Nước Anh: Thứ trưởng Y tế dương tính, người dân có thái độ thế nào với virus corona?
- Tây Y
- 20:26 - 11/03/2020
Thứ trưởng Y tế F0, Thủ tướng F1
Thứ trưởng Y tế Anh Nadine Dorries có kết quả xét nghiệm dương tính với virus và đang tự cách ly tại nhà. Thông tin trên xuất hiện vào thời điểm nước Anh đã có 382 ca nhiễm bệnh và 6 người chết vì COVID-19. Người thứ 6 tử vong vì virus là một cụ ông ngoài 80 tuổi và có sẵn nhiều bệnh lý.
Nữ thứ trưởng 62 tuổi, nghị sĩ đảng Bảo thủ, cho biết Bộ Y tế Anh đã bắt đầu tìm kiếm những người đã tiếp xúc với bà. Văn phòng của bà tại Bộ Y tế và Quốc hội đã đóng cửa để đề phòng virus.
Bà Dorries bắt đầu có triệu chứng đầu tiên từ ngày 5/3. Cùng ngày, bà tham dự một sự kiện tại phố Downing do Thủ tướng Boris Johnson chủ trì và bà bắt đầu tự cách ly từ ngày 6/3. Số 10 phố Downing không cho biết liệu ông Boris Johnson có xét nghiệm virus hay không và bao giờ sẽ xét nghiệm.
Các thứ trưởng Y tế và những quan chức khác tiếp xúc với bà khá lo lắng và đã phải đi xét nghiệm. Thứ trưởng Matt Hancock viết trên Twitter nói rằng bà Dorries đã làm đúng khi tự cách ly tại nhà và chúc bà chóng khỏe.
"Tôi hiểu tại sao mọi người lo lắng về dịch này. Chúng tôi sẽ làm tất cả để mọi người được an toàn, dựa trên những hiểu biết khoa học đến thời điểm này", ông nói thêm.
Bà Dorries mô tả trên tài khoản Twitter cá nhân rằng "tình trạng khá khó chịu nhưng tôi hy vọng tôi đã vượt qua điều tồi tệ nhất". Tuy nhiên, bà lo lắng cho người mẹ 84 tuổi của mình. Cụ bà sống cùng nữ thứ trưởng và đã có dấu hiệu ho từ ngày 10/3.
Chính phủ Anh ứng phó như thế nào?
Cơ quan y tế công cộng Anh đã tiến hành hơn 25.000 xét nghiệm virus corona trên cả nước. Bộ Y tế nước này cũng cho biết sẽ nâng cao năng lực xét nghiệm khiến dự kiến con số ca nhiễm bệnh sẽ tăng cao. Ngoài Anh, các vùng khác của Liên hiệp Vương quốc Anh là Scotland, Wales và Bắc Ireland cũng sẽ tăng cường xét nghiệm và sẵn sàng chia sẻ với toàn bộ Liên hiệp nếu cần. Tại Scotland 27 người dương tính với virus, 16 người ở Bắc Ireland và 15 người ở xứ Wales.
91 người nhiễm bệnh ở London, khu vực tiếp theo có tỷ lệ nhiễm bệnh cao là phía Đông Nam với 51 trường hợp.
Bộ Ngoại giao Anh đã cảnh báo các công dân nước này không đến Italy nếu không cần thiết sau khi Ý ra lệnh phong tỏa cả nước và là quốc gia dịch bệnh bùng phát nặng nhất bên ngoài Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao cũng khuyến cáo những người trở về từ Ý từ ngày 10/3 phải tự cách ly 14 ngày. Chính phủ nói rằng họ có đủ chỗ cho khách du lịch Ý đang ở Anh thuộc diện cần phải cách ly.
British Airways đã huỷ các chuyến bay đến và từ Ý đến ngày 4/4 và đề nghị các nhân viên tình nguyện nghỉ không lương trong thời gian này. Easyjet, Ryanair và Jet2 cũng hủy các đường bay tới Ý dù EasyJet sẽ tổ chức các chuyến bay "giải cứu" để đưa người Anh từ Ý về nước trong những ngày tới.
Dân chúng Anh có thờ ơ với virus?
Trong dân chúng Anh, cuộc sống có nhiều đảo lộn trong những tuần qua khi số người nhiễm virus ngày một tăng. Theo BBC, người Anh có nhiều phản ứng khác nhau, nhưng đa phần là thắc mắc và khá hoang mang với hàng loạt câu hỏi.
Tôi có cần tự cách ly ko? Kế hoạch du lịch của tôi có bị ảnh hưởng? Tôi có thể bảo vệ sức của gia đình mình như thế nào? Trường học và công sở có phải đóng cửa? Sự kiện lớn có bị hoãn? Làm thế nào để thanh toán các hóa đơn nếu tôi phải cách ly? Nếu nhà tôi hết nhu yếu phẩm thì phải làm thế nào?
Hiện tại, dân chúng Anh ngày ngày mong chờ các thông tin từ chuyên gia nhiều hơn từ các chính trị gia.
Bà Jill Allen, 76 tuổi, có bệnh tim và phổi mãn tính, muốn biết xem bà có nên tiếp tục kế hoạch đi du lịch Tây Ban Nha 3 tuần hay không.
"Tôi cảm thấy đi ra nước ngoài bây giờ là không khôn ngoan nhưng chỉ đến khi nhà chức trách thông báo tình hình tại Tây Ban Nha, công ty tổ chức tour du lịch của tôi còn không hủy chuyến đi", bà nói.
Bà Nadine Dorries và ông Boris Johnson trong một sự kiện. Ảnh: Independent.co.uk
Hôm 10/2, chính phủ Anh cho biết nước này đang ở trong giai đoạn ngăn chặn và chưa chuyển sang giai đoạn tiếp theo là áp dụng các biện pháp cách ly xã hội để đẩy lùi virus.
Marilyn Rodger, một người tàn tật sống với cha mẹ già, lo lắng rằng ở trong tình hình này thì gia đình của bà sẽ không nhận được sự chăm sóc cần thiết.
"Bố tôi đã 96 tuổi, thường xuyên bị nhiễm trùng vùng ngực. Vậy nếu ông bị ho thì có phải cách ly không? Cách ly thì có nghĩa mọi người sẽ không đến chăm sóc chúng tôi nữa? Điều đó thật đáng sợ đối với chúng tôi?, bà nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy tuyệt vọng. "Tôi không phải người hâm mộ cho mọi quyết sách của chính phủ nhưng lần này (Thủ tướng) Boris Johnson đã hành động tốt hơn so với những dự đoán của tôi. Tin tưởng những người đáng tin tưởng, ông ý làm theo lời khuyên của các chuyên gia", tài khoản RoseEdmunds viết trên Twitter.
Với một số người khác, nỗi lo hiện hữu và thường trực.
Người sử dụng mạng xã hội Mumsnet có tên LH1987 viết: "Là một thai phụ bị tiểu đường và đi tàu đi làm mỗi ngày, thực sự mà nói, tôi hơi lo lắng".
Một người mẹ ở Hertfordshire bị hen suyễn cũng vô cùng lo lắng cho đứa con 8 tuổi và cân nhắc tự cho con nghỉ học để tránh lây bệnh nhưng còn lo ngại con sẽ bị phạt vì không đi học đủ.
Những người khác chia sẻ câu chuyện của gia đình mình ứng phó với dịch.
Một người tại công ty bảo hiểm lớn của Anh nói rằng công ty vẫn yêu cầu các nhân viên đi làm trừ khi người đó có lệnh phải cách ly tại nhà và các triệu chứng nhẹ không phải là lý do để nghỉ làm.
Lý do là vì hệ thống IT không đủ đáp ứng cho mọi người đều làm việc từ xa, ông giải thích. Đối với những người làm việc từ nhà, công ty của chúng tôi đã cung cấp một số công cụ và ứng dụng.
Với một số khác, tác động tài chính là nguyên nhân khiến họ lo lắng.
James Wilson ở Nuneaton nói với BBC rằng ông chủ sẽ không trả lương cho mình nếu ông nghỉ làm chỉ vì "ốm nhẹ". "Tôi bị buộc phải đi làm nếu không tôi sẽ không có tiền để thanh toán các hóa đơn".
Kev Bolus, một DJ tự do, nói anh đã không có việc làm từ cuối tháng 2 và thực sự lo lắng cho bản thân cũng như những người kinh doanh tự do và freelancer như mình.
Sân bay tại Anh vắng vẻ vì dịch COVID-19. Ảnh: Getty
Một số người nói rằng thông tin của chính phủ và của các hãng hàng không đang trái ngược nhau.
Gloria Palazzi, từ Italy trở về Anh trên chuyến bay kín chỗ của British Airways, cho biết cô phải ở trên máy bay thêm 90 phút sau khi hạ cánh vì một hành khách bị ho.
Nhân viên sân bay không yêu cầu họ phải cách ly nhưng chính phủ khuyến cáo trên mạng rằng họ cần cách ly.
Những lời khuyên rửa tay thường xuyên và không nên chạm tay lên mặt nghe thì rất dễ nhưng nhiều người vẫn thường xuyên cho tay lên mặt theo thói quen khó thay đổi.
Ngoài ra, sau nhiều tuần hoảng loạn mua sắm mì ống, nước rửa tay và giấy vệ sinh, đến nay nỗi lo vẫn chưa dứt và các kệ hàng hóa vẫn trống trơn bởi lượng người tích trữ.
Một số người thì vẫn lạc quan như chủ tài khoản RossHunterUK vẫn bay đến Doha, Qatar, trên chuyến bay chỉ có 15 người và hào hứng chia sẻ rằng đây là thời gian tốt để bay.
Tham khảo BBC