Nữ hoàng truyền thông Arianna Huffington: Giữa đại dịch Covid-19, điều gì thực sự cần thiết?
- Y học 360
- 22:58 - 07/04/2020
Ariana Huffington là người sáng lập The Huffington Post, người sáng lập và CEO của Thrive Global, đồng thời là tác giả của 15 cuốn sách. Bà được ghi tên trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của Tạp chí Time và danh sách những phụ nữ quyền lực nhất của Forbes. Mới đây, bà có bài viết trên Thrive Global, nhắc nhở tất cả mọi người: "Đại dịch Corona virus đem đến câu hỏi: Điều gì là thực sự cần thiết trong cuộc sống của chúng ta?".
Dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng có lẽ một lúc nào đó nó cần xuất hiện để tất cả chúng ta đối diện với câu hỏi đã tự bỏ quên bấy lâu.
“Tôi ước điều đó không xảy ra với mình”, nhân vật Frodo trong phim Chúa tể những chiếc nhẫn đã nói vậy. “Tôi cũng thế”, Gandalf trả lời, “và cũng mong thế cho tất cả mọi người trong thế giới này. Nhưng chúng ta không thể quyết định được điều đó. Điều duy nhất ta có thể làm là quyết định việc chúng ta có thể thực hiện để đối diện với nó”.
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta hiện nay đang cảm thấy giống như Frodo. Tại sao việc đó lại xảy ra lúc này? Với tôi? Dẫu cho nhiều sự đau khổ hay hối tiếc thì có một điều chúng ta vẫn có thể vui mừng, đó là quyền chủ động với những gì thời gian đem đến.
Chỉ mới vài tuần trước, chúng ta vẫn đang hối hả nói về cuộc sống bận rộn của mình. Tất cả mọi người đều vội vã leo lên chiếc thang thăng tiến, hớn hở trước sự vấp ngã của người khác và quay cuồng trong guồng quay căng thẳng. Không một ai, không một biển chỉ dẫn nào nói rằng bạn đang quên đi chính bản thân mình, đang mất kết nối với bản chất sâu thẳm và đang bỏ qua những mối quan hệ tốt đẹp, nhân văn.
Đây là một thử thách lớn, một sự thật hiển lộ nhưng có vẻ đang dần biến mất giữa nhịp sống hiện đại, rằng có hai sợi chỉ kết nối cuộc sống của chúng ta. Một là kéo chúng ta vào thế giới xô bồ với những ham muốn và mục tiêu, hai là kéo chúng ta về với thế giới nội tại, nuôi dưỡng nó và tiếp nhiên liệu cho chính mình.
Nếu chúng ta bỏ quên sợi chỉ thứ hai thì sẽ rất khó để có sức mạnh đối diện với khó khăn, đặc biệt là trong những hoàn cảnh như hiện nay. Như nhiều triết gia đã nói, để biết nhiều hơn về thế giới thì bạn cần phải hiểu bản thân mình trước tiên. Hay như Lão Tử thì: “Biết người khác là tri thức, biết mình là khôn ngoan”.
Cả thế giới đang phải đối phó với đại dịch Covid-19 nguy hiểm và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Sẽ có hai điều chúng ta cần phải thay đổi nếu muốn tiến vào một thế giới tốt đẹp hơn sau khi đại dịch kết thúc.
Đầu tiên là sống tử tế hơn, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn cho những người yếu đuối, bệnh tật, già cả và những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Thế nào là dễ bị tổn thương? Họ là những người được trả lương thấp nhưng lại đảm trách các công việc thiết yếu nhất trong xã hội như y tá, nhân viên điều dưỡng, nhân viên xã hội, các chiến sĩ – hay chính là “tiền tuyến” trong công cuộc phòng chống dịch bệnh. Khi tất cả mọi thứ bị tước đi, chúng ta sẽ nhìn thấy đâu là cái thực sự cần thiết cho cuộc sống của mình.
Điều thứ hai cần phải thay đổi là ngừng sống trong thế giới hời hợt, nơi chúng ta vắt kiệt sức mình cho những mục tiêu danh vọng, dẫu tổn thương về sức khỏe và đánh mất những mối quan hệ chân thành. Để theo đuổi chúng, chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều điều mà truyền thống, triết học và tâm linh vẫn luôn nói – rằng có một nơi mà chúng ta có thể tìm thấy sự tự do, bình yên và sức mạnh trong chính con người mình. Chúng ra rất cần kết nối lại bản thân mình với nó!
Nếu cuộc sống vội vã vài tuần trước khiến bạn không còn nhớ gì đến bản thân thì những ngày cách ly xã hội hiện tại do Covid-19 gây ra có lẽ chính là “thời điểm vàng” để bạn và tôi, chúng ta cùng nhìn lại những điều thực sự ý nghĩa, cần thiết trong cuộc đời mình.
Ta sẽ nhận ra hóa ra có những thứ không thực sự quan trọng như ta vẫn nghĩ. Như lời của Đức giáo hoàng Francis đã nói khi cầu nguyện cho cả thế giới sớm thoát khỏi virus corona: “Đã đến lúc phải lựa chọn điều gì thực sự cần thiết và điều gì cần phải cho đi, là thời gian để tách những điều quan trọng ra khỏi những thứ không”.
Rõ ràng không ai muốn sống như này, ủ dột và lo lắng mỗi ngày khi nghe tin về dịch bệnh, đúng như lời Gandalf đã nói. Nhưng chính trong những lúc khó khăn này, chúng ta – dù là cá nhân hay tập thể - mới thoát ra khỏi cái vòng lặp đặt sẵn để nhìn thấy những gì ý nghĩa thật sự. Bạn sẽ có thời gian yên tĩnh và riêng tư hơn để suy ngẫm, tránh xa những ồn ào để tìm câu trả lời mình là ai, mục đích của mình khi đến với cuộc sống này là gì.
Cuộc khủng hoảng do virus corona đã đánh thức một thứ gì đó thuộc về tâm linh trong mỗi chúng ta. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, phần lớn người Mỹ đã cầu nguyện cho đại dịch sớm kết thúc nhưng 15% trong số họ thậm chí chưa bao giờ cầu nguyện. Cho dù bạn có theo đạo hay không, có niềm tin tâm linh nào hay không, thì đều nhận thấy chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng quan trọng như sức khỏe thể chất.
“Thế nào là một cuộc sống tốt đẹp?”, câu hỏi này đã được đặt ra từ thời các nhà triết học cổ đại. Nhưng đâu đó dọc theo dòng thời gian và lịch sử, chúng ta dần quên lãng nó và chuyển sự tập trung vào tiền tài, vật chất.
Bây giờ, khi cả thế giới phải tạm dừng mọi hoạt động, những câu hỏi lớn này mới có dịp để len lỏi và nổi bật lên trong ý thức của chúng ta. Chí ít điều mà ai cũng dễ dàng nhận ra là cuộc sống thực sự được định hình từ trong ra ngoài và đã đến lúc chúng ta đi khám phá lại điều mà mình bỏ quên bấy lâu rồi.