THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:16

Tôn vinh, ghi nhận xứng đáng những người có công với cách mạng

Ông Lê Trường Lưu (bên trái), Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Cao (bên phải) trao tặng danh hiệu BMVNAH cho người thân Bà mẹ Trương Thị Khả

Trong số 183 Bà mẹ được vinh danh đợt này, chỉ duy nhất mẹ Trương Thị Khả (quê phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) là còn sống. Nhưng do tuổi cao, sức yếu, mẹ đã không thể đến nơi tổ chức để nhận danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước vừa phong tặng cho mình. Người đi nhận thay cho mẹ Khả là con của mẹ, một người phụ nữ cũng đã cao tuổi.

Bước lên bục nghe Ban tổ chức đọc Quyết định của Chủ tịch nước, người phụ nữ hình dáng nhỏ thó hơi nghiêng mình rồi rưng rưng nước mắt. Đến khi người dẫn chương trình mời ông Bí thư Tỉnh ủy và ông Chủ tịch UBND tỉnh lên trao danh hiệu cao quý BMVNAH cho mẹ Khả, bà khẽ nở một nụ cười và vòng tay ôm thật chặt danh hiệu vào người. Đến lúc này, có lẽ trong lòng bà đang cảm thấy rất vui sướng, mãn nguyện, khi sự hy sinh, đóng góp của mẹ mình đã được Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân ghi nhận.

Không chỉ riêng con mẹ Khả mà thân nhân của 182 BMVNAH được truy tặng đợt này, khi đến với lễ trao tặng và khi bước lên bục nhận danh hiệu, trên môi người nào cũng xuất hiện nụ cười tươi, thể hiện niềm sung sướng, mãn nguyện. Nhưng cũng có người, trước đó họ đã khóc. Họ khóc khi biết rằng, những cống hiến, hy sinh của người thân, cha mẹ mình sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Có mặt tại Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu BMVNAH; trao tặng Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động của tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 28/3, ông Lê Quang Phin (83 tuổi, xã Lộc An, huyện Phú Lộc) cảm thấy mãn nguyện và tự hào. Ông Phin là con liệt sĩ Lê Quang Thuyết và là cháu nội của BMVNAH Nguyễn Thị Kiểm. Hôm nay, ông thay mặt gia đình lên Huế để nhận danh hiệu cao quý mà Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng cho bà nội của mình.

Mẹ Kiểm có 3 người con liệt sĩ là: Lê Quang Thí, Lê Quang Thuyết và Lê Thị Thẻo. Tuy nhiên, do những trục trặc trong hồ sơ, mà trước đó mẹ chưa được truy tặng danh hiệu BMVNAH. Nhưng rồi, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ tận tình của ngành LĐ – TB&XH huyện Phú Lộc nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, hồ sơ đề nghị công nhận BMVNAH đối với mẹ Nguyễn Thị Kiểm đã được hoàn thành và trình lên Ban Thi đua khen thưởng Trung ương. “Khi nhận được giấy mời đi Huế nhận danh hiệu BMVNAH cho bà nội tôi là bà Nguyễn Thị Kiểm, cả gia đình tôi đã rất xúc động, riêng bản thân tôi đã bật khóc. Sau nhiều năm thì đến hôm nay, những hy sinh, đóng góp của người thân trong gia đình tôi cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, bảo vệ tổ quốc đã được ghi nhận xứng đáng. Chúng tôi vô cùng tự hào về điều này”, ông Phin vừa nói vừa ôm chặt danh hiệu BMVNAH của bà nội mình.

Ông Lê Quang Phin ôm chặt danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước vừa truy tặng cho bà nội của ông

Cảm xúc của người thân mẹ Khả, của ông Phin cũng chính là cảm xúc chung của tất cả thân nhân các BMVNAH khác. Như lời phát biểu của ông Lê Lời, con BMVNAH Lương Thị Sáo: “Là thân nhân gia đình được nhận danh hiệu cao quý này, chúng tôi thấy rằng đây là một vinh dự hết sức to lớn; là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần và là sự chia sẻ nhưng đau thương mất mát do hậu quả của các cuộc chiến tranh để lại.”

Thân nhân các gia đình được công nhận có chung cảm xúc bùi ngùi xúc động 

Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng chăm lo, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; thực hiện tốt các Pháp lệnh, chính sách về người có công. Với 183 Bà mẹ vừa được ghi danh vào trang sử vàng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã nâng tổng số BMVNAH của tỉnh này lên 2.125 Bà mẹ. Ngoài ra, trong dịp này, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng trao tặng 21 Huân chương Độc lập cho 21 gia đình đã có nhiều người thân hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng bảo vệ Tổ quốc; đồng thời trao tặng Huân chương Lao động cho 7 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng lịch sử dân tộc Việt Nam sẽ mãi lưu truyền trong các thế hệ mai sau những tấm gương về sự hy sinh cao cả, tinh thần dám xả thân vì Tổ quốc của các anh hùng, liệt sĩ. Mỗi khi lật lại từng trang lịch sử, chúng ta không thể nén được cảm xúc bồi hồi, khâm phục ý chí, dũng khí của các Mẹ, các Chị, những người đã hiến trọn đời mình và người thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Quá khứ vinh quang nhưng cũng chứa đựng quá nhiều hy sinh, mất mát”.

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh