CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:56

Thịt nhập khẩu tràn ngập thị trường

 

Thịt ngoại rẻ hơn thịt nội

Mấy năm trở lại đây, các loại thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu về Việt Nam ngày càng tăng. Thịt ngoại không chỉ có tại các siêu thị mà những cửa hàng tiện lợi, những loại thịt nhập khẩu cũng được bày bán tràn lan.

Thịt bò nhập khẩu bày bán ngày càng nhiều.

Ước tính, mỗi ngày cả nước tiêu thụ khoảng 3.000 con bò thịt, trong đó riêng TP. Hồ Chí Minh là khoảng 600 con. Tại các siêu thị, thịt trâu, bò nhập khẩu chiếm thị phần lớn vì nhu cầu đã vượt khá xa so với khả năng cung ứng nội địa nên các doanh nghiệp, thương lái phải nhập khẩu. Theo khảo sát của phóng viên, thịt bò, thịt trâu nhập khẩu có giá thành rẻ hơn so với thịt bò, thịt trâu nuôi trong nước.

Tại siêu thị, thịt bò Mỹ đông lạnh 500gram có giá 126.000 đồng/gói, giá rẻ hơn 10% so với thịt bò nội niêm yết trên bảng giá.

Giá thịt trâu Ấn Độ giao động từ mức 75.000-140.000 đồng/kg, tùy loại thịt. Trong khi thịt trâu nuôi trong nước giá lại cao gấp đôi. Cụ thể, thịt đùi có giá 230.000 đồng/kg, thịt bắp 250.000 đồng. Đối với những loại thịt xấu như nạm bụng, cổ có giá giao động từ 160.000 - 180.000 đồng/kg. Giải thích về việc thị trâu Ấn Độ rẻ bằng một nửa so với thịt bò và thịt trâu Việt, nhiều chủ cửa hàng cho biết, thịt trâu nhập hàng dồi dào, lại không phải chịu thuế giá trị gia tăng nên có được mức giá hấp dẫn.

Những loại thịt gia cầm nhập khẩu về Việt Nam cũng có giá rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại được chăn nuôi trong nước. Tại một số siêu thị, chân gà Việt Nam giá khoảng 60.000 đồng/kg trong khi chân gà Brazil chỉ 47.000 đồng. Còn tại chợ, chân gà nhập khẩu xuống mức 35.000 – 40.000 đồng/kg, trong khi chân gà công nghiệp Việt Nam tới 65.000 đồng. Đùi tỏi gà nhập khẩu từ Mỹ chỉ có giá chưa tới 42.000 đồng/kg, trong khi đùi tỏi gà Việt Nam có giá thấp nhất cũng 55.000 đồng/kg.

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, năm 2015, sản lượng thịt gà nhập khẩu duy trì khoảng 80.000 - 90.000 tấn. Riêng thịt bò nhập từ Australia và các nước lân cận lại có sự gia tăng đột biến. Cả năm 2015, Việt Nam nhập khoảng hơn 200.000 con bò Australia, chưa kể hàng trăm ngàn con trâu bò từ các nước Campuchia, Lào, Myanmar hay Thái Lan.

Thịt ngoại có an toàn?

Khi hỏi về chất lượng sản phẩm, hầu hết giới bán buôn đều cho biết thịt nhập khẩu được kiểm định "khắt khe", nên thịt tươi và thơm ngon. Tuy nhiên, điều đáng nói, hàng năm Việt Nam nhập hàng nghìn tấn thịt trâu nhưng trên thị trường từ cửa hàng để quán ăn (trừ các website bán hàng trực tuyến) rất hiếm khi treo biển bán thịt trâu nhập khẩu. Theo bật mí của một số lái buôn, khi bán cho các cơ sở nhỏ lẻ thì nhiều nơi muốn lãi cao đã tẩm thêm hóa chất biến trâu thành bò.

Lực lượng liên ngành kiểm tra thịt trâu nhập khẩu.

 

Nguyên nhân thịt ngoại giá rẻ hơn là vì một số mặt hàng như: Chân, đùi, nội tạng… thường là phụ phẩm ở nước ngoài nhưng lại là “đặc sản” ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước về loại thịt này ngày càng cao cộng với giá cả cạnh tranh đang là lý do chính khiến số lượng thịt nhập khẩu về Việt Nam ngày càng tăng.

Có thể thấy, thịt gia súc, gia cầm ngoại đang lấn át hàng Việt về giá. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm này kém tươi hơn so với hàng Việt Nam. Riêng một số loại thuộc nhóm phụ phẩm như: Chân gà, cánh gà, đùi gà, nội tạng gia súc/gia cầm… thì do các nước Mỹ, châu Âu gần như không tiêu thụ nên họ bán khá rẻ cho các nước muốn nhập khẩu. Thậm chí, ở nhiều quốc gia, các loại phụ phẩm gia súc và gia cầm đều bị buộc phải tiêu hủy hoặc làm phân bón. Nhưng Việt Nam lại thích ăn những loại sản phẩm này. Ví dụ như mặt hàng thịt bò Australia, theo nhiều nhà nhập khẩu thì thịt bò chủ yếu là bò sữa ở nước ngoài đã qua vắt sữa nhưng không ăn thịt, sau đó chuyển sang bán cho Việt Nam… Còn đối với thịt trâu Ấn Độ thịt có giá rẻ, một phần là do quốc gia này nuôi với số lượng lớn, trong khi người dân bản địa lại ít ăn, nên hàng xuất đi nhiều. Còn tại Việt Nam, lượng thịt trâu, thịt bò trong nước cung không đủ cầu, buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó, thịt trâu đa phần là từ Ấn Độ.

Theo các chuyên gia, đối với các thực phẩm sạch, dù có là phụ phẩm nhưng nếu vẫn đảm bảo vệ sinh, đảm bảo chất lượng thì không sao, nhưng đối với các thực phẩm “bẩn” đội lốt “đã qua kiểm dịch, đã được chứng nhận” sẽ gây ra nguy hại khôn lường. Các loại thịt động vật không đạt chuẩn thường bị nhiễm các loại vi khuẩn như: E.coli hay Campylobacter jejun (hai loại vi khuẩn thường có nhiều trong nội tạng của động vật). Khi ăn phải các loại thực phẩm có chứa vi khuẩn này rất dễ xảy ra ngộ độc với biểu hiện tiêu chảy, nôn và làm hư thận. Ngoài bị nhiễm các loại vi khuẩn gây ngộ độc, các loại phụ phẩm gia súc, gia cầm bẩn trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ thường bị ngâm tẩm hóa chất, các phụ gia độc hại nên khi ăn phải các loại thực phẩm này rất nguy hiểm đến sức khỏe.

Mặc dù những sản phẩm thịt đông lạnh bán trong các siêu thị ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như hạn sử dụng lại có giá thành rẻ hơn thịt nuôi trong nước nhưng chất lượng thực tế vẫn là câu hỏi lớn của rất nhiều người tiêu dùng. Đây cũng chính là lý do cần sự kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người sử dụng.

Khánh Vân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh