Nửa thế kỷ làm “đôi mắt” cho chồng
- Y học 360
- 17:07 - 31/10/2015
Đã nửa thế kỷ đi qua, câu chuyện tình của ông Nguyễn Cộ và bà Trương Thị Bé (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) vẫn vẹn nguyên như ban đầu.
“Đôi mắt” của người chồng mù
Những người dân ở khối phố Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, đã quá quen với hình ảnh một đôi vợ chồng già dẫn nhau đi bán chổi. Người vợ đi trước, tay cầm gậy dẫn đường cho người chồng đi sau. Ở tuổi 82, hai ông bà vẫn còn khá nhanh nhẹn mặc dù ông bị đau tim, còn bà thỉnh thoảng bị chứng bệnh khớp hành hạ.
Suốt 50 năm qua, bà Bé luôn là “đôi mắt” soi đường cho ông Cộ.
“Tôi theo Cách mạng năm 16 tuổi, trở thành dân quân. Không may bị địch bắt rồi tra tấn nên cơ thể cũng mang nhiều bệnh tật. Đến năm 1967, tôi không may đạp trúng bom rồi bị mù từ đó đến bây giờ, nếu không có vợ bên cạnh không biết phải ra làm sao”, ông Cộ kể lại những ngày chiến tranh ác liệt.
Trở về từ chiến trường với đôi mắt mù lòa, ông cố gắng hòa nhập với cuộc sống, rồi có lúc ông nghĩ đến việc tự tử để không trở thành gánh nặng cho đời, nhưng nhờ sự động viên từ gia đình, từ người vợ hiền hết mực yêu thương chồng mà ông cố gắng vượt lên nghịch cảnh.
Sống bên nhau mấy chục năm, ông bà làm lụng không ngơi nghỉ để nuôi 4 người con trưởng thành. Nhưng rồi cuộc sống không trọn vẹn khi 3 người con trai đầu mang trong mình bệnh tật, còn người con gái út lại sống trong cảnh góa bụa. Gia đình khó khăn, ông Cộ lại không nhìn thấy được, đa số việc trong nhà đều do một tay bà Bé quán xuyến. Tích cóp, vay mượn được chút tiền, ông bà xây một căn nhà nhỏ làm nơi trú nắng trú mưa.
Những lúc bà Bé vắng nhà, ông Cộ lại mò mẫm tự nấu cơm giúp vợ.
“Đi bán chổi có lúc tôi bị ngã hoặc mệt không đứng dậy được, bà ấy không đủ sức để đỡ tôi dậy nên toàn ngồi khóc. Mấy chục năm ở với nhau, chưa một lần bà ấy được thảnh thơi”, ông Cộ xúc động kể về người vợ của mình.
Gánh chổi mưu sinh
Trở về cuộc sống đời thường, bà Bé đi chăn bò, còn ông Cộ đi tát nước thuê để kiếm sống. Nhưng rồi công việc cực nhọc mà sức khỏe của ông thì không bảo đảm, bà bắt đầu tính việc đi bán chổi. “Hồi đó tôi cũng muốn tìm một cái nghề ổn định để nuôi gia đình, nhưng ổng bị mù, để ổng ở nhà một mình không an tâm được, vậy là hai vợ chồng bàn nhau cùng đi bán chổi kiếm sống qua ngày, có gì còn chăm sóc nhau được”, bà Bé tâm sự.
Bà Bé bên những bó chổi mưu sinh.
Vậy là suốt từ năm 1982 đến bây giờ, những cây chổi đã theo chân ông bà đi khắp Đà thành. Nhiều năm về trước, khi hai vợ chồng còn khỏe mạnh, bà lại dẫn ông ra đón xe lam từ Nam Ô xuống bán tại các khu chợ và những khu dân cư quanh thành phố. Có những ngày đắt hàng, ông bà bán được trung bình 30 cây chổi. “Có những người thương tình còn cho tiền, cho quà, có lẽ do mình ăn ở lương thiện, buôn bán đàng hoàng nên ông trời thương, người ta thương”, bà Bé vừa nói vừa cười.
“Mỗi cây chổi lời được từ 3-4 ngàn đồng. Đi từ sáng tới trưa mà bán hết thì cũng đủ mua gạo và trang trải thuốc men. Trúng ngày mưa không đi bán được thì cực hơn”, ông Cộ vừa nói vừa chỉ vào mấy hộp thuốc trên tủ. Trung bình mỗi tháng, ông bà lại tốn gần 2 triệu đồng tiền thuốc men.
Mưu sinh vất vả nhưng vì thương chồng mà bà Bé không một lời than thở.
Năm ngoái, sức khỏe ông suy giảm, lại thêm chứng nhồi máu cơ tim, bà nằng nặc đòi ông ở nhà, rồi bà giành đi bán chổi một mình. Không có ông đi theo vác chổi, sức vóc của bà chỉ bán được 15-20 cây/ngày. Nặng gánh mưu sinh, những ngày không đi bán, bà lại đi tìm việc khác để kiếm thêm thu nhập. Có lúc bà đội nắng đi bộ tới trước hầm giao thông Hải Vân để nhặt ve chai về bán. Đôi chân đen sạm của bà lão tuổi ngoài 80 lại in hằn trên những con đường khắp làng trên xóm dưới.
Ở tuổi gần đất xa trời, ông bà đã cùng nhau trải qua những biến cố trong suốt quãng đời cực nhọc. Dẫu vất vả nhưng mái nhà nhỏ ấy chưa bao giờ vắng đi tiếng cười, bởi ông Cộ biết rằng, đằng sau tiếng cười đó là “đôi mắt” quý giá mà cuộc sống đã dành tặng cho ông.