Nơi làm việc chỉ nhìn năng lực không nhìn ngoại hình?
- Bác sĩ
- 17:02 - 07/08/2020
Đã từng có ai nói với bạn rằng, quản lý hình tượng ở nơi làm việc cũng là một loại năng lực cạnh tranh ở nơi làm việc chưa?
Có một công thức mà bạn không thể không biết: Beauty (ngoại hình) Brain (đầu óc) Behavior (cư xử) = Brilliant (sáng giá).
Có một đoạn video quảng cáo mang tên "Vũ khí bí mật nơi làm việc" đã để lại trong tôi ấn tượng rất sâu sắc, đó là câu chuyện về một cô gái trở nên thành công hơn nhờ biết cách ăn mặc và chỉn chu lại bản thân. Video dài chưa đầy 3 phút, kể về quá trình từ khi đi xin việc, thăng chức rồi trở thành người chiến thắng của cô gái mang tên Vyvy. Cuối đoạn quảng cáo, câu nói "Chăm chút cho vẻ bề ngoài hơn, mỗi một bước đều dễ đi hơn rất nhiều", nó bộc lộ cái sự trần trụi của thời đại "nhìn mặt" như hiện nay.
Đoạn quảng cáo sau đó nhận được không ít những tranh cãi trái chiều, đồng thời trở thành một chủ đề nóng hổi, nhưng dù có ý kiến ra sao, thì ít nhất nó cũng nói lên được một thực tế cho thấy được tầm quan trọng của ngoại hình hay cách ăn mặc ở nơi làm việc. Ăn mặc chỉn chu cũng là một loại thái độ, ít nhất nó có thể nói với ông chủ của bạn rằng, tôi tới làm việc, và tôi nghiêm túc.
Một người đến ngoại hình của mình cũng không quản lý tốt, vậy có thể quản lý được công việc hay không?
Vấn đề ngoại hình thường được hiểu là một hình thức phản chiếu của năng lực. Dù lý trí của ông chủ nói rằng quan trọng là "nội tại", nhưng bên trong vẫn luôn sẽ âm thầm dấy lên một suy nghĩ rằng: người đến ngoại hình của mình còn không quản lý được thì liệu có quản lý được công việc hay không?
Theo một nghiên cứu năm 2011 của Trường Y Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts, đánh giá của mọi người về năng lực và mức độ tin cậy của bạn được hoàn thành trong vỏn vẹn 1/4 giây (250 mili giây), tức là chỉ dựa trên ngoại hình của bạn. Bạn có tin vào ấn tượng đầu tiên?
Các cụ bảo không được "trông mặt mà bắt hình dong", nhưng dường như mọi người vẫn có thói quen đánh giá người khác thông qua ấn tượng đầu tiên, và nó chẳng hề liên quan tới học thức hay gì. Không ai muốn khám phá tâm hồn thú vị của bạn thông qua một ngoại hình cẩu thả, luộm thuộm. Với tiền đề là cùng trình độ bằng cấp, năng lực làm việc tương đương, thì phần lớn các doanh nghiệp sẽ lựa chọn những ứng viên có sự sáng sủa, gọn gàng, chỉn chu về mặt ngoại hình hay ăn nói có chừng mực, tôn trọng người khác hơn.
Quản lý hình tượng thực ra không phải chuyện một sớm một chiều, nó cần chúng ta phải có một chiến lược tốt và thực hiện từng bước từng bước một.
Thứ nhất: Quản lý cách ăn mặc nơi làm việc
Ở nơi làm việc có một nguyên tắc gọi là "mặc đúng trước rồi hãy mặc đắt", không cần đẹp nhất, nhưng phải đúng mực và đúng hoàn cảnh nhất; không cần phải thời thượng nhất, nhưng phải hài hòa. Cách bạn ăn mặc, nói lên con người của bạn.
Ăn mặc sao cho phù hợp với thân phận công việc của mình là điều rất quan trọng. Càng bình thường, càng phải để ý tới ngoại hình, căn cứ theo thân phận và mức lương mình có, hãy tìm cho mình phong cách thích hợp, mỗi năm có thể dành ra khoảng 15-20% lương của mình ra cho việc chăm chút ngoại hình, trong phạm vi có thể, hãy mua cho mình bộ đồ tốt nhất, và phân bổ ngân sách theo dịp, chẳng hạn như 70% là đi làm bình thường, 20% đi chơi, 10% là các cuộc họp cao cấp, hãy sắp xếp ngân sách chi tiêu theo dịp hợp lý để có thể tiêu tiền sao cho hợp lý nhất và không lãng phí.
Thứ hai: Đối với phụ nữ, ngoài trang phục phù hợp ra thì còn cần sự tinh tế, nhẹ nhàng, chỉn chu trong trang điểm
Thế giới này không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ lười. Trang điểm tại nơi làm việc là một sự tôn trọng đối với công việc, hơn nữa sau khi trang điểm, bạn có thể trở nên tự tin hơn.
Tất nhiên, tóc tai cũng là một điều rất cần thiết, không chỉ phụ nữ, mà cả đàn ông, không cần cầu kì, nhưng nhất định phải gọn gàng.
Thứ ba: Chú ý lời ăn tiếng nói của mình
Lời ăn tiếng nói là thứ quyết định sự nghiệp công việc của một người, bạn cần chú ý tới lời nói của mình, tránh tuyệt đối tình trạng vì vấn đề lời ăn tiếng nói mà làm tổn thương tới người khác, dẫn tới thất bại trong quan hệ xã hội nơi việc làm. Một người có thái độ tích cực là người được hoan nghênh và yêu thích ở nơi làm việc, vì vậy, hãy cố gắng dùng những lời nói tích cực và năng lượng để biểu đạt thái độ cũng như quan điểm của mình.
Thứ tư: Quản lý vóc dáng
Không có cân nặng không thể giảm, chỉ có một cuộc sống không tự giác kỉ luật.
Quản lý vóc dáng thường đồng nghĩa với tự giác kỉ luật, và nó cũng đồng nghĩa với sự khỏe mạnh. Ở thời đại này, không có một cơ thể khỏe mạnh, thì đừng mong đạt được thành tựu gì. Quần áo và trang điểm có thể thích thì mua thì làm, nhưng cơ thể thì không được, bạn cần kiên trì tập luyện trong một thời gian dài, có một thói quen ăn uống thích hợp, một giấc ngủ đầy đủ để có một cơ thể khỏe mạnh cũng như một vóc dáng đẹp, rồi sau đó khoác lên mình những bộ trang phục đẹp, cho người khác thấy sức hút của mình.
Vận động, thể dục thể thao có thể giúp chúng ta nhận biết cơ thể một cách tốt hơn, giúp chúng ta trông hồng hào, khỏe mạnh hơn. Không có cơ thể không giảm được béo, chỉ có một cuộc sống không tự giác kỉ luật, quần áo có đẹp tới đâu cũng chẳng thể kham nổi một cơ thể yếu đuối, không có sức sống. Thực ra, khởi nghiệp cũng giống vậy, không thiếu những nhà kinh doanh thành công và còn sống rất lâu, đó là bởi muốn nên nghiệp lớn, tâm trí ắt phải kiên định, khắc phục bản thân, kỉ luật tự giác, có vậy mới có thể có sức mà trải qua vô vàn khó khăn.
Thứ năm: Không quên "lớp gỗ" của mình
Nói là ngoại hình quan trọng, nhưng nội tâm, đạo đức của một người lại càng quan trọng hơn. Thứ thu hút người khác tới với mình là ngoại hình, nhưng thứ giữ chân người ta lâu dài, lại chính là "nội tại" của bạn.
Có rất nhiều cách để mài dũa nội tâm, biến hình tượng của bạn trở nên đẹp hơn trong mắt người khác, chẳng hạn như bạn có thể thông qua đọc sách để gia tăng kiến thức, nuôi dưỡng nội tâm, biến mình trở nên ôn nhu, thanh lịch hơn; hoặc thỉnh thoảng học cách lắng lại để nhìn nhận bản thân cũng như mục tiêu sống của mình rõ ràng hơn…
Ngoại hình của bạn phản ánh một phần nội tâm và cả sự tự giác kỉ luật của bạn. Chú trọng tới ngoại hình và sức khỏe thực ra chính là quá trình học tập, kiểm soát và tự giác kỉ luật. Bạn có thể quản lý tốt được ngoại hình, là có thể quản lý được cuộc sống; bạn có thể kiểm soát được cân nặng, là có thể kiểm soát được cuộc sống, có thể tìm thấy thời gian đi tìm kiếm và hưởng thụ những mặt tốt đẹp khác của cuộc sống, có thể nhìn thấy bầu trời rộng lớn hơn đằng sau những ước mơ.