Nô nức Ngày hội toàn dân đi bỏ phiếu
- Tây Y
- 13:19 - 23/05/2021
Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới. Thông qua mỗi lá phiếu cử tri sẽ bầu ra được những người đủ đức, đủ tài xây dựng đất nước ngày càng hưng thịnh.
Trách nhiệm chính trị đối với vận mệnh đất nước
Trong ngày này, trên mọi ngả đường, trên cả nước rợp sắc cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu để chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại mỗi gia cũng đang tràn ngập không khí háo hức với ngày hội non sông.
Là người đã 9 lần đi bỏ phiếu để bầu ra người đại diện cho mình trong các cơ quan dân cử, đã một tuần nay bà Trần Thị Tuyết Thanh, tổ dân phố Tân Hương, phường Đồng Bầm, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên ngày nào cũng mang tài liệu, hồ sơ của các ứng cử viên ra đọc rất kỹ lưỡng để tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh của từng ứng cử viên. Bà Thanh cho rằng, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có tài, có đức, xứng đáng đại diện cho Nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp cần phải được xem xét kỹ lưỡng, chính vì vậy sau khi được phát lý lịch trích ngang của các đại biểu các gia đình tôi đã cùng nhau thảo luận để lựa chọn người xứng đáng nắm trọng trách, góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong 5 năm tới.
Còn chị Lâm Thị Yến (Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có tài, có đức, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp. Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước.
"Hiểu được tầm quan trọng của mỗi lá phiếu, bản thân tôi lại càng cảm thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn. Tôi phải cân nhắc thật cẩn thận từng ứng cử viên. Người nhận được lá phiếu bầu của mình phải thật sự có năng lực, đạo đức và uy tín. Do vậy, những cử tri trẻ như chúng tôi càng phải hiểu rõ về các ứng cử viên để có những quyết định sáng suốt và đúng đắn hơn trong việc lựa chọn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp", chị Yến chia sẻ.
Gửi gắm niềm tin vào các đại biểu
Cử tri Nguyễn Thị Xuân (phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: "Khi đã đặt bút lên lá phiếu là đặt lên đó niềm tin của mình vào các đại diện cử tri. Chính bởi thế, không thể gạch bừa, gạch ẩu, càng không thể bầu cho có, cho xong. Trước khi bỏ lá phiếu bầu của mình cho ai, tôi phải nghiên cứu kỹ xem người đó có đức có tài, trình độ để lãnh đạo dân ngày một tiến lên".
Lần đầu tiên được tham gia bầu cử, cử tri Trịnh Diệu Linh ở Vân Đồn, Quảng Ninh không khỏi phấn khởi, háo hức xen lẫn bồi hồi khi lần đầu tiên được thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Linh chia sẻ: "Với tư cách là một cử tri trẻ, tôi cũng như rất nhiều các bạn thanh niên khác đều cảm thấy mình có trách nhiệm rất lớn với sự kiện trọng đại của đất nước. Bởi lẽ để có được lá phiếu trong tay trong ngày bầu cử là kết quả bao nhiêu năm dân tộc ta đấu tranh gian khổ, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, Nhân dân. Tôi và một số người trong cơ quan đã dành thời gian cùng nhau ngồi xem lý lịch, bản danh sách của từng người ứng cử, cân nhắc xem họ có thật sự xứng đáng, có thể thay mặt nhân dân đưa ra ý kiến và góp phần xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn không. Tôi cũng mong muốn các đại biểu được cử tri và người dân lựa chọn khóa này sẽ xứng đáng là người đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của địa phương, sâu sát với người dân, quan tâm hơn nữa đến chính sách đối với thanh niên đặc biệt các chính sách về khởi nghiệp tạo việc làm cho thanh niên".
Nhiều cử tri cũng đặt niềm tin vào các đại biểu được cử tri và người dân lựa chọn khóa này sẽ xứng đáng là người đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng nhân dân, sâu sát với người dân, quan tâm hơn nữa đến chính sách đặc thù các vùng miền. Cử tri Trần Thị Thùy xã Hồng Lam, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La bày tỏ mong muốn sau khi các ứng cử viên trúng đại biểu sẽ đưa được tiếng nói của dân đến với Đảng, Nhà nước. Sẽ có những quyết sách để xóa đói, giảm nghèo cho dân. Đặc biệt quan tâm hơn nữa đến đồng bào dân tộc miền núi.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước có 63 Ủy ban bầu cử cấp tỉnh; 682 Ủy ban bầu cử cấp huyện và 10.134 Ủy ban bầu cử cấp xã; 184 ban bầu cử đại biểu Quốc hội; 1.059 ban bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh; 6.188 ban bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện; 69.619 ban bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã. Cùng với đó, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, tại mỗi khu vực bỏ phiếu, các địa phương đã thành lập 84.767 tổ bầu cử.
Ủy ban Nhân dân cấp xã đã tổ chức lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu và niêm yết danh sách cử tri bảo đảm đúng thời hạn, trong đó, chú ý rà soát những cử tri có đăng ký thường trú, tạm trú, cử tri đi lao động xa, những trường hợp không được tham gia bỏ phiếu… nhằm bảo đảm quyền bầu cử của công dân.
Theo số liệu tổng hợp của các địa phương, cả nước có tổng số cử tri là 69.198.594 người thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 23/5/2021.
Trước đó, ngày 19/5, Ủy ban bầu cử tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi Hội đồng Bầu cử Quốc gia, đề nghị cho phép bầu cử sớm tại một số khu vực bỏ phiếu, do tình hình diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, toàn quốc có 16 tỉnh, thành phố có các khu vực bỏ phiếu được phép tiến hành bầu cử sớm gồm: thành phố Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Cà Mau, Đắk Nông, Hậu Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Bình, Nghệ An, Kon Tum, Đắk Lắk, Bạc Liêu và Bắc Ninh.