THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:48

“Nóng” chuyện bán đảo Sơn Trà.

 

 Theo nội dung Giấy mời của Tổng cục Du lịch- Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch do ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng ký ngày 5/5/2017 gửi ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, TP Đà Nẵng thì cuộc họp có nội dung: “Trao đổi, thống nhất và ký kết biên bản làm việc tại trụ sở bộ VH-TT&DL về kiến nghị của Hiệp hội du lịch, TP Đà Nẵng liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là một vấn đề đã “nóng” trong thời gian qua trên các diễn đàn. Đặc biệt, sau khi Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gửi tâm thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Việc Tổng cục Du lịch tổ chức buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tại thời điểm này được báo giới và dư luận đánh giá là động thái tích cực, lắng nghe và rất mong mỏi có sự thống nhất về các giải pháp bảo tồn, khai thác hiệu quả giá trị thiên nhiên, văn hóa của bán đảo Sơn trà. Tuy nhiên, với việc “cấm cửa” báo chí thì mọi mong muốn, hy vọng có thể còn rất xa. 

 

Báo chí bị "cấm cửa" tại cuộc họp. ảnh: Giang Sơn


Ngay trước cửa của trụ sở Văn phòng Bộ VH-TT&DL tại Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã yêu cầu đơn vị tổ chức cho anh em phóng viên vào để đưa tin nhưng mọi nỗ lực của ông Vinh và hàng chục nhà báo đều vô vọng. Buộc lòng, ông Vinh phải gửi cho cánh báo chí những ý kiến mà theo ông Vinh là sẽ phát biểu tại cuộc họp. Đó là, việc Hiệp hội đã gửi công văn kiến nghị số 21-3/ CTHHDLĐN đến Thủ tướng Nước CHXHCN Việt Nam về việc xem xét lại Quy hoạch tổng thể khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà, hiện văn bản này đã có 11700 người ký tên đồng thuận. Chủ tịch HHDL Đà Nẵng cũng thông tin với Tổng cục Du lịch về Hội thảo “Giải pháp Bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh và Nhóm nghiên cứu, giảng dạy môi trường & Tài nguyên sinh vật, Đại học Đà Nẵng tổ chức ngày 28/4/2017. Cũng tại buổi làm việc này, ông Huỳnh Tấn Vinh đã chính thức gửi Thư khuyến nghị của Hội thảo “Giải pháp Bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng”.

 

Rừng Sơn Trà bị cày xới.


Việc liên quan đến Sơn trà: “ không cần thiết báo chí”

Vào lúc 18 giờ ngày 11/5/2017, ngay sau khi rời cuộc họp với Tổng cục Du lịch, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã dành cho báo Dân sinh cuộc phỏng vấn riêng . Sau đây là nội dung lược ghi cuộc phỏng vấn:

Phóng viên: Xin ông cho biết kết qủa buổi làm việc giữa Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chiều 11/5/2017?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Theo tôi, kết quả ban đầu là việc TCDL chuyển cuộc họp vào Đà Nẵng là một tín hiệu thân thiện, thiện chí. Còn về kết quả cuối cùng thì tôi đánh giá là chưa tốt lắm vì TCDL vẫn bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng việc lập quy hoạch khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà là đúng quy trình và không có gì thay đổi hết. Về phía HHDL ĐN thì chúng tôi vẫn kiên trì cho rằng cái quyết định quy hoạch đó cần phải điều chỉnh vì những lý do sau đây:

-Lý do thứ nhất là quy hoạch đó chưa giải quyết về bảo vệ môi trường cho Sơn Trà vì chưa có đánh giá tác động môi trường chiến lược, chưa đưa ra giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học cho Sơn trà, đặc biệt là cho vọoc chà vá chân nâu, vì đây là loại động vật đặc hữu không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới mà chúng ta phải bảo vệ nó vô điều kiện.

Thứ hai là về an ninh quốc phòng vẫn không giải quyết được, người ta nói bán đảo Sơn trà là mắt thần của Đà Nẵng và của Việt Nam. Khi luật doanh nghiệp thay đổi, người ta chuyển nhượng nó cho đối tác khác thì không thể kiểm soát được.

Thứ ba là TCDL cho rằng làm đúng quy trình tức là đã lấy ý kiến của tất cả các cơ quan liên quan nhưng chúng tôi là HHDL, một tác nhân gần gũi đối với quy hoạch này thì chưa hề nghe đến quy hoạch này cho đến khi TCDL và UBND TP Đà Nẵng công bố. Một việc nữa là những căn cứ pháp lý của QĐ quy hoạch này theo tôi là chưa ổn lắm vì trong đó có nói đến rừng đặc dụng mà theo điều 30 của Luật Đầu tư có nói nếu lấy 50 ha trở lên của rừng đặc dụng là phải xin ý kiến Quốc hội, trong khi đó tôi không thấy Quốc hội ở đâu hết trong quyết định này. Và cuối cùng, chúng tôi đề nghị là nên tổ chức một hội thảo về việc này và mời các chuyên gia liên quan, các hội, hiệp hội có tác động và cần mời cả các cộng đồng xã hội để họ biết là đối với Sơn Trà chúng ta vừa vẫn làm kinh tế vừa vẫn bảo vệ tốt Sơn Trà.

Phóng viên: Xin ông cho biết, theo nội dung giấy mời thì hai bên sẽ ký kết một biên bản làm việc. Vậy việc ký kết diễn ra như thế nào?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Về phía TCDL họ đã chuẩn bị một biên bản làm việc nhưng chúng tôi xét thấy biên bản đó chưa phù hợp và chúng tôi đã không ký vào biên bản.

 

Ông Huỳnh Tấn Vinh ( trái) trả lời phỏng vấn báo Dân sinh.


Phóng viên: Xin ông cho biết thái độ của đoàn làm việc của TCDL khi các ông gửi tới họ bản khuyến nghị về Sơn Trà?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Ngay từ đầu cuộc họp, chúng tôi có hỏi Trưởng đoàn của TCDL là ông Hà Văn Siêu, Tổng Cục phó là vì sao không để báo chí vào tham gia, theo dõi cuộc họp này vì cuộc họp này công khai, minh bạch mà sao "cấm cửa" báo chí. Ông Siêu đã nói rằng không cần thiết báo chí. Sau cuộc họp tôi có mời tất cả đoàn đi thăm Sơn Trà và xem Vọoc chà vá chân nâu nhưng các anh ấy nói rằng không có thời gian, tôi cũng hỏi từng thành viên trong đoàn đã thấy Vọoc chà vá chân nâu chưa thì anh ấy nói rằng mặc dù chưa thấy nhưng vẫn có thể làm quy hoạch tốt.

Phóng viên: Vậy ông đánh giá thế nào về kết quả buổi làm việc hôm nay?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Tôi cho rằng để điều chỉnh quyết định quy hoạch của Thủ tướng thì không thể là ngày một, ngày hai, không phải đơn giản một buổi họp mà có thể giải quyết ngay được. Vì vậy chung tôi có đề nghị TCDL nên tổ chức một cuộc hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội cung tham gia thì tốt hơn. Vì vậy, chúng tôi nghĩ sẽ còn nhiều hội thảo, nhiều cuộc họp, găp gỡ hơn để đến được gần nhau hơn, để đưa ra một bản điều chỉnh phù hợp hơn với khoa học, phù hợp hơn với việc vừa phát triển du lịch thân thiện với môi trường và phù hợp với lòng dân không chỉ Đà Nẵng, Việt Nam mà với cả các nước đối với việc gìn giữ báu vật Sơn Trà.

Phóng viên: Xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

GIANG SƠN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh