CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:52

Nước mắt tiễn đưa hai phi công hy sinh trên tiêm kích Su-22

hangnghindongdoi-3959-1430634569.jpg

Hàng nghìn đồng đội, người thân, bạn bè đến dự lễ truy điệu hai phi công tử nạn. Ảnh: Quốc Thắng

Sáng 3/5, nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP HCM) đông nghịt người tham dự lễ truy điệu hai phi công Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Anh Tú, hy sinh trên những chiếc tiêm kích Su-22 tại vùng biển Phú Quý, nửa tháng trước. Trong khói hương trầm mặc và tiếng nhạc Hồn tử sĩ réo rắt, nhiều người đàn ông mặc áo lính mắt đỏ hoe, nghiêng mình thắp những nén nhang từ biệt hai đồng đội. Họ cũng siết chặt tay, chia sẻ nỗi đau mất mát của hai gia đình.

Có mặt từ rất sớm, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - lặng lẽ viết lên sổ tang: "Tú ơi, Nghĩa ơi ! Em sống khôn thác thiêng phù hộ cho gia đình, anh em đồng chí mọi điều tốt đẹp và may mắn. Hãy yên nghỉ em nhé”. Tướng Tuấn nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937 - đơn vị của hai phi công xấu số.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung - Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng - bày tỏ lòng tiếc thương, đồng thời động viên gia đình của hai phi công hy sinh khi làm nhiệm vụ. Tướng Cung cho rằng các anh là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sỹ toàn quân nói chung và Phòng Không – Không quân nói riêng. Góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. “Sự hy sinh của các đồng chí là không có gì bù đắp nổi. Mong gia đình nén đau thương, vượt qua khó khăn và nuôi dạy con cháu tiến bộ, trưởng thành”, Thứ trưởng Cung viết trong sổ tang.

Lặng lẽ bên quan tài đồng đội, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937 Sư đoàn không quân 370 Nguyễn Ngọc Hiển - người đã có 17 năm gắn bó với Thượng tá Lê Văn Nghĩa - cho biết, ông mới chuyển nhiệm vụ về Sài Gòn công tác được khoảng một tháng thì nghe hung tin đồng đội gặp nạn. Lúc đó ông rất sốc.

“Quá bất ngờ, ban đầu tôi hy vọng Nghĩa có thể sẽ nhảy dù thoát hiểm trong giây phút bất trắc, nhưng sau đó thì biết điều đó là rất khó”, cựu cấp trên của phi công nói và cho biết cả ông, Nghĩa và Tú đều là những phi công giỏi, nhiều kinh nghiệm trong việc lái máy bay phản lực chiến đấu, nhiều lần tham gia diễn tập bắn đạn thật.

bai2-6628-1430634569.jpgCác đồng đội, đồng chí thắp nhang tiễn đưa hai phi công. Ảnh: Quốc Thắng.

Theo ông Hiển, thời điểm xảy ra tai nạn hai đồng đội đều trong vai trò phi công chiến đấu, ngắm bắn mục tiêu trên biển và bay đôi. Đây là đợt diễn tập chuẩn bị cho việc diễn tập bắn đạn thật một mục tiêu trên biển sau đó một tuần. “Hồi còn làm việc cùng nhau, mỗi ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi lại cùng anh em trong trung đoàn đánh bóng chuyền. Nghĩa là một người rất điềm đạm, sống hòa đồng với anh em”, ông Hiển nói về kỷ niệm với đồng đội.

Ngoài sân nhà tang lễ từng đoàn người vẫn nối bước nhau đến viếng hai phi công lần cuối. Người phụ nữvợ một phi công đồng nghiệp của Thượng tá Nghĩa liên tục chậm nước mắt. “Nhớ năm nào tôi cùng vợ con cậu Nghĩa đi trực thăng ra Phan Rang ăn tết cùng chồng. Cậu ấy hiền lắm, lại hài hước, lúc nói chuyện cứ tủm tỉm cười hoài. Giờ cậu ấy đi rồi, tội nghiệp vợ và hai đứa con thơ quá”, người phụ nữ nói.

Thượng tá Nghĩa công tác tại Ninh Thuận nhưng gia đình sống tại quận 7, TP HCM. Con gái lớn của ông năm nay lên lớp 7, con gái nhỏ học lớp 3. Cứ hai ba tuần ông được về thăm vợ con một lần.

Còn Thiếu tá Tú sống cùng vợ con tại Phan Rang, cậu con trai năm nay mới hơn 2 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Trường sĩ quan không quân Nha Trang với tấm bằng hạng ưu, anh được giữ lại làm giảng viên của trường. "Tuy nhiên, ước mơ phải sống với bầu trời từ những ngày còn là học sinh đã đưa cậu ấy về Trung đoàn 937", một đồng đội của anh Tú cho hay.

Phút đưa tiễn hai phi công, những người vợ khóc ngất, tay vịn chặt linh cữu, níu kéo giây phút ở cạnh chồng. Hai con gái của phi công Nghĩa liên tục gọi tên cha trong nước mắt. Riêng cậu con trai của phi công Tú cứ ngơ ngác trong vòng tay người thân. Thằng bé còn quá nhỏ để cảm nhận mất mát lớn trong đời nó.

"Đây là nỗi đau của hai gia đình chúng tôi, không thể nào bù đắp được. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các lãnh đạo, các cơ quan đoàn thể, các đồng đội của hai con đã không quản ngại khó khăn, tổ chức tìm kiếm thi thể, thăm viếng và tổ chức lễ tang cho con chúng tôi", ông Nguyễn Văn Thi - bố Thiếu tá Nguyễn Anh Tú thay mặt hai gia đình - nói.

su-22-ok-6815-1430640526.jpg

Vợ Thượng tá Nghĩa khóc ngất bên linh cữu chồng. Ảnh: Quốc Thắng

Lúc 11h35 ngày 16/4, biên đội 2 máy bay Su-22 cất cánh từ sân bay Phan Rang (Ninh Thuận) ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý đã mất liên lạc. Khu vực mất mục tiêu ở Bắc đảo Phú Quý khoảng 10-20 km. Trung tá Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), Phó trung đoàn trưởng trung đoàn 937, Sư đoàn 370, lái máy bay số hiệu 5857 và Đại úy Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370) điều khiển máy bay 5863. Vùng biển hai tiêm kích gặp nạn có độ sâu khoảng 32 mét.

Hơn mười ngày sau khi gặp nạn, thi thể phi công Nghĩa được tìm thấy cách Tây Nam Hòn Đá Bé 3,9 km và còn kẹt trong buồng lái. Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ mở rộng phạm vi tìm kiếm thêm 200 m và đã tìm thấy phi công Tú.

Bộ Quốc phòng đã quyết định công nhận hai phi công là liệt sĩ và thăng một bậc quân hàm trước thời hạn cho hai anh vì đã hy sinh trong tình huống thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu. Theo đó, Trung tá Lê Văn Nghĩa được nâng quân hàm Thượng tá, Đại úy Nguyễn Anh Tú được thăng quân hàm Thiếu tá.

Sau lễ truy điệu hôm nay, hai phi công sẽ được đưa đi hoả táng tại Bình Hưng Hoà (quận Bình Tân, TP HCM). Lễ an táng của Thượng tá Nghĩa và Thiếu tá Tú sẽ được tổ chức tại Nghĩa trang liệt sỹ ở quê nhà là Hà Nội và Hải Phòng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh