Nỗi lo bệnh sốt xuất huyết hoành hành
- Y học 360
- 21:01 - 26/05/2020
3 ca tử vong do sốt xuất huyết
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2775/BYT-DP ngày 20/5/2020 về tăng cường phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam (ngày 20/5/2020) đã ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika. Bệnh nhân nam (25 tuổi, ngụ phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Đây là bệnh có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết hiện vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố phía Nam trong các năm gần đây, kể từ khi ghi nhận trường hợp bệnh do vi rút Zika đầu tiên vào tháng 3/2016 tại Khánh Hòa, đến nay cả nước đã ghi nhận 265 trường hợp mắc, số mắc tập trung chủ yếu khu vực phía Nam, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Ngoài ra, chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố. Trong đó đáng lo ngại nhất đã có 3 tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh. Cũng theo Bộ Y tế, những tuần gần đây, số mắc có xu hướng gia tăng tại các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, TP.HCM.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến số ca mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng là do thời tiết bắt đầu vào mùa mưa, dễ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika phát triển mạnh, để kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng...
Trước tình hình trên, Bộ Y tế chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự gia tăng, bùng phát của dịch bệnh. Triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt loăng quăng (bọ gậy), huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia triển khai chiến dịch diệt loăng quăng (bọ gậy), đảm bảo tất cả các gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải... là nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức loại bỏ và tiêu diệt bọ gậy.
Đồng thời chỉ đạo Sở Y tế thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 10 (15/6/2020). Chủ động triển khai công tác truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch với các hoạt động thiết thực nhằm huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng. Thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm khẳng định nhằm đánh giá sự lưu hành của vi rút Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.
Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2 - 3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch. Đảm bảo 100% các gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun hóa chất theo chỉ định của ngành y tế. Xác định các điểm có nguy cơ sốt xuất huyết cao của địa phương và tổ chức chiến dịch phun hóa chất chủ động đợt 1 theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn chuyên môn của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.
Tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt loăng quăng (bọ gậy), xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên...
Lưu ý với phụ nữ mang thai, trẻ nhũ nhi, béo phì
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, sốt xuất huyết ở người lớn rất nguy hiểm, đã có một trường hợp sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Trước đây, bệnh sốt xuất huyết thường được cho là bệnh của trẻ em. Tuy nhiên, những năm gần đây, số ca bệnh là người lớn tăng khá rõ. Ngoài ra, dịch sốt xuất huyết luôn vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh bất kỳ lúc nào.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, người lớn mắc bệnh, tâm lý chủ quan không theo dõi sát diễn biến, không đi khám bệnh để được bác sĩ hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà; trong khi bệnh có thể trở nặng rất nhanh chóng rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết tương tự như mùa dịch những năm trước, với mùa dịch bắt đầu từ tháng 6 năm trước và kết thúc khoảng tháng 3 năm sau.
Tuy nhiên, trước tình hình bệnh sốt xuất huyết vào mùa cao điểm: cần đẩy mạnh hoạt động phòng bệnh sốt xuất huyết trong mỗi gia đình để khống chế số ca mắc và hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng để khống chế số ca tử vong.
Tại TP.HCM, các hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết luôn là các hoạt động cốt lõi của Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm hàng năm với thông điệp xuyên suốt là "Không loăng quăng, không muỗi, không sốt xuất huyết".
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo: "Người có triệu chứng sốt nên đi khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và hướng dẫn theo dõi tại nhà, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, uống nhiều nước… Ngoài ra, nếu thấy một trong các dấu hiệu lừ đừ, mệt mỏi, chi lạnh, nôn ói nhiều, đau bụng, xuất huyết nhiều thì đến ngay bệnh viện để kịp thời điều trị bệnh".