Nợ công bình quân đầu người là 36,71 triệu đồng/người
- Tây Y
- 11:29 - 24/05/2023
Sáng 24/5, tại Kỳ họp thứ năm, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Số liệu được trình là: tổng số thu cân đối NSNN là 2.387.906 tỷ đồng. Trong đó, số thu NSNN theo dự toán là 1.591.411 tỷ đồng; thu chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021 là 643.406 tỷ đồng; thu từ kết dư năm 2020 là 140.410 tỷ đồng; và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN là 12.679 tỷ đồng;
Tổng số chi cân đối NSNN là 2.484.439 tỷ đồng. Trong đó, chi NSNN theo dự toán là 1.708.088 tỷ đồng; chi chuyển nguồn sang năm 2022 là 776.351 tỷ đồng;
Bội chi NSNN là 214.053 tỷ đồng, bao gồm: bội chi ngân sách trung ương là 211.650 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 2.403 tỷ đồng.
Báo cáo một số nội dung trọng yếu, người đứng đầu ngành tài chính cho biết, tăng thu nội địa 179.781 tỷ đồng (15,9%) so với dự toán, chủ yếu là từ các khoản thu về nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết.
Thực hiện các chính sách thu NSNN hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19, tổng số thuế, phí, tiền thuê đất đã miễn, giảm, gia hạn là 132.418 tỷ đồng.
Năm 2021, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã chi 97.903 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần tích cực sớm kiểm soát tình hình dịch, đảm bảo an sinh xã hội.
Chi đầu tư phát triển dự toán là 479.568 tỷ đồng; quyết toán là 540.046 tỷ đồng, tăng 60.478 tỷ đồng (12,6%) so với dự toán.
Chi trả nợ lãi dự toán là 110.065 tỷ đồng; quyết toán là 101.778 tỷ đồng, giảm 8.287 tỷ đồng (7,5%) so với dự toán, chủ yếu do số phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2020 và 2021 thấp hơn dự toán, phù hợp với tiến độ thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư, kết hợp với lãi suất phát hành thấp hơn dự kiến, qua đó làm giảm chi trả lãi cho ngân sách trung ương.
Chính phủ đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn. Việc quản lý sử dụng kinh phí NSNN ở một số bộ, ngành, địa phương còn sai phạm; việc chấp hành thời hạn báo cáo quyết toán chưa đảm bảo theo đúng quy định.
Báo cáo Quốc hội về kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 do Chính phủ trình.
Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 34.595 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 37.010 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 270 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.
Dư nợ công đến 31-12-2021 là 3.616.484 tỷ đồng, tăng 2,72% so với năm 2020, bằng 42,65% so với GDP. Nợ công bình quân đầu người là 36,71 triệu đồng/người.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; rà soát, tổng hợp chính xác số dư ứng trước đến hết Kế hoạch năm 2021 thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương phải bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa được bố trí kế hoạch vốn thu hồi, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm lập, gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, chậm hoàn thành việc thông báo xét duyệt, thẩm định đối với các đơn vị trực thuộc.
Thẩm tra, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, thông tin, số liệu quyết toán thu, chi, bội chi NSNN năm 2021 thay đổi khá lớn so với số liệu Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Trong đó có các khoản tăng thu ngân sách trung ương khá lớn nhưng chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phương án sử dụng trong năm 2022.
Về chi đầu tư phát triển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, số quyết toán chi đầu tư phát triển bao gồm số thực hiện theo dự toán, chuyển nguồn, kết dư ngân sách địa phương đạt tỷ trọng rất thấp (chỉ đạt 71,6%). Qua kết quả giám sát và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 cho thấy nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác lập, tổ chức triển khai thực hiện dự toán, quyết toán chi đầu tư kéo dài nhiều năm, nhưng không được xử lý dứt điểm.
Các tồn tại, hạn chế này tác động, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, xác định bội chi NSNN, kế hoạch vay trả nợ không chính xác, gây lãng phí rất lớn nguồn lực nhà nước, cơ quan thẩm tra nhận định.
Uỷ ban Tài chính, ngân sách còn chỉ rõ, với chi chuyển nguồn NSNN năm 2021 sang năm 2022 các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện không nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội. Thông tin, số liệu quyết toán chuyển nguồn chưa đầy đủ, thiếu tin cậy, còn chuyển nguồn cả các khoản chi hết nhiệm vụ chi, hủy dự toán, các khoản chi không đúng quy định,....
Đáng chú là tình hình vay, trả nợ, theo cơ quan thẩm tra có nhiều bất cập. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng mức vay: dự toán là 608.569 tỷ đồng; quyết toán là 455.927 tỷ đồng, bằng 74,9% (giảm 152.642 tỷ đồng) so với dự toán và giảm 73.586 tỷ đồng số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng ,việc huy động, sử dụng nguồn vốn vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương, trả nợ gốc, lãi năm 2021 chưa hợp lý, chưa đúng yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu quản lý chặt chẽ việc vay, trả nợ.
Báo cáo thẩm tra nói, thông tin số liệu phát hành số vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2021 cho thấy không như báo cáo của Chính phủ việc huy động vốn của ngân sách trung ương gắn với tiến độ thu, chi, trả nợ gốc của ngân sách trung ương và nhu cầu khả năng giải ngân vốn đầu tư công.
Trong khi giải ngân vốn đầu tư công thấp, không đạt kế hoạch phải hủy nguồn, chuyển nguồn, số chưa sử dụng ngân sách trung ương cũng rất lớn; cắt giảm, tiết kiệm chi, tăng thu ngân sách trung ương khá lớn, tăng tối thiểu là 61.315 tỷ đồng; kinh phí thực hiện cải cách tiền lương nguồn ngân sách trung ương đến năm 2021 chưa sử dụng chuyển nguồn sang năm 2022 là 54.435 tỷ đồng, cho thấy số dư nguồn ngân sách trung ương rất lớn.
Tồn ngân tại Kho bạc nhà nước năm 2021 rất lớn (640.847 tỷ đồng); các khoản vay ngân quỹ nhà nước thường xuyên có số dư gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại lớn, nhưng ngân sách trung ương không hoàn trả tạm ứng… nhưng vẫn phát hành số vốn trái phiếu Chính phủ bằng khoảng 98% kế hoạch (318.213 tỷ đồng/324.000 tỷ đồng kế hoạch). Số vốn trái phiếu Chính phủ đã phát hành cả năm 2021 cao hơn 25.909 tỷ đồng tổng số trả nợ gốc, lãi cả năm (292.304 tỷ đồng).
Việc phát hành trái phiếu Chính phủ khi vẫn có số dư tiền gửi nguồn ngân quỹ nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại là không hợp lý, đặc biệt phát hành một số thời điểm vượt quá nhu cầu trả nợ gốc, lãi cần được xem xét đánh giá kỹ lưỡng; phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất thấp, nhưng không trả nợ gốc đến hạn theo dự toán .
Cạnh đó, việc phát hành vốn trái phiếu Chính phủ vượt quá nhu cầu chi tiêu trong năm không chỉ không phù hợp các nghị quyết của Quốc hội và trong một số trường hợp có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn lực, sử dụng không hiệu quả các nguồn vốn huy động, thậm chí ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, đến các thành phần kinh tế khác có nhu cầu huy động vốn.