỗi người qua cầu phải trả 3.000 đồng/lượt, đi hai người thì 4.000 đồng/lượt. Một số thợ hồ và người bán vé số dạo ngao ngán: "Suốt bao nhiêu năm cứ mưa to là cầu trôi hoặc bị tháo ra. Sau đó tư nhân dựng lại. Dân đã nghèo lại còn phải nộp phí cầu. Đã nghèo lại càng khổ hơn. Có ngày hàng ngàn người lưu thông qua lại".
Người khỏe mạnh còn đỡ. Với người già, phụ nữ mang thai vừa đi qua cầu vừa run. Chị Đỗ Thị T. chia sẻ: "Mang tiếng ở đô thị năng động mà vẫn phải đi trên những câu cầu ám ảnh như này. Mấy lần một mình tôi không dám đi qua. Lòng cầu rộng vài sải tay, hai xe máy tránh nhau không khéo là va vào nhau. Khi đông đúc, cầu còn bị tắc. Trong khi đó ở TP. Nha Trang các khu vui chơi, giải trí mọc lên như nấm...".
Ngước nhìn về phía dòng sông Cái, về cây cầu gỗ, lãnh đạo xã Vĩnh Ngọc cũng đầy lo âu: Cầu gỗ như hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Mỗi khi cầu bị cuốn trôi hoặc tháo ra, xã phải thuê ghe chở học sinh đi học mỗi ngày. Cán bộ đi làm phải đi đường vòng. Nhiều cụ già chỉ ao ước là cuối đời được nhìn thấy cầu bê tông thay cho cây cầu gỗ tạm bợ này.
Trước mong mỏi của bao thế hệ, bao phận người ở hai bờ sông Cái, cuối tháng 2/2022, UBND TP. Nha Trang đã có báo cáo về phương án đầu tư cầu Phú Kiểng bằng xi măng lên cấp trên. Theo báo cáo, hiện cầu gỗ bắc tạm qua sông Cái dài 335m nhưng chỉ rộng 2,5m. Do tư nhân đầu tư, thu phí, chỉ phục vụ đi bộ, xe đạp, xe máy. Mùa mưa lũ, nước sông Cái dâng cao là ngập cầu, cầu thường xuyên bị cuốn trôi và ách tắc giao thông… Hiện đập ngăn mặn qua sông Cái đang triển khai thi công. Việc xây dựng đập ngăn mặn cũng giúp kết nối giao thông hai bên bờ sông Cái. Tuy nhiên phần lớn người dân Hòn Nghê và trung tâm xã Vĩnh Ngọc muốn tham gia giao thông qua đập ngăn mặn phải đi đường vòng rất xa. Do đó, các hộ dân ở khu vực này muốn qua lại hai bên bờ sông Cái vẫn phải đi theo hướng qua cầu Phú Kiểng (cầu gỗ)… Vậy nên xây cầu Phú Kiểng mới bằng xi măng là phù hợp, cần thiết.
Theo đề xuất của UBND TP. Nha Trang, cầu xi măng Phú Kiểng nếu được xây thì chiều dài dự kiến là 280m, gồm 7 nhịp cầu, bề rộng mặt cầu 11 - 13m. Mặt xe chạy rộng 8 -10m, đủ cho 2 làn xe tránh nhau. Lề bộ mỗi bên rộng 1,5m cho người đi bộ... tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 250 tỷ đồng.