Nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em
- Y học 360
- 13:24 - 11/11/2020
Đây là bốn địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ em phải lao động sớm ở các ngành nghề về điêu khắc đá, đan cói, thêu đan, dịch vụ du lịch và các lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khác. Chương trình Hành động về bảo vệ trẻ em lao động và phòng, chống, xóa bỏ lao động trẻ em đã hướng đến ít nhất 1.000 trẻ em, trong đó ít nhất có 50% là trẻ em gái dưới 18 tuổi đã nghỉ học hoặc đang có nguy cơ nghỉ học, đang làm việc trong các lĩnh vực: điêu khắc đá; làm cói, thêu đan và dịch vụ du lịch, các ngành nghề nguy hiểm khác ở bốn xã dự án. Những trẻ em này được cung cấp những dịch vụ phúc lợi xã hội cần thiết và phù hợp, được giải phóng khỏi công việc nguy hiểm và được trang bị kiến thức phổ thông và đào tạo nghề.
Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã Ninh Vân và Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định tổ chức tuyển sinh lớp Trung cấp nghề đá mỹ nghệ cho 30 em có nhu cầu học nghề; phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Cơ điện xây dựng Việt Xô tổ chức lớp học cho 25 em có nhu cầu học các ngành nghề khác… Chương trình hành động này cũng hướng tới 500 gia đình nghèo ở các xã thuộc Dự án có con em đang phải lao động và nghỉ học hoặc có nguy cơ nghỉ học để lao động. Những gia đình này đã được hỗ trợ tiếp cận các chương trình tín dụng và đào tạo về quản lý, sử dụng nguồn vốn cùng với những hỗ trợ phù hợp khác…
Đến nay, mặc dù các hoạt động của Dự án đã kết thúc song đã cho thấy hiệu quả vô cùng thiết thực. Nhận thức của chính quyền, nhân dân trong xã về lao động trẻ em đã thực sự thay đổi. Các gia đình đã chăm lo tốt hơn cho trẻ, tạo điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần. Theo thống kê, toàn xã không còn tình trạng trẻ em phải lao động sớm. Sự phối hợp giữa xã và Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định trong việc đào tạo cho lao động địa phương, trong đó có đối tượng là học sinh vẫn được duy trì.
Huyện Hoa Lư có các làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm như Làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (xã Ninh Vân), nghề thêu Văn Lâm (xã Ninh Hải). Làng nghề không chỉ có ý nghĩa phát triển kinh tế mà còn chứa đựng trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa cần gìn giữ thông qua hình thức truyền nghề. Nhưng thực tiễn này cũng đặt ra vấn đề nan giải với trẻ em ở làng nghề, bởi các em được truyền nghề, lao động từ rất sớm.
Ở bất kỳ loại hình lao động nào thì việc lao động sớm đối với trẻ cũng ảnh hưởng không tốt đến học tập, thể chất, tâm lý… Phát huy những kết quả mà Dự án để lại, thời gian qua Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hoa Lư đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, phòng ngừa lao động sớm ở trẻ. Phòng cũng thường xuyên tổ chức tập huấn công tác bảo vệ quyền trẻ em, qua đó, từng bước nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức lao động, thương binh và xã hội ở các xã, thị trấn. Hàng năm, hướng dẫn họ rà soát các đối tượng trẻ em có nguy cơ phải lao động nặng nhọc, lao động trong trong điều kiện độc hại để có những biện pháp can thiệp kịp thời.