THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 02:29

103 000 doanh nghiệp nợ BHXH 5.300 tỉ đồng

 

Ông Trần Đình Liệu,Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

Ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) vừa có cuộc trao đổi về tình hình thu nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2015.

Thưa ông, số nợ BHXH năm 2015 có gì thay đổi so với năm 2014? Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng BHXH này?

Số nợ BHXH năm 2015 là 7.567 tỉ đồng, trong đó 103.000 doanh nghiệp nợ 5.300 tỉ đồng. Các doanh nghiệp này đang sử dụng khoảng 2,7 triệu lao động.

Trong 7.567 tỉ đồng nợ trên, tính riêng số nợ BHXH là 5.692 tỉ đồng, BHYT là 1.560 tỉ đồng, BHTN là 315 tỉ đồng. So với năm 2014, số nợ BHXH năm 2015 đã giảm hơn 1.400 tỉ đồng.

Về khách quan, năm 2015, nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu bộ máy, bố trí việc làm và dành nhiều khoản tiền để đầu tư máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn cố tình lạm dụng. Khi lãi suất tiền phạt chậm đóng BHXH thấp, doanh nghiệp đã tạm thời giữ lại để kinh doanh.

Mặt khác, Luật BHXH năm 2014 tới 1/1/2016 mới có hiệu lực, các chế tài đủ mạnh chỉ bắt đầu được áp dụng trong năm 2016.

Về chủ quan, ngành BHXH còn thiếu nhân lực trong việc kiểm tra, thanh tra. Toàn ngành chỉ có 4.000 cán bộ trực tiếp làm công tác thu. Trong khi đó, khối lượng thu BHYT tới 70 triệu người, khối lượng thu BHXH tới hơn 200.000 tỉ đồng của trên 400.000 đơn vị…

Các biểu hiện trốn đóng BHXH ra sao, thưa ông?

Theo BHXH VN, tới 31/12/2015, một số công ty nợ BHXH trên 15 tháng với số tiền nhiều, như: Cty CP Mai Linh Miền Nam (TPHCM) nợ BHXH hơn 61 tỉ đồng, Cty CP Tập Đoàn Kỹ Nghệ Gỗ Trường Thành (Bình Dương) nợ trên 54 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Lisemco (Hải Phòng) nợ trên 33 tỉ đồng, Cty TNHH Chợ Lớn Taxi (TP HCM) nợ trên 20 tỉ đồng, Công ty CP Cầu 14 (Hà Nội) nợ trên 16 tỉ đồng, Cty TNHH Gạch Men Mỹ Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) nợ trên 15 tỉ đồng, Công ty cổ phần xây dựng HANCORP 2 (Thanh Hóa) nợ trên 14 tỉ đồng…

Có 2 hình thức chủ yếu. Một phần là ở các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH và việc đóng BHXH ở mức lương thấp trong khi đáng ra phải thực hiện đóng ở mức lương cao hơn.

Mặt khác, doanh nghiệp còn thực hiện việc lách luật, chuyển hợp đồng lao động xuống dưới 3 tháng để tránh phải đóng BHXH cho người lao động.

Chính vì vậy, khi có những quy định mới về cách tính BHXH theo lương và phụ cấp mới từ 1/1/2016 hy vọng sẽ phần nào hạn chế tình trạng này.

Ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội VN).

Theo BHXH VN, tới 31/12/2015, một số công ty nợ BHXH trên 15 tháng với số tiền nhiều, như: Cty CP Mai Linh Miền Nam (TPHồ Chí Minh) nợ BHXH hơn 61 tỉ đồng, Cty CP Tập Đoàn Kỹ Nghệ Gỗ Trường Thành (Bình Dương) nợ trên 54 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Lisemco (Hải Phòng) nợ trên 33 tỉ đồng, Cty TNHH Chợ Lớn Taxi (TP Hồ Chí Minh) nợ trên 20 tỉ đồng, Công ty CP Cầu 14 (Hà Nội) nợ trên 16 tỉ đồng, Cty TNHH Gạch Men Mỹ Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) nợ trên 15 tỉ đồng, Công ty cổ phần xây dựng HANCORP 2 (Thanh Hóa) nợ trên 14 tỉ đồng…

Theo khảo sát của ngành LĐ-TB&XH có khoảng 16-17 triệu người có giao kết hợp đồng lao động và phải đóng BHXH. Nhưng BHXH VN chỉ quản lý được 12 triệu lao động. Như vậy còn tới 4 triệu người lao động cần phải thu.

Hơn 100.000 doanh nghiệp đang nợ 5.300 tỉ đồng từ BHXH.

Việc triển khai quá trình khởi kiện các đơn vị trốn đóng BHXH thời gian qua ra sao? Đặc biệt với những doanh nghiệp có vốn FDI thưa ông?

Khi BHXH VN khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH: Khoảng 30 % doanh nghiệp đã thực hiện ngay việc đóng BHXH, khoảng 40% doanh nghiệp chấp nhận để tòa án phải thụ lý vụ án. Còn lại 30% doanh nghiệp gặp phải tình trạng rất khó khăn, như phá sản, giải thể hoặc chờ giải thể. Chúng tôi cũng khởi kiện ra tòa. Nhưng khi xử xong thì doanh nghiệp không có tài sản gì để trả nợ.

Khi thanh lý tài sản của doanh nghiệp theo quyết định của tòa án, phần nợ đóng BHXH của doanh nghiệp chưa được ưu tiên giải quyết. Nên việc DN giải thể, khởi kiện gần như không có hiệu quả. Trong khi đó, quyền được bảo đảm đóng BHXH cũng rất quan trọng với người lao động.

Đối với các doanh doanh nghiệp có vốn FDI, BHXH VN đang phải xử lý khoảng 170 trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước, chủ yếu là các doanh nghiệp gốc Đài Loan và Trung Quốc.

Do cơ chế thông thoáng nên các doanh nghiệp trên chủ đều đều đi thuê: Thuê lao động, thuê vốn và thuê máy móc, nha xưởng. Bởi vậy, khi họ rút đi rất khó còn gì để trang trải các khoản nợ.

Hệ lụy của việc này khiến hơn 6.000 lao động trong các nghiệp trên bị ảnh hưởng. BHXH đang xin Thủ tướng cơ chế làm sao đảm bảo quyền lợi cho họ. Nhưng đang vướng bởi nguyên tắc của BHXH là có đóng - có hưởng, đóng đến đâu ký đến đó.

Được biết luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 cho phép BHXH VN thêm chức năng thanh tra và xử phạt các hành vi vi phạm BHXH. Vậy công tác chuẩn bị của BHXH VN ra sao, thưa ông?

Năm 2015, các ban chuyên môn của BHXH Việt Nam và Thanh tra Chính phủ đã tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ thanh tra cho hơn 1.000 cán bộ trong ngành BHXH. Năm 2016 -2018, công tác dự kiến triển khai tiếp với 3.000 cán bộ ngành BHXH làm công tác thu, kiểm tra.

Theo quy định, ngành BHXH có 3 cấp được phép ra quyết định xử phạt là: Tổng giám đốc, trưởng đoàn thanh tra do Tổng giám đốc thành lập, Giám đốc BHXH tỉnh hoặc thành phố.

Mức xử phạt tối đa 75 triệu đồng/hành vi và yêu cầu đơn vị bị xử phạt phải khắc phục hậu quả. Nếu doanh nghiệp không chấp hành, BHXH VN có quyền chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử phạt.

Cả nước có khoảng 600.000 doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên mới có hơn 200.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Vậy trong năm 2016, BHXH VN sẽ có những giải pháp gì để tăng cường công tác thu BHXH tới số doanh nghiệp còn lại?

Năm 2016, BHXH VN tiếp tục rà soát tới các doanh nghiệp dựa trên hệ thống dữ liệu do ngành thuế cung cấp. Mặc dù có 600.000 doanh nghiệp nhưng hoạt động thực chất không nhiều.

Đa số các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH thuộc quy mô nhỏ và dịch vụ, như: Công ty mô hình gia đình, công ty tư nhân có 3-6 lao động. Có công ty lại tuyển dụng lao động đã về hưu, lao động thời vụ. Thậm chí, người lao động của nhiều công ty loại trên có thể cùng lúc làm việc tại 2,3 nơi.

Về địa điểm, nhiều doanh nghiệp chủ yếu thuê văn phòng và nhà xưởng, thuê địa điểm rất nhiều chỗ. Nên vừa qua chúng tôi phối hợp với cơ quan thuế rất khó khăn để tìm các doanh nghiệp trên.

Tới đây, BHXH VN sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế với cơ quan thuế. Theo đó: DN phải kê khai đóng BHXH trước, mặc dù lao động không phải diện đóng BHXH bắt buộc vẫn phải xác nhận giữa ngành BHXH và ngành thuế. Như vậy mới quản lý được số DN ngoài quốc doanh, chủ yếu DN vừa và nhỏ.

Xin cảm ơn ông.


Năm 2015, số thu BHXH đạt 215.983 tỉ đồng, vượt hơn 2,3% so với kế hoạch. Trong đó, thu BHXH bắt buộc là 145.054 tỉ đồng; BHXH tự nguyện là 832 tỉ đồng; BHTN là 9.981 tỉ đồng; BHYT là 59.682 tỉ đồng. Tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 70,2 triệu người đạt 101%. 76,4% dân số tham gia BHYT, vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2015 là hơn 1%” - ông Trần Đình Liệu cho biết.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh