CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:22

Ồ ạt đi khám bệnh để... nhận quà

 

Trước Phòng khám Phương Nam lúc nào cũng đông người đến khám.


Từ khi Phòng khám đa khoa Phương Nam (P.4, TP.Cà Mau) triển khai chiến dịch khuyến mãi “khám bệnh tặng quà”, lượng người đến đây khám ngày một tăng. Hiện trung bình mỗi ngày có từ 1.500 - 2.300 lượt người đến khám bệnh. Thậm chí người dân từ các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu... cũng lặn lội sang Cà Mau khám bệnh.
Khám để “lấy quà về xài”
Chị Nguyễn Thị Ái (ngụ xã Tắc Vân, TP.Cà Mau) cho biết gia đình chị thường thay phiên đến khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) để lấy quà về xài. Bởi chỉ cần chịu khó ngồi chờ chừng 30 phút là được tặng đường, bột ngọt, sữa hoặc hạt nêm, ly, chén...
Còn chị Nguyễn Thị Út (ngụ xã Khánh Bình Đông) thì khoe được tặng 1 máy tính bảng đồ chơi, 1 hộp sữa và 1 kg đường khi đưa cháu ngoại đến đây khám bệnh để xin thuốc xổ lãi. “Con và cháu tôi cứ đòi cha mẹ đưa đến khám bệnh để lấy quà, còn thuốc thì về quăng đó vì chúng đâu có bệnh mà uống thuốc. Giờ con tôi có khá nhiều đồ chơi như xe, máy tính bảng, con mèo... toàn là được tặng”, chị L.T.C.Đ (ngụ TP.Cà Mau) nói. 
 

Có mặt tại phòng khám “kỳ lạ” này hôm 14/5, PV Thanh Niên chứng kiến cảnh nhộn nhịp vì nhiều người đưa con đến khám bệnh để lấy quà, sau đó mang ra trước cửa phòng khám bán lại. Người thu mua không ngần ngại mời gọi từng người khi họ cầm túi quà từ phòng khám bước ra. Đến hơn 19 giờ cùng ngày, đã có hàng chục người bán lại đồ chơi ngay trước cửa phòng khám. “Máy tính bảng, con mèo loại nhỏ tôi thu vào 30.000 đồng/cái. Một trong 2 món đồ chơi này đổi con mèo lớn thì bù thêm 20.000 đồng. Tôi mua về bán sỉ lại cho các đại lý. Giờ hầu như ai đi khám cũng bán lại quà tặng vì nhà ai cũng có thứ này rồi nên không cần nữa”, người mua hàng cho biết. Ông Ngô Quốc Khải, một tài xế taxi, kể: “Gần nhà tôi có gia đình làm nghề mua ve chai. Tuần nào cũng đưa con đi khám để lấy thuốc mang đi bán lại, còn đồ chơi thì họ mang theo bán khi đi mua ve chai”.
Theo tờ rơi phát cho bệnh nhân thì phòng khám này được Sở Y tế Cà Mau cho phép thực hiện chương trình khuyến mãi trong 5 năm, kể từ 1/1/2016 - 1/1/2021 (ký duyệt ngày 8/1/2016). Theo tài liệu Thanh Niên có, riêng trong quý 1/2016, tiền mua đồ chơi của phòng khám lên đến 48 tỉ đồng. Còn tiền mua sữa trong 1 tháng là hơn 3 tỉ đồng; tiền bột ngọt, hạt nêm... mỗi tháng trên 3 tỉ đồng...
Trẻ đau răng cũng bị siêu âm tim, nội soi tai mũi họng...
Theo điều tra của PV Thanh Niên, trong 10 ngày (từ ngày 10 - 20/1/2016), có tổng cộng hơn 20.000 lượt người đến khám tại Phòng khám đa khoa Phương Nam. Trong đó, gần 3.000 người đến khám từ 2 lần trở lên.
Kiểm tra ngẫu nhiên gần 600 hồ sơ trong tổng số 3.000 hồ sơ “khám nhiều lần”, ngành chức năng phát hiện có đến hơn 140 người được thực hiện nội soi tai mỗi đợt đến khám, điều trị (đều cho kết quả bình thường); 220 người được thực hiện siêu âm tim (kết quả bình thường); 138 người thực hiện siêu âm hạch vùng cổ, siêu âm tuyến giáp trong 1 lần điều trị.
Theo một nguồn tin, hầu như bệnh nhân nào đến khám cũng được chỉ định cận lâm sàng, như: Nội soi tai mũi họng, siêu âm tim, siêu âm ổ bụng, tổng phân tích tế bào máu bằng máy đếm laser... Bình quân trong tháng 12/2015, mỗi ngày có từ 800 - 900 lượt bệnh nhân được chỉ định nội soi tai mũi họng, siêu âm tim, siêu âm ổ bụng và hầu như bệnh nhân nào cũng được kết luận thiếu can xi. Đơn cử như bệnh nhân Ngô Ngọc Yến (58 tháng tuổi) đến khám được chỉ định rửa tai, rửa mũi, xông họng, siêu âm hạch vùng cổ, siêu âm tim, nội soi tai mũi họng, siêu âm tuyến giáp; bệnh nhân Đặng Như Ý (1 tháng tuổi) được chỉ định nội soi tai mũi họng...

 

Thuốc và đồ chơi của con chị L.T.C.Đ

Không chỉ lạm dụng cận lâm sàng, phòng khám này còn có biểu hiện cho thuốc uống vô tội vạ. Một bác sĩ ở Bệnh viện Cà Mau lo lắng: “Họ chỉ định cho trẻ dưới 6 tuổi Mumcal 10 ml uống 2 ống/ngày; trong khi Mumcal 10 ml sử dụng thời gian dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Hơn nữa chưa có bằng chứng cho thấy người bệnh thiếu can xi cần thiết để bổ sung, nhưng tôi thấy hầu như trẻ nào đến cũng được chỉ định uống”.
Sáng 14/5, PV Thanh Niên nhận được cuộc điện thoại và một trang thư viết tay của ông Đ. công tác trong ngành y. Người này kể cuối tuần rồi về quê mới phát hiện là nhiều người bà con của mình nghe quảng cáo quá hấp dẫn nên kéo nhau đến để khám bệnh. Trước đó, vào ngày 26/1, cháu của ông Đ. mới 40 tháng tuổi nóng sốt vì đau răng, người nhà đưa đến và được các bác sĩ ở đây chỉ định đi siêu âm tim, nội soi tai mũi họng và siêu âm ổ bụng... rồi kết luận cháu bị... sâu răng. “Một ca bệnh như của cháu tôi mà họ lạm dụng cận lâm sàng như vậy là dụng ý gì?”, ông Đ. đặt nghi vấn.
Bảo hiểm “còng lưng” chi
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau, trong tháng 1 năm nay, Phòng khám đa khoa Phương Nam thực hiện trên 37.000 lượt khám bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi; trong đó có hơn 11.000 lượt trẻ đến khám bệnh từ 4 - 9 lần.
Đơn cử như Trần Trung Gia Bảo (3 tuổi, quê H.Châu Thành, Kiên Giang) trong một tháng khám 9 lần, chi phí mỗi lần khám từ 377.000 - 719.000 đồng. Tính ra, chỉ trong vòng một tháng, số tiền BHYT phải chi cho bệnh nhân Bảo lên đến 4.975.000 đồng. Hay Hồ Thanh Tuyền (sinh năm 2010, ngụ P.7, TP.Cà Mau) trong tháng 1 khám 8 lần, với tổng chi phí 4.949.000 đồng. Điều đáng nói là hồ sơ thể hiện trong ngày 13/1, bệnh nhân này khám 2 lần; trong đó lần 1 có số tiền là 483.000 đồng và lần 2 là 482.000 đồng. Đến tháng 2, số lần cháu Tuyền đến khám tăng lên 10 lần, tổng chi phí lên đến 6.895.000 đồng. Điều khó hiểu là có đến 3 lần cháu Tuyền được gia đình đưa đến khám bệnh lần sau chỉ cách lần trước một ngày. Càng khó hiểu hơn, khi bệnh nhân này được khám bệnh bảo hiểm vào ngày 29 Tết Nguyên đán Bính Thân (tức ngày 7/2 dương lịch).

 

Người bệnh đi khám bệnh về mang quà lỉnh kỉnh

Do bệnh nhân đến khám đông như vậy nên số tiền mà Phòng khám đa khoa Phương Nam quyết toán với BHXH Cà Mau cũng tăng cao ngất ngưởng. Từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh Cà Mau thu BHYT chỉ được hơn 150 tỉ đồng nhưng hằng tháng phải thanh toán cho riêng phòng khám này từ 30 - 60 tỉ đồng. Riêng trong tháng 4, chi khám chữa bệnh BHYT hết 126 tỉ đồng, trong khi đó thu chỉ được 34 tỉ đồng và lũy kế quyết toán từ đầu năm đến nay là 371 tỉ đồng.

 

Chiều 15/5, chị V.T.P (ngụ TP.Cà Mau) mượn giấy khai sinh của con một người quen để đưa con mình đi khám. Chị kể: “Tôi đi khám lấy đường để đổi nước ngọt cho con uống, còn thuốc thì bán cho một nhà thuốc. Tôi có bán ở đây mấy lần nhưng họ mua rẻ lắm. Có khi tôi ký giấy thanh toán với phòng khám khi cả triệu đồng, ít thì cũng mấy trăm ngàn đồng, nhưng ra bán lại chỉ được mấy chục ngàn. Con tôi chỉ hơn 3 tuổi mà phòng khám cho nhiều thuốc quá, lần uống 5 - 6 viên chưa kể thuốc ống can xi nên tôi không cho con uống”.
Chị P. cho biết thêm con chị chỉ bị tiểu gắt nhưng nhân viên phòng khám giải thích là cần phải siêu âm tim, siêu âm bụng, siêu âm tuyến giáp và nội soi mới tìm ra bệnh.


Gia Bách/ Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh