THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:14

Nỗi lo trẻ mầm non bị bạo hành: “Thà con thất học còn hơn!”

 

Sau Tết, cũng là thời điểm nhiều gia đình dự định gửi con nhỏ đi trẻ. Thế nhưng những lo ngại về sự thiếu an toàn ở trường mầm non, liên tục các vụ bạo hành trẻ do chính người giữ trẻ gây ra làm phụ huynh không khỏi bất an với hành trình đến trường của con.

 

Những vụ bạo hành xảy ra ở các điểm giữ trẻ làm nhiều gia đình bất an không dám gửi con đi học (Ảnh từ clip vụ việc hiệu trưởng ở TP Hồ Chí Minh dốc ngược, dọa ném trẻ qua cửa số).

 

Chị Lâm Thị Thảo, nhà ở quận 12, TPHồ Chí Minh cho hay, rất nhiều mẹ dò hỏi thông tin về trường mầm non để gửi con, rồi mang tâm trạng hoang mang hoảng sợ khi nghĩ đến việc gửi con đến trường. Bản thân chị Thảo cũng đã có ý định gửi bé 23 tháng tuổi đi trẻ nhưng trong tình hình không dễ chọn được trường an toàn, nhất là khi đứa trẻ chưa chủ động được việc ăn, vệ sinh thì theo chị, thà con thất học còn hơn.

Sự bi quan đầy dứt khoát của chị Thảo lại lại lựa chọn bất đắc dĩ của rất nhiều phụ huynh hiện nay. Gia đình nhà chị Đinh Thụy An, ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đang đảo lộn mọi kế hoạch vì bất an, không dám gửi con đi trẻ. Chị kể từ khi sinh con, nhà chị phụ thuộc vào người giúp việc trong khi người giúp việc rất khó giữ chân, hay vòi vĩnh tăng lương, nghỉ lúc nào không hay.

 

Trên nhiều diễn đàn, các bà mẹ bày tỏ lo sợ khi gửi con đi trẻ.

 

Để chủ động, chị tính ra Tết sẽ cho con trai đã 25 tháng tuổi đi trẻ nên cũng đồng ý để cô giúp việc nghỉ. Đã thăm hỏi một vài nơi, chị hy vọng con đi học nề nếp hơn, có thêm bạn cùng lứa tuổi nhưng rồi chị buồn bã khi nhiều phụ huynh mách tai nhau, ngôi trường chị “nhắm” đến nhiều thứ không ổn, nơi khác cũng đầy rủi ro, các trường được xem là chất lượng cao thì vượt quá khả năng tài chính gia đình.

Rồi liên tiếp đọc các thông tin về các bạo hành trẻ, chị rụng rời không còn đủ dũng khí để gửi con. Cuối cùng, chị đành gọi điện cho cô giúp việc để thương lượng với cô quay lại.

“Cô giúp việc nhà tôi mới học hết lớp 5 thôi nhưng giao con cho cô tôi yên tâm hơn gửi đến nhà trẻ. Chỉ thương con quanh quẩn ở nhà, đến trường muộn sẽ bị thiệt thòi, hạn chế nhiều thứ”, chị Thụy An bày tỏ.

Chị Nguyễn Minh Thư, nhà ở quận 11, TP Hồ Chí Minh cho biết, từ trước Tết chị đã thăm dò, tìm hiểu về nơi gửi con thông qua các diễn đàn, các bà mẹ có con lớn hơn. Nơi chị thích thì xa, nơi tiện đường lại thấy có nhiều phàn nàn về cách chăm sóc, ứng xử với trẻ. Biết không thể đòi hỏi tuyệt đối, chị nới lỏng tiêu chí, dự tính sẽ gửi con trai 26 tháng đến một trường tư thục.

Nhưng rồi một người bạn của chị, từng làm việc ở trường mầm non thủ thỉ to nhỏ, nếu gia đình có điều kiện, tốt nhất giữ con ở nhà đến 3 - 4 tuổi hẵng tính.

Bà mẹ trẻ tâm tư: “Chị ấy nói với tôi rằng những việc trẻ bị cô giáo bạo hành mới chỉ là bề nổi nhìn thấy, trong việc chăm sóc còn rất nhiều góc khuất. Trên các diễn đàn các bà mẹ cũng nói rất nhiều về những bất an ở nhà trẻ. Gửi con đến trường mà phải phó mặc cho may rủi”.

Không dám gửi con đi trẻ, sự bất an đang bủa vây phụ huynh có con nhỏ không phải là không có cơ sở. Giáo dục mầm non ở TP HCM đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống ngoài công lập với hơn một nửa tổng số trẻ được gửi ở trường, nhóm trẻ tư thục.

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, vào cuối năm 2016, toàn thành phố có 1.100 trường mầm non thì chỉ có 450 trường công lập, đến 650 trường dân lập tư thục. Đây là cũng địa phương có có số nhóm trẻ, độc lập tư thục nhiều nhất trong cả nước với trên 1.700 nhóm. Trong khi những nhóm trẻ độc lập, khi báo cáo với HĐND thành phố, các nhà quản lý cũng thừa nhận tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với an toàn của trẻ khi cơ sở vật chất không đảm bảo, thiếu giáo viên, học phí thấp ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc trẻ.

 

TPHCM đang rất khó khăn trong việc quản lý các đơn vị mầm non ngoài công lập.

 

Ngoài ra, TPHồ Chí Minh cũng “kẹt” trong công tác quản lý các đơn vị mầm non ngoài công lập, làm không xuể do thiếu nhân sự, nhất là khi các quận/huyện thực hiện tinh giản biên chế, không duyệt thêm biên chế cho tổ mầm non.

Thế nên, tuy thực hiện đề án giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi nhưng nhiều lần trao đổi, giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hồng Sơn vẫn khuyến khích các gia đình nếu có điều kiện thì giữ trẻ ở nhà, 3 tuổi gửi đi học là tốt nhất.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh