Nữ sinh tập luyện để có vóc dáng đồng hồ cát
- Sức khỏe
- 18:52 - 11/10/2015
Bị ám ảnh với thân hình 60 kg, Thanh áp dụng nhiều cách ăn kiêng kham khổ gây hại đến sức khỏe. Sau 5 năm, Thanh vẫn nhớ như in lần đầu tiên đã ép bản thân nhịn đói và chỉ ăn một quả táo mỗi ngày. Đó là những ngày tháng dài lê thê và mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần bởi cô lâm vào tình trạng rối loạn ăn uống. Nhịn ăn quá nhiều và tập cardio miệt mài nên sức khỏe của Thanh cạn kiệt, mất kinh nguyệt gần một năm trời. Thanh chia sẻ, chỉ vì thiếu hiểu biết mà cô đã vô tình tàn phá một cơ thể khỏe mạnh bình thường, khiến bố mẹ và bạn bè phiền lòng.
Khi sang Mỹ học tập, chế độ ăn uống thay đổi Thanh tăng cân nhanh hơn trước. Tấm gương và bàn cân trở thành nỗi ám ảnh của cô gái 9X. May mắn, Thanh gặp cô bạn người Brazil gốc Nhật có vóc dáng chuẩn làm thay đổi suy nghĩ tồn tại lâu nay trong Thanh là "ăn sẽ bị mập, tập tạ sẽ bị đô". Nhờ sự chia sẻ và động viên của bạn, cô nghiên cứu về tập thể hình và ăn uống hợp lý.
Như Thanh trước và sau khi giảm cân. Ảnh: Tula. |
Chế độ ăn:
Thanh ăn bất cứ thứ gì mình thích và không kiêng khem nhiều. Năng lượng nạp vào đã được đốt cháy qua các bài tập. Thanh cân và tính đúng từng lượng Carbs, chất béo và protein nạp vào cơ thể mỗi ngày. Hiện tại cô duy trì mức năng lượng nạp vào cơ thể là 165 g carb, 40 g fat và 108 g protein, bổ sung 24-55 g chất xơ.
Thanh ăn theo chế độ linh hoạt hay còn gọi là “If it fits your macros” (IIFYM). Mỗi người sẽ được đo đếm một lượng dinh dưỡng riêng tùy vào thể trạng và lượng hoạt động hằng ngày, từ đó mình sẽ tính ra lượng carbs, fat và protein cần thiết nạp vào. Tuy nhiên cách này hơi khó áp dụng ở Việt Nam bởi vì thực phẩm ở Việt Nam ít ghi rõ nguồn dinh dưỡng, lượng calo. Mùa hè về Việt Nam, việc tính toán mức năng lượng của Thanh cũng trở nên khó khăn và phức tạp, cô tính theo phương thức ăn căn bản là 40% protein, 40% carbs và 20% chất béo và chất xơ.
Những món ăn thường ngày trong thực đơn của Như Thanh. Ảnh: Tula. |
Luyện tập:
Thanh dành thời gian tập 6 ngày mỗi tuần, một ngày nghỉ ngơi. Cụ thể: 2 ngày đẩy, 2 ngày kéo và 2 ngày tập chân. Mỗi lần Thanh tập khoảng 7 bài, khoảng hơn 60 phút, cộng thêm 10-20 phút với bài cardio. Thời gian sau Thanh chỉ tập cardio khoảng 2-3 lần trong tuần vì cảm thấy cardio không hiệu quả bằng tập tạ nặng. Theo cô gái, 3 bài tập chính rất quan trọng là squat, deadlift, và bench press giúp vận động cơ bắp của toàn thân.Nhờ đó hệ trao đổi chất hoạt động mạnh hơn và đốt được nhiều năng lượng hơn kể cả khi mình nghỉ ngơi.
Theo Thanh, quá trình cải thiện vóc dáng không nên gói gọn trong một thời điểm và dừng lại, trở thành một lối sống hằng ngày để bạn có thể duy trì vóc dáng thon gọn dài lâu. Thanh chia sẻ, thất bại lớn nhất khi cô bị lệ thuộc và ám ảnh về vấn đề cân nặng thay vì sức khỏe và hạnh phúc trong một thời gian dài. “Những gì mau đến cũng mau đi, ép cân chỉ là biện pháp tạm thời, thay vì suy nghĩ phải giảm 10 kg một lần, hãy nghĩ là sẽ giảm một vài kg trong 10 lần” cô gái 9X chia sẻ.
Vóc dáng đồng hồ cát của Thanh sau khi giảm cân và tập luyện thể hình. Ảnh: Tula. |
Thanh đã giảm 8 kg trong vòng 4 tháng đầu áp dụng việc tập luyện và dinh dưỡng nhưng cơ thể thay đổi tích cực, trở nên săn chắc và hấp dẫn. Hiện tại cân nặng không còn là nỗi ám ảnh nữa, Thanh chú tâm thay đổi phần trăm lượng mỡ trong cơ thể để cơ thể săn chắc, khỏe khoắn hơn.
Nguyễn Thị Như Thanh, sinh năm 1996 là sinh viên năm 2 khoa Quản trị Kinh doanh, trường State College of Florida, Mỹ. Số đo 3 vòng của cô: 83 - 65 - 90, cân nặng 47 kg, cao 1,56 m.