Nước mắt và sự dối trá
- Y học 360
- 13:53 - 19/05/2017
Bài hát và câu chuyện của Đặng Hữu Nghị trên sóng truyền hình đã lấy được bao nước mắt của cộng đồng
Nhưng không ít vụ việc, lòng thương, sự giúp đỡ đã trao nhầm chỗ hoặc chí ít là giúp đỡ quá mức cần thiết.
Và đến hôm nay, anh Đặng Hữu Nghị (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM), người đã gây được xúc động mạnh trong câu chuyện về người chồng bị vợ bỏ rồi đơn độc nuôi 2 đứa con bại não đang là tâm điểm dư luận khi có nhiều thông tin cho rằng anh này đã nói không đúng về hoàn cảnh gia đình, đổ tiếng ác cho vợ để nhận về mình sự thương cảm và sự hỗ trợ về vật chất của các nhà hảo tâm.
Thú thật là khi xem phóng sự về hoàn cảnh rồi nghe Nghị hát bài "Gà trống nuôi con" trong chương trình “Hát mãi ước mơ” với những câu “Đành lòng gà trống nuôi con/sao em nỡ bỏ con cho đành/… Ngờ đâu em bỏ con chồng/em xuôi dòng về nơi bến mơ…” tôi đã rơi lệ. Mà tôi tin ai xem tiết mục này cũng sẽ đều phải rơi nước mắt vì xúc động khi tiếng nấc xen lẫn tiếng hát ngọt ngào của Nghị.
Hai con của Nghị là những cháu bé cực kỳ đáng thương khi các cháu phải mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Hoàn cảnh của Nghị là đáng thương khi anh phải bươn trải để kiếm tiền nuôi hai con mang bạo bệnh. Chỉ cần từng đó thôi, anh đã nhận được sự thương cảm và sẻ chia từ cộng đồng và những nhà hảo tâm sẵn lòng giúp đỡ, cưu mang bố con anh. Nhưng lòng tham đã đẩy anh đi quá xa, khi đổ tiếng ác cho người vợ của mình rằng vợ anh bỏ bố con anh 5 năm qua để tìm cuộc sống riêng, rồi anh mượn lời bài hát “Gà trống nuôi con” để lấy nước mắt cộng đồng.
Và ngày hôm nay 18/5, khi đối chất với vợ tại nhà anh trước sự chứng kiến của báo chí, Nghị đã nói và khóc: "Tôi mong dư luận có cái nhìn lại vợ tôi, người không hề bỏ con. Tôi xin lỗi các mạnh thường quân và người vợ cũ của tôi”.
Và đến đây, tôi có thể khẳng định rằng Nghị là người có hoàn cảnh đáng thương nhưng anh cũng là người dối trá, bởi một nửa sự thật không là sự thật.
Cách đây 6 năm, hàng vạn con tim của khán giả đã thắt lại, bao giọt nước mắt đã rơi khi xem chương trình “Người xây tổ ấm” với nhan đề “Chuyện đời của Lượm” kể về cuộc đời và số phận của Trần Thị Thuỳ Dương. Trong câu chuyện tự sự của mình kèm theo những giọt nước mắt, “Lượm” trong chương trình nói mình là một đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi, không có họ, không nhà cửa, không người thân, được một người ăn xin cưu mang; lớn lên “Lượm” bị phụ tình và phải đơn thân nuôi đứa con trai bị bệnh tim. Sau khi chương trình phát sóng, “Lượm” đã nhận được sự ủng hộ tiền từ một số nhà hảo tâm.
Thế nhưng sau đó câu chuyện của “Lượm” bị lật tẩy, và đó là một câu chuyện dối trá 100% của nhân vật này: “Lượm” trong chương trình có cha mẹ còn khỏe mạnh, kinh tế gia đình không đến nỗi nào, có chồng, có con và có nhà riêng.
Hẳn chúng ta cũng còn nhớ, trong chương trình “Điều ước thứ 7” phát sóng đầu năm 2015, kể về chuyện tình và điều ước của cô gái khiếm thị Nguyễn Như Đào (quê Anh Sơn, Nghệ An) và chàng trai Nguyễn Nhật Thanh (quê Quảng Xương, Thanh Hóa). Câu chuyện của cặp “vợ chồng hát rong” Thanh-Đào đã khiến rất nhiều khán giả xúc động và rơi nước mắt. Thế nhưng sau đó câu chuyện tình như cổ tích thời hiện đại vô cùng cảm động này đã bị “bóc mẽ” rằng đó chỉ là sự dối trá của hai nhân vật này, bởi Đào-Thanh không phải là vợ chồng và sự thực là Thanh đã có vợ và 2 con ở quê nhà.
Không ai làm từ thiện lại đi đong đếm cái mình cho đi. Nhưng đồng tiền và tình thương của họ phải được gửi trao đúng chỗ, bởi cuộc đời này còn rất, rất nhiều người có hoàn cảnh éo le, khốn khó cần giúp đỡ, cưu mang.
Nhưng cuộc đời này, chúng ta sẽ còn phải giúp đỡ bao nhiêu người như “Lượm”, như “Vợ chồng người hát rong”, như “Gà trống nuôi con”…. Khi họ lấy nước mắt, niềm tin của cộng đồng bằng sự dối trá và thiếu trung thực?
Nước mắt của con người và nước mắt của cá sấu, đôi khi chẳng có ranh giới nào phân định, khi sự dối trá chưa được phơi bày.
Và tôi sợ một ngày, sự ngờ vực sẽ khiến chẳng còn mấy ai tin vào những nỗi đau của cộng đồng. Và khi niềm tin không còn trong xã hội, đó sẽ là bi kịch.