Nô lệ giúp việc ở Malaysia
- Tây Y
- 16:58 - 17/03/2017
Một người giúp việc nước ngoài ở Malaysia. Ảnh: New Straits Times.
Khi đó, Sok Nay đang giúp việc cho một gia đình người Hoa ở ngoại ô thị trấn Sungai Buloh, huyện Petaling, bang Selangor, Malaysia. Gia đình họ đang chuẩn bị đón Tết nguyên đán 2009, theo Asian Correspondent.
"Cái ghế không hỏng, chỉ bị ướt thôi. Nhưng bà ấy không thích thế và tỏ ra tức giận, phạt tôi quỳ trước cửa nhà", cô gái người Campuchia tới Malaysia làm giúp việc nhớ lại.
Năm 2011, chính phủ Campuchia ban lệnh cấm đưa lao động sang Malaysia vì lo ngại an toàn sau hàng loạt báo cáo về ngược đãi và giết người. Ba nữ giúp việc đã bị chủ lao động sát hại, còn hai người khác bị hãm hiếp và giam cầm, bị chủ giữ hộ chiếu.
Phải đến tháng 12/2015, sau khi chính phủ hai nước ký biên bản ghi nhớ "bảo vệ quyền lợi của công nhân và người lao động hai nước", Campuchia mới dỡ bỏ lệnh cấm.
Tuy nhiên, lệnh cấm trước đó vẫn không ngăn được những cô gái trẻ trong gia đình nghèo ở Campuchia tới Malaysia với giấc mơ tìm được việc làm lương cao. Họ chấp nhận ở lại quốc gia này làm việc chui.
Mặc dù đã có biên bản ghi nhớ, nhưng các tổ chức phi chính phủ ở Campuchia và Malaysia cho biết, hiện tượng ép buộc người giúp việc làm việc quá giờ mà không trả lương vẫn ngang nhiên tồn tại. Chủ lao động tịch thu hộ chiếu nhằm hạn chế người lao động tự do đi lại cũng như bắt họ phải nghe lời. Tệ hơn là chủ lao động có thể bỏ đói, đánh đập để trừng phạt nếu người lao động phạm lỗi.
"Kiểu lạm dụng thông thường là đánh đập, chửi bới. Kiểu phổ biến nhất là bắt họ làm việc liên tục nhiều giờ", Ann Jacobs, giám đốc chương trình NSI cho biết.
Một lao động giúp việc người Campuchia tại Malaysia về nước năm 2012 sau khi bị chủ ngược đãi. Ảnh: Phnompenh Post.
NSI là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Kuala Lumpur, chuyên giúp đỡ lao động nhập cư tại Malaysia. Jacobs cho hay, họ thường xuyên được người lao động kể lại phải làm việc 18 tiếng mỗi ngày, 7 ngày một tuần, thậm chí không được nghỉ và bị bỏ đói.
"Chúng tôi từng có một vụ người lao động phạm lỗi bị chủ đánh, bị bỏ đói, bị ép ngủ ngoài trời. Cuối cùng, cô ấy không thể chịu được nữa và trốn đi, không có giấy tờ tùy thân vì đã bị chủ lao động giữ hộ chiếu", Jacobs nói.
"Khi đến với chúng tôi, họ thậm chí còn không biết tên chủ lao động, địa chỉ, số điện thoại, không biết bất kỳ thông tin nào để có thể lấy lại hộ chiếu".
Làm việc không lương
Một ngôi nhà ở ngoại ô Rawang, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 40 phút chạy xe về phía bắc, là nơi Nay đã trải qua 6 năm kinh nghiệm làm giúp việc "khá" nhất.
Cô gái người Campuchia đến Malaysia làm giúp việc lần đầu năm 2004.
"Chủ nhà không bao giờ đánh tôi nhưng thường xuyên to tiếng. Có điều, họ cho tôi ăn mặc tử tế. Hàng ngày, tôi dậy từ 4h30 để dọn dẹp. Đó là một biệt thự lớn. Có những hôm phải 0h30 tôi mới đi ngủ", Nay nhớ lại.
Cô ở đó 4 năm, lau chùi biệt thự 9 phòng ngủ, rửa xe, tắm cho chó, nấu ăn và chăm sóc con cái nhà chủ.
Theo Jacobs, thông thường, lao động giúp việc ở Malaysia chỉ phải làm một nhiệm vụ khi được thuê, hoặc là lau dọn nhà, hoặc là bảo mẫu, chứ không bao giờ kiêm cả hai.
"Gia đình đó có hai con, một đứa là trẻ đặc biệt. Thằng bé không biết giao tiếp, không biết nói chuyện, tôi không biết cách trò chuyện với nó nên chăm sóc nó rất vất vả", Nay giải thích.
Nay không có một ngày nghỉ suốt 4 năm làm việc, nhưng lại không được trả thêm bất kỳ đồng nào. Hộ chiếu của cô cũng bị chủ giữ, còn tiền lương bị khấu trừ.
"Tôi bị khấu trừ 6,5 tháng lương. Tôi không biết tại sao, họ cứ trừ thôi. Tôi nộp đơn xin sang Malaysia và họ hứa hẹn sẽ lo liệu mọi thứ. Vì thế, tôi cho rằng họ sẽ trừ chi phí vào tiền lương của tôi", Nay nói.
"Đến lúc nhận lương, họ cho tất cả vào phong bì, toàn đô Mỹ. Tôi về nước, đưa hết tiền cho bố mẹ, khoảng 5.500 USD", cô nói. Mặc dù khoản lương cô được hứa hẹn là 400 USD một tháng, nhưng tính ra, Nay chỉ được trả 114 USD.
Một nhân viên giấu tên thuộc tổ chức phi chính phủ Chab Dai của Campuchia cho biết nhiều phụ nữ Campuchia bị dụ dỗ sang Malaysia lao động với hứa hẹn lương cao kèm đãi ngộ tốt nhưng khác xa thực thế.
"Họ bị lừa ngay từ đầu, bên môi giới luôn hứa hẹn kiếm được 200 - 300 USD một tháng và được mua bảo hiểm, làm 6 ngày một tuần, phụ cấp ăn uống. Tuy nhiên, khi tới nơi, họ mới nhận ra không có bữa trưa nào miễn phí. Họ không được nhận lương và nếu ốm, vẫn phải làm việc. Họ đã bị lừa", người này nói.
Người lao động bị lạm dụng khi phải trả toàn bộ chi phí sang Malaysia mà bên môi giới đã ứng trước, khiến họ phải làm việc không lương trong ít nhất 6 tháng đầu, đôi khi cả năm.
'Tôi chỉ muốn về nhà'
Nay bị chửi bới, bỏ đói, làm việc quần quật và cô lập trong gần hai năm khi làm giúp việc trong một gia đình ở Sungai Buloh, cho tới khi nhập viện vì kiệt sức.
"Ngoài việc dọn dẹp nhà cửa, rửa xe, chăm sóc con cái cho họ, chủ nhà còn bắt tôi làm việc trong xưởng may rèm. Một hôm tôi làm hỏng một mẫu vải đắt tiền. Bà chủ rất tức giận, ép tôi lau cả nhà một mình và không cho ăn. Sau đấy bà lấy gậy đánh tôi. Tôi ngất xỉu vì quá đói", Nay nhớ lại.
Tại bệnh viện, y tá đã hỏi cô sau khi thấy trên người có nhiều vết bầm tím. Họ gọi cảnh sát báo cáo cô bị ngược đãi.
"Cảnh sát nói rằng nếu tôi làm đơn, chủ lao động sẽ bị bắt giam nhưng lúc đó tôi chẳng quen biết ai và chỉ muốn nhanh chóng lấy hết tiền lương rồi về quê", cô nói. "Nếu tôi làm đơn, họ có giúp tôi không? Họ có thể tống ông bà chủ vào tù nhưng tôi không quan tâm, tôi chỉ muốn về quê gặp bố mẹ".
Giúp việc người Campuchia hồi hương từ Malaysia trò chuyện với cán bộ tổ chức phi chính phủ. Ảnh: Phnompenh Post.
Theo các tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ lao động giúp việc Campuchia, trường hợp của Nay rất phổ biến.
"Quy trình làm việc của cảnh sát rất chậm, kéo dài; mà người lao động không muốn trình báo, họ chỉ muốn về quê, tiếp tục cuộc sống", Irene Xavier, đại diện một tổ chức phi chính phủ của Malaysia cho biết.
Theo Bộ Ngoại giao Campuchia, có 272 lao động nước này hồi hương năm 2016, gấp 4 lần so với năm 2015. Năm 2014, chỉ có 34 người hồi hương về Campuchia. Những nguyên nhân chính của việc hồi hương là nạn buôn bán người, làm việc quá sức và ngược đãi, Bộ Y tế Campuchia cho biết.
Heng Sour, phát ngôn viên Bộ Lao động Campuchia nhấn mạnh, sau khi lệnh tạm dừng xuất khẩu lao động ban hành năm 2011, không một lao động giúp việc Campuchia nào được đưa sang Malaysia theo con đường hợp pháp. Ông Sour giải thích cho tới nay, vẫn chưa có lao động nào sang Malaysia, vì chính phủ hai nước đang làm việc để mở các trung tâm đào tạo nghề, lên chương trình giảng dạy và các tiêu chuẩn đào tạo.
Bộ Nội vụ Malaysia cho biết biên bản ghi nhớ ký năm 2015 vẫn chưa có hiệu lực.
Thứ trưởng Nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamed. Ảnh: Asian Correspondent.
Khi được hỏi về việc bảo vệ lao động giúp việc chui ở Malaysia, cũng như những nạn nhân của bọn buôn người hay bị chủ lao động ngược đãi phải bỏ trốn, ông Sour cho biết rất khó để bảo vệ họ.
"Họ vẫn bị coi là lao động bất hợp pháp, vì thế chúng tôi không khuyến khích lao động tự ý sang Malaysia. Chúng tôi sẽ cố đào tạo và huấn luyện người giúp việc, cảnh báo họ làm việc bất hợp pháp sẽ rất khó khăn. Đó là lý do chúng tôi liên tục khuyên người dân nên xuất khẩu lao động qua các kênh hợp pháp. Nếu không, sẽ rất khó để bảo vệ họ", ông nói.
Thứ trưởng Nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamed cũng đồng tình với ý kiến trên. Ông nói rằng lao động giúp việc cần tới Malaysia qua con đường hợp pháp, được chính phủ công nhận.
"Chúng tôi có luật bảo vệ nếu họ bị ngược đãi. Nếu họ không trình báo, chúng tôi sẽ rất khó khăn trong việc bảo vệ. Lực lượng thực thi pháp luật không thể đột nhập vào từng nhà, vì thế người lao động phải chủ động".