THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:54

Nợ thuế: Căn bệnh trầm kha?

.Nhiều doanh nghiệp bất động sản không tiêu thụ được hàng dẫn đến khó khăn về tài chính, nợ thuế kéo dài

Tăng theo thời gian

Hàng năm, cơ quan Thuế đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp quản lý nợ, đôn đốc, xử lý thu nợ (từ năm 2011-2014 đã thu được 101.800 tỷ đồng  số tiền thuế nợ của năm trước chuyển sang năm sau; bình quân thu được 25.450 tỷ đồng/năm, đạt tỷ lệ 60%). Tuy nhiên, số nợ đọng xử lý thu được chưa đảm bảo theo tốc độ tăng thu và quy mô thu NSNN ngày càng tăng, dẫn đến tỷ trọng nợ thuế do ngành Thuế quản lý trên tổng thu NSNN vẫn ở mức cao, số tiền nợ tuyệt đối vẫn tăng nhanh qua các năm. Bên cạnh đó, công tác xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế còn chậm, nhiều khoản thuế nợ đọng không có khả năng thu hồi nhưng không đủ căn cứ pháp lý, hồ sơ để được xóa nợ thuế, dẫn đến việc các cơ quan quản lý thuế vẫn phải thực hiện theo dõi, làm tăng số nợ đọng thuế lũy kế lên cao qua các năm.

Kết thúc năm 2014,  tổng số tiền nợ thuế là 70.241 tỷ đồng, tăng 14,9% so với thời điểm 31-12-2013. Trong đó, số địa phương có mức nợ thuế tăng 20%, thậm chí 30% so với năm 2013 cũng xấp xỉ con số 15. Trong khi đó, cả năm 2014, cơ quan Thuế các cấp cũng chỉ thu được 52% tổng số nợ thuế của năm 2013 chuyển sang năm 2014.

Còn nhớ tại cuộc gặp báo chí cuối năm 2014, khi mà giá dầu thô liên tiếp sụt giảm, nỗi lo sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu NSNN năm 2015 nhưng Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn quả quyết rằng, Bộ sẽ không tính đến phương án tăng vay nợ nước ngoài để bù đắp phần hụt thu này mà thay vào đó trong kịch bản điều hành của Bộ Tài chính sẽ nhắm đến việc rà soát, thu hồi số tiền trên 60.000 tỷ đồng nợ đọng thuế.

“Bộ Tài chính sẽ sử dụng biện pháp mạnh để siết chặt giảm nợ đọng thuế, cần thiết thì cơ quan Thuế sẽ phải cưỡng chế thuế đối với DN để thu hồi nợ. Mục đích của việc tăng cường thu hồi nợ đọng thuế ngoài chuyện tăng thu ngân sách còn đảm bảo công bằng với các DN  làm ăn nghiêm túc, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ”- Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Tuy nhiên, trong khi cơ quan Thuế huy động tất cả các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ; thậm chí giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, từng cán bộ thuế để phân tích, đánh giá và đốc nợ. Chủ động phối hợp với cơ quan Kho bạc, ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng cung cấp, trao đổi thông tin để thu hồi nợ thuế thông qua tài khoản của các DN hoặc tài sản thế chấp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng… nhưng tình hình nợ thuế vẫn tăng cao. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số nợ thuế trên cả nước là 72.000 tỷ đồng, bằng 10% số thu, gấp đôi chỉ tiêu mà Quốc hội cho phép.

Tại Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2015 của Cục Thuế Hà Nội tổ chức đầu tháng 7 vừa qua, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ ra thực tế là tình trạng nợ đọng thuế còn lớn, đơn cử như tại Hà Nội tỷ lệ nợ thuế chiếm 12% và kéo dài nhiều năm. Trong đó, Cục Thuế Hà Nội điểm mặt nhóm DN nợ thuế hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đều rơi vào nhóm các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản như: Công ty Sông Đà Thăng Long, có số tiền nợ thuế lên tới 375,2 tỷ đồng; Công ty Viglacera Hà Nội, với 88 tỷ đồng, tiếp đó là Công ty Cavico Xây dựng Cầu hầm 80,5 tỷ đồng…

Trước tình hình này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn yêu cầu Cục Thuế Hà Nội cần phải làm rõ số nợ thật và thực hiện đúng các giải pháp cưỡng chế, phong tỏa tài khoản, đình chỉ việc sử dụng hóa đơn, kê biên tài sản... theo quy định của Luật Quản lý thuế. Đồng thời, ngay trong tháng 7 này phải công bố công khai các DN nợ thuế lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nguyên nhân do đâu?

Tổng cục Thuế đã chỉ ra nợ thuế tăng một phần do lỗi DN cố tình trây ỳ, không nộp thuế đúng hạn, chiếm dụng tiền thuế để lấy vốn sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh của một số DN gặp nhiều khó khăn; thị trường tiêu thụ nhà đất bị thu hẹp, sức mua giảm; hàng hóa tồn kho… khiến cho một số DN làm ăn thua lỗ phải ngừng, nghỉ kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc lâm vào tình trạng giải thể, phá sản không có khả năng nộp nợ thuế.

Nhưng phần khác thuộc về trách nhiệm của cơ quan Thuế còn hạn chế trong việc đôn đốc, quản lý nợ đọng thuế, số thuế nợ còn cao, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu NSNN. Nhất là nợ thuế của DN ngoài quốc doanh, tập trung ở lĩnh vực xây dựng cơ bản. Các biện pháp cưỡng chế thuế đã triển khai chỉ thực sự hiệu quả đối với những DN có số nợ thuế ít, còn đối với những DN nợ thuế lớn chưa mang lại hiệu quả.

Vì vậy, theo kiến nghị của các cục thuế địa phương, trong điều kiện hiện nay, các cấp có thẩm quyền tiếp tục tạo cơ chế, chính sách để DN có nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó tăng thu nhập, đồng thời có nguồn tài chính để nộp tiền nợ thuế. Cần có quy định về giãn thời gian cưỡng chế khi DN gặp khó khăn và có cam kết nộp thuế theo tiến độ nhất định.

Về phía cơ quan Thuế sẽ tiếp tục phân loại chính xác tình hình nợ thuế của DN và nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả. Ưu tiên hàng đầu là đồng hành cùng với DN, động viên, thuyết phục DN có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh vừa có tiền nộp nợ thuế.

Đối với các dự án còn nợ tiền sử dụng đất tại tỉnh, thành phố lớn, cơ quan Thuế sẽ tiến hành phân tích nợ của từng dự án, tìm hiểu nguyên nhân nợ, nắm chắc tình hình thực hiện dự án, tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính... để lựa chọn áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thích hợp. Yêu cầu đặt ra là đạt hiệu quả cao nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình, đúng quy định của pháp luật.

Theo Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh