Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước tạo thuận lợi hơn cho người dân
- Tây Y
- 11:46 - 25/10/2023
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, sáng nay 25/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.
Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước
Trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, về tên gọi của dự thảo Luật và tên gọi của thẻ căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước.
Và cho rằng, việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo Luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân.
Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung quy định vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước bảo đảm tính bảo mật của thông tin.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để triển khai Đề án 06, thì việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết; đồng thời dự thảo Luật quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên, cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong các trường thông tin quy định tại Điều này có 07 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp nếu các trường thông tin này chưa có hoặc chưa đầy đủ.
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước; việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuyển nội dung đoạn 2 khoản 3 Điều 22 sang Điều 33, theo đó chỉ quy định khi phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin trên thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử; không yêu cầu phải so sánh, đối chiếu thông tin trong mọi trường hợp.
Về cấp, quản lý căn cước điện tử, Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý lại khoản 12 Điều 3 về “danh tính điện tử của công dân Việt Nam”, lược bỏ Điều 32 dự thảo Luật và chỉnh lý khoản 2 Điều 31 dự thảo Luật để thể hiện rõ hơn mối quan hệ giữa “danh tính điện tử” và “căn cước điện tử”; chỉnh lý khái niệm về căn cước điện tử tại khoản 16 Điều 3;
Bổ sung 03 khoản tại Điều 31 quy định cụ thể hơn về thông tin trong căn cước điện tử, thẩm quyền cấp căn cước điện tử và giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử; chỉnh lý tên Điều 33 thành “Giá trị sử dụng của căn cước điện tử”, bỏ khoản 2 Điều 33, chuyển nội dung này về Điều 34 và thiết kế thành khoản 5 giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục khóa, mở khóa căn cước điện tử như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Về hiệu lực thi hành, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, trên cơ sở báo cáo, đề nghị của Ban soạn thảo, UBTVQH thấy rằng cơ bản đến ngày 01/7/2024, các quy định của Luật có thể triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan cũng như việc sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính trong thời gian tới; không có nội dung nào cần phải quy định có hiệu lực trước.
Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát và đầu tư cơ bản, có hiệu quả, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để việc khai thác, sử dụng ứng dụng định danh quốc gia đạt hiệu quả.
Về quy định chuyển tiếp, hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 Bộ, ngành và 63 địa phương; việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời đã cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện.
Vì vậy, quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân từ ngày 31/12/2024 cơ bản không tác động lớn đến hoạt động giao dịch của người dân.
Khẳng định tính pháp lý thông tin vào thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử
Bày tỏ, thống nhất với dự thảo Luật và đánh giá cao sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật một cách toàn diện trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) cho rằng các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước trong dự thảo luật đã có những thay đổi cải tiến tạo thuận lợi hơn cho người dân.
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn hải Dương) tán thành tên gọi Luật Căn cước, vì tên gọi này thể hiện đầy đủ các chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án luật, bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của dự thảo luật.
Đại biểu cũng cho rằng, tên gọi Luật Căn cước cũng thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, đáp ứng nhu cầu quản lý căn cước ở nước ta. Việc thay đổi tên thẻ cũng đảm bảo tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo đại biểu, việc sửa đổi tên Luật cũng hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung luật khi Việt Nam ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho Hộ chiếu đi lại giữa các nước trong khu vực. Nếu để tên thẻ là thẻ Căn cước công dân thì chưa đảm bảo tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của quốc tế, có thể phát sinh khó khăn nhất định khi dùng thẻ ở các quốc gia khác, hoặc dùng thẻ với mục đích hội nhập quốc tế.
Điều 46 của dự thảo Luật quy định rằng, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Quy định về căn cước công dân, chứng minh nhân dân tại các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước được cấp theo quy định của Luật này. Đại biểu cho rằng, việc đổi tên thẻ cũng không phát sinh thêm thủ tục, chi phí đổi thẻ đối với người dân, làm tăng chi ngân sách nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) khẳng định sự cần thiết sửa đổi luật nhằm hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, khắc phục các nhược điểm thiếu sót của pháp luật căn cước hiện hành. Đại biểu cũng đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước; đồng thời bày tỏ thống nhất với tên gọi là Luật Căn cước như Tờ trình của Chính phủ.
Đại biểu cũng góp ý về tích hợp thông tin vào căn cước, dự thảo bổ sung quy định về tích hợp thông tin mang tính ổn định được sử dụng thường xuyên của công dân, giúp giảm giấy tờ, thực hiện cải cách hành chính, nhưng hiện nay công dân vẫn phải sử dụng hai hình thức là thẻ định danh điện tử và giấy tờ cá nhân. Điều này có thể dẫn tới tình trạng thông tin trên thẻ căn cước không phản ánh đúng thực trạng pháp lý của các giấy tờ gốc. Đại biểu đề xuất cần có giải pháp tích hợp, kết nối kịp thời và khẳng định tính pháp lý thông tin vào thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cũng cho rằng, tránh việc lạm dụng đánh cắp cơ quan của công dân, cơ quan soạn thảo nghiên cứu cụ thể hơn về phạm vi khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) đánh giá cao dự thảo trình Quốc hội lần này có nhiều điểm mới, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có nhiều bước đổi mới trong quản lý dân cư, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý nhà nước.
Đại biểu nhấn mạnh, việc đổi tên Luật thành Luật Căn cước là phù hợp, vì đối tượng áp dụng của luật không chỉ là công dân Việt Nam, mà còn là người gốc Việt, đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, người di cư tự do sống dọc biên giới Việt Nam với các nước láng giềng, cơ sở, tổ chức, cá nhân có liên quan, có thể là người nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam đang sinh sống lâu dài ở Việt Nam.
Việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là tất yếu trong công tác quản lý dân cư hiện nay.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật bổ sung nghĩa vụ phải chấp hành quyết định và xử phạt hành chính người có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm về thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước. Hiện quy định tại Điều 10 Nghị định số 114.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các thông tin sau vào Điều 9 dự thảo luật, gồm sổ bỏ hiểm xã hội, sổ thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản, giấy tờ hộ tịch được cấp, để cập nhật đầy đủ các thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý dân cư.
Không bổ sung thông tin án tích vào CSDLQG về dân cư
Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH, một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung một số trường thông tin về án tích, sổ BHXH, sổ BHYT, giấy phép lái xe, giấy chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản (ví dụ sổ hồng - PV), các giấy tờ hộ tịch được cấp; vân tay.
UBTVQH cho rằng, thông tin của công dân trong CSDLQG về dân cư được xây dựng bao gồm 26 trường thông tin, vừa kế thừa quy định của Luật CCCD hiện hành, vừa được bổ sung một số trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, cần có trong CSDLQG về dân cư. Qua đó, để phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu của công dân, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Mặt khác, để triển khai Đề án 06, trước mắt, Chính phủ đề nghị bổ sung việc tích hợp một số thông tin về các loại giấy tờ có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên. Việc tích hợp một số loại giấy tờ khác sẽ giao Thủ tướng Chính phủ quyết định để bảo đảm linh hoạt khi có thay đổi.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung các trường thông tin nói trên vào dự thảo Luật.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung thông tin số thuê bao di động vào thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước. Vì khi đăng ký tài khoản định danh mức 2 cần phải cung cấp thông tin liên quan đến số điện thoại di động để xác thực danh tính.