THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:04

Nữ cựu chiến binh nặng lòng với bà con vùng cao Lai Châu

Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình nhưng cả cuộc đời nữ doanh nhân Hoàng Thị Nhâm lại gắn bó với vùng đất Tây Bắc. Năm 1977, bà tình nguyện vào lực lượng thanh niên xung phong, công tác ở huyện Easup (Đắk Lắk). 2 năm sau, bà viết đơn nhập ngũ để thực hiện mơ ước trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”.

Suốt những năm tháng trong quân ngũ, bà luôn phấn đấu, rèn luyện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” và Bằng khen của Bộ Quốc phòng. Khi phục viên, bà xin chuyển về làm trong ngành thương nghiệp ở huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), một địa bàn xa xôi, khó khăn của đất nước.

Doanh nhân Hoàng Thị Nhâm.

Doanh nhân Hoàng Thị Nhâm.

Ngay từ những ngày đầu đặt chân tới mảnh đất Mường Tè năm 1983, bà Hoàng Thị Nhâm đã sớm được chứng kiến những nỗi vất vả của người dân vùng cao khi giao thông chưa phát triển, thiếu thông tin và vô cùng nghèo khó. Chưa kể, nơi đây thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, lũ lụt.

“Với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và tính cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo, tôi tự nhủ, phải cố gắng lao động, cải thiện cuộc sống. Năm 1990, khi tích lũy được ít vốn thì một trận lũ đã cuốn trôi toàn bộ tài sản mà gia đình tôi đã gom góp được trong 7 năm. Cuộc sống lại trở về con số không. Song nhờ nghị lực và bản lĩnh của người lính, tôi tiếp tục làm kinh tế. Năm 1996, lại một trận lũ lịch sử xảy ra tại Lai Châu đã cướp đi tất cả công sức của tôi và tôi quyết tâm đứng dậy làm lại một lần nữa”, bà Nhâm nhớ lại.

Thời gian đó, Chính phủ có chương trình đầu tư cho 500 xã đặc biệt khó khăn làm đường dân sinh, thủy lợi, xây dựng trường học. Với suy nghĩ, mở đường, phá ốc đảo, là cơ hội để bà con nhanh chóng theo kịp miền xuôi, bà Hoàng Thị Nhâm mạnh dạn đứng lên thành lập doanh nghiệp, nhận thi công những con đường. Với phương châm “làm đến đâu, chất lượng, hiệu quả đến đó”, với một số công trình chưa kịp giải ngân, bà vẫn mạnh dạn vay vốn để công trình được thi công đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ…

Bà chia sẻ: “Các công trình đầu tư tổng mức vốn rất thấp chỉ có hơn 100 triệu đồng cho một trường học, vận chuyển xi măng, cát đá, tôn lợp mái toàn bộ bằng sức người, đường đi chỉ lách rừng. Có những đồng nghiệp còn nói chẳng hiểu sao mà tôi lại nhận các công trình ở những nơi quá khó khăn gian khổ mà giá trị công trình lại thấp như vậy. Nhưng thấu hiểu nỗi khổ của người dân tộc nơi này, tôi vừa thuê, vừa vận động bà con cùng góp sức, miễn là có đường để đi lại”.

Có ý chí quyết tâm, sức người sỏi đá cũng thành cơm, các con đường dài 2km, rồi 15km, 20km lần lượt được hoàn thiện. Doanh nghiệp đã xây dựng được hàng trăm km đường liên bản, 60 trường học. Từ đó, những cái tên như: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Toong gắn liền với tên tuổi Doanh nghiệp Hoàng Nhâm.

Những con đường tới bản, trụ sở trung tâm xã, đường liên xã ngày càng được mở rộng. Những công trình của bà thi công đều phát huy hết hiệu quả, nhờ có đường dân sinh và trường học mà nhân dân đã bớt đi nhiều khó khăn, đi lại, giao thương thuận tiện, văn hóa phát triển, trẻ em đến tuổi đi học được cắp sách tới trường, dần xóa nạn mù chữ, từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân.

Từ hai bàn tay trắng, bà đã xây dựng nên Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Nhâm (nay là Công ty TNHH MTV Hoàng Nhâm). Trong sản xuất, xây dựng, doanh nghiệp của bà luôn gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nộp ngân sách đầy đủ.

Nhận thấy ngành du lịch tỉnh Lai Châu bắt đầu có những bước phát triển nhưng chưa có khách sạn xứng tầm, bà quyết định đầu tư xây dựng khách sạn Hoàng Nhâm tại thành phố Lai Châu với tiêu chuẩn 5 sao.

“Với tôi, đây là công trình tạo dấu ấn đặc biệt quan trọng, du khách đến Lai Châu không chỉ có những trải nghiệm du lịch cộng đồng mà còn có thêm lựa chọn khách sạn tiêu chuẩn 5 sao”, bà Nhâm nói.

Không những điều hành hoạt động kinh doanh hiệu quả, doanh nhân Hoàng Thị Nhâm còn hết mình hỗ trợ cộng đồng, luôn đi đầu trong các phong trào do tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè phát động. Bà tham gia giúp phụ nữ làm kinh tế gia đình, ủng hộ trẻ em khuyết tật chất độc màu da cam, các em hiếu học có hoàn cảnh khó khăn; các quỹ ủng hộ người nghèo, quỹ khuyến học, ủng hộ ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa; ủng hộ chương trình Mùa xuân cho em, chương trình Tình nguyện mùa đông; ủng hộ các nơi có thiên tai lũ lụt, ủng hộ giúp đỡ các cựu chiến binh nghèo; thăm hỏi các gia đình thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng…

Bà cho biết: “Khi thấy các đồng đội của mình hay các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trong khả năng có thể, tôi sẵn sàng đóng góp, giúp đỡ. Tôi không nghĩ làm từ thiện để được vinh danh hay để nhận lời cảm ơn nên chưa bao giờ tôi thống kê, ghi chép những chương trình từ thiện mình tham gia". 

Với những cố gắng trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho cộng đồng, bà Hoàng Thị Nhâm đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2014 và được các cấp, ngành tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen.

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh