THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:25

Nước Anh chia tay Châu Âu-Cú đấm trực diện giúp EU tìm lại chính mình?

 

Châu Âu đang sống theo nhịp điệu của những cuộc khủng hoảng. Sau khủng hoảng Hy Lạp là khủng hoảng Ukraine. Sau khủng hoảng nợ công là khủng hoảng tị nạn. Và giờ là khủng hoảng Brexit.

Vài năm qua là quãng thời gian tồi tệ nhất với châu Âu bởi tất cả các cuộc khủng hoảng nêu trên đều có thể xếp vào mức độ trầm trọng nhất: làn sóng tị nạn lớn nhất từ sau Thế chiến, căng thẳng địa chính trị gay gắt nhất với Nga từ sau Chiến tranh lạnh và nguy cơ đổ vỡ Liên minh lớn nhất kể từ ngày thành lập. 

 

nuoc anh chia tay chau au-cu dam truc dien giup eu tim lai chinh minh? hinh 0
Một người dân Anh vẫy cờ ăn mừng việc Anh rời khỏi châu Âu. (ảnh: Reuters).

 

Một Liên minh châu Âu trong vài thập kỷ chỉ biết đến tăng trưởng thành viên lần đầu tiên mất đi quân số. Đó không phải là thành viên bất kỳ nào mà là Vương quốc Anh, nền kinh tế lớn thứ 2 của khối, một cường quốc quân sự chính trị tầm cỡ toàn cầu. Nói chính xác thì trong hơn 5 thập kỷ hội nhập và xây dựng khối, EU từng chứng kiến một sự ra đi: đảo Groenland trong thập kỷ 80. Nhưng số người biết đến hòn đảo nằm ở Bắc Cực đó của Đan Mạch có lẽ không nhiều hơn số người biết đến giải bóng đá Ngoại hạng Anh.

Châu Âu cũng đang sống theo nhịp điệu của những lời nói “Không”. Dân Hy Lạp nói “Không” với cái mà họ gọi là sự tống tiền từ Brussels khi bắt cải tổ khắc nghiệt để nhận cứu trợ. Dân Pháp nói “Không” với các cải cách kinh tế theo đường lối tự do bằng các cuộc biểu tình xuống đường bạo lực. Dân Đức nói “Không” với việc phải chi tiền nuôi các thành viên yếu kém… và giờ đến lượt dân Anh nói “Không” với cả một đại dự án xây dựng giấc mơ châu Âu.

Những nhịp điệu đó đưa EU trở lại với mặt đất để đối mặt với thực tế khắc nghiệt. Dự án về siêu nhà nước châu Âu đang đánh mất sức hấp dẫn. Châu Âu của 28 nước thành viên (và sắp tới chỉ còn 27 hoặc ít hơn) hiện tại đã trở nên mất kiểm soát và gần như không thể điều hành mỗi khi phải đối mặt với những thách thức lớn. Trong khủng hoảng nợ công và Hy Lạp là sự đối chọi giữa những bên muốn thực thi sự khắc khổ bằng mọi giá để cân bằng ngân sách với một bên muốn dành mọi nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng và chấp nhận nợ nần. Khủng hoảng Ukraine là sự bất lực toàn diện về chính sách đối ngoại và an ninh chung. Khủng hoảng tị nạn là sự chia rẽ nghiêm trọng khi các nước mạnh ai, nấy lo, bất chấp mọi kêu gào từ Brussels để bao bọc biên giới của mình. 

 

nuoc anh chia tay chau au-cu dam truc dien giup eu tim lai chinh minh? hinh 1
Anh và châu Âu giờ đã không còn là 2 mảnh ghép. (ảnh: KT).

 

Brexit, vì thế, thực ra chỉ giống như một lưỡi dao kết liễu sự ngắc ngoải của một giấc mơ. Những người Anh vốn nổi tiếng về độ thực tế đã từ chối một dự án mà họ cảm thấy không còn mang lại lợi ích cho chính mình. Trách người Anh vì thất bại của châu Âu là điều không công bằng. Với nước Anh, tương lai sẽ trả lời là liệu họ có phải đã chơi một canh bạc quá lớn hay không, nhưng với châu Âu thì có thể khẳng định ngay lúc này: Brexit là một cú sốc khủng khiếp. Một cơn ác mộng.

Brexit là sự khẳng định, qua một hành động dân chủ căn bản nhất của dân chúng, rằng dự án siêu nhà nước châu Âu đang mắc lỗi nghiêm trọng. Thay vì phát triển thịnh vượng theo phương châm của EU là “đoàn kết trong đa dạng” thì nó lại tạo ra những sự chia rẽ, nghi kỵ nghiêm trọng giữa các thành viên và sự hoài nghi lớn lao từ dân chúng. Brexit là minh họa đáng sợ cho EU rằng, một khi không giữ được một trong những thành viên quan trọng nhất của mình thì EU có thể đánh mất bất kỳ một thành viên nào khác vào bất cứ thời điểm nào.

Trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, quân sự, một EU không Anh quốc sẽ suy yếu đáng kể. Nhưng điều tồi tệ hơn là nó phát đi tín hiệu rằng tổ chức này đang trên đà suy vong vì những sai lầm từ trong nội khối.

Làm lại châu Âu

Nhưng châu Âu sẽ không thể sống mãi trong các lời than vãn bi kịch. Trong bài xã luận đầy cay đắng của mình, tờ Le Monde (Pháp) viết: “Bi kịch lớn nhất đối với phần còn lại của châu Âu là tự cho phép mình nghĩ rằng vì Brexit mà châu Âu sẽ không bao giờ còn được như trước nữa. Chuyện xảy ra thì đã xảy ra, châu Âu lục địa cần chơi đẹp với người Anh. Còn các quý ngài Anh quốc, các vị đã chọn, vậy thì “out” là “out”.

Tinh thần đó là thứ châu Âu đang kêu gọi hun đúc. Brexit là một thực tế và cần trả lời nó bằng các hành động thực tế. 27 nước thành viên EU cần ngồi lại với nhau để làm lại châu Âu. Bắt đầu từ đâu? Thủ tướng Pháp, Manuel Valls nhận định: Brexit cho chúng ta thấy việc cấp bách phải lắng nghe lại tất cả những nguyện vọng căn bản nhất của người dân. Ngoại trưởng Đức, Steinmeier lại nói: châu Âu phải bắt đầu lại từ những giá trị cơ bản nhất của những ngày đầu mà nó được hình thành.

Đây không đơn giản là các lời nói ngoại giao của các chính trị gia. Brexit là cú đấm thức tỉnh cho toàn bộ châu Âu, nhắc châu lục này nhớ lại rằng tinh thần lớn nhất khi thành lập Cộng đồng than và thép những năm 50, tiền thân sơ khai của Cộng đồng kinh tế châu Âu rồi EU sau này, không đơn giản là lợi ích kinh tế. Các cha đẻ của ý tưởng hội nhập châu Âu từ De Gaulle đến Adenauer mơ ước xây dựng châu Âu thành một không gian chung chia sẻ hòa bình và thịnh vượng, sống “thống nhất trong đa dạng” chứ không phải là một Thị trường chung, nơi kinh tế và các luật lệ khô khan như “Quy tắc Vàng” áp đặt lên tất cả. 

 

nuoc anh chia tay chau au-cu dam truc dien giup eu tim lai chinh minh? hinh 2
27 nước thành viên EU cần ngồi lại với nhau để làm lại châu Âu. (ảnh: KT).

 

Mệnh lệnh với EU bây giờ là cải cách, thay đổi triệt để các thiết chế của mình để hoạt động hiệu quả hơn. Xếp loại và đánh giá từng thành viên để chia ra thành một Liên minh nhiều tốc độ cũng là việc cần làm. Không thể áp dụng cùng một quy định cho cả nhóm các nước Bắc Âu giàu có với các thành viên mới từ Đông Âu và Nam Âu nghèo khổ. Người Hà Lan, Đức…không thể gánh vác mãi chi phí cứu trợ cho dân Hy Lạp, Bồ Đào Nha. Người Ý hay Hy Lạp cũng không thể gánh hàng trăm ngàn dân tị nạn thay cho cả châu Âu. Trên hết, EU không thể giữ được sức mạnh cuốn hút của mình nếu không làm được việc quan trọng nhất: bảo vệ các thành viên của nó bằng một đường biên giới ngoại vi vững chắc nhằm ngăn làn sóng khủng bố và tị nạn.

Có quá nhiều thách thức đặt ra với châu Âu, nhưng thách thức lớn nhất có lẽ là phải nhanh chóng vượt qua nỗi ám ảnh mang tên Brexit một cách sớm nhất có thể./.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh