Nông dân Đồng Nai giúp TP Hồ Chí Minh truy xuất thịt heo qua điện thoại
- Y học 360
- 15:35 - 09/12/2016
Nhận diện nguồn gốc thịt heo qua mã vạch bằng điện thoại thông minh. Ảnh: Sở Công Thương TP HCM
Cuối tháng 12, đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn thịt heo tại TP Hồ Chí Minh sẽ được triển khai đến với người tiêu dùng. Trong đó, hơn 60% thịt heo của thị trường này là do thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai cung ứng.
Ông Trần Văn Quang, Trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Đồng Nai cho biết, tỉnh hiện có khoảng 1,7 triệu con heo, với gần 1.600 trang trại. "Việc triển khai đề án sẽ giúp những hộ chăn nuôi bắt đầu nắm bắt, thay đổi phương pháp, mô hình để thích hợp với nhu cầu thị trường thực phẩm sạch, người sản xuất phải có trách nhiệm với người tiêu dùng. Người chăn nuôi cũng phải tự thích nghi, sàng lọc cách nuôi của mình để tồn tại", ông Quang nói.
Theo ông Quang, thời gian qua Chi cục cũng chú trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi sạch, chuỗi giá trị, mô hình VietGap... Các nguồn gốc giống, thức ăn, kháng sinh và đặc biệt chất cấm được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, hạn chế là số trang trại tham gia vào các mô hình này chưa nhiều.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho rằng, ngoài việc truy xuất nguồn gốc, việc đưa tem mã vạch vào các trang trại sẽ thuận lợi cho việc quản lý kiểm dịch hơn kiểu truyền thống rất nhiều. Hiện TP HCM đã cung cấp cho cán bộ kiểm dịch Đồng Nai 15 máy quét mã vạch cầm tay. Ngoài các chốt kiểm dịch, những máy này có thể kiểm tra, kích hoạt ở ngay trang trại cũng như lò mổ để kiểm soát thực phẩm...
Mô hình chăn nuôi heo sạch của ông Hải được ghi chép thông tin trên bảng theo dõi. Ảnh: Phước Tuấn.
Là một trong những hộ nuôi heo sạch được tham gia đề án, ông Nguyễn Văn Hải (xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh) phấn khởi khi heo của mình sẽ có chỗ đứng trong tương lai, chứ không phải bán trôi nổi trong mấy năm qua. Ông cho biết đã tham gia chăn nuôi heo sạch theo chuỗi giá trị của phân hiệu chăn nuôi Nam Bộ nhưng đầu ra rất bấp bênh.
"Chăn nuôi theo chuỗi, ngoài việc đầu tư công nghệ vào cơ sở hạ tầng, người nuôi cần phải ghi chép đầy đủ, khoa học nguồn giống, thức ăn, kháng sinh, ngày tháng xuất chuồng đầy đủ. Nhờ vậy mà sản phẩm làm ra luôn đạt tiêu chuẩn theo quy định", ông nói.
Khi tham gia đề án, hầu hết trang trại, công ty cần cung cấp thông tin đầy đủ nhất để người tiêu dùng có thể nhận diện qua điện thoại thông minh. "Khi quét mã vạch trên sản phẩm ở chợ hoặc siêu thị, nếu thấy đó là trang trại mình thì cũng vui lắm chứ, vì sản xuất sạch đã có chỗ đứng hơn và dần xóa bỏ những thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện nay", ông Hải bộc bạch.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Lan (xã Cây Gáo, Trảng Bom) cho biết, mỗi ngày công ty bà xuất đi TP Hồ Chí Minh gần 100 con heo. "Với việc tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo qua điện thoại, ngoài lợi ích của người tiêu dùng thì mức độ ổn định giá sẽ tăng cao hơn khi chuỗi thực phẩm được rõ ràng, mình bạch", bà Lan nói.
Hệ thống uống nước sạch tự động được ông Hải đầu tư cho trang trại heo của mình. Ảnh: Phước Tuấn.
Theo bà, đề án này mới nhưng người chăn nuôi Đồng Nai không bỡ ngỡ vì lâu nay họ đã áp dụng nhiều mô hình công nghệ hiện đại vào chăn nuôi. Nguồn giống, thức ăn được ghi chép đầy đủ, rõ ràng nên khi người tiêu dùng quét mã vạch sẽ thấy rõ điều đó.
Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn thịt heo do sở Công thương TP Hồ Chí Minh triển khai trên các chợ đầu mối của thành phố nhằm mục đích quản lý thực phẩm, giúp người tiêu dùng biết được nguồn gốc thông qua quét mã vạch trên thực phẩm bằng chính điện thoại thông minh của mình.