THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:52

Ninh Bình: Nỗ lực trong cải cách hành chính

Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số CCHC được xác định trên 8 lĩnh vực: công tác chỉ đạo điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa nền hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. 

Ninh Bình: Nỗ lực trong cải cách hành chính - Ảnh 1.

Bám sát vào các nội dung yêu cầu của việc đánh giá chỉ số CCHC, trong nhiều năm qua, tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số CCHC. Theo đó, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã duy trì và nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông, bảo đảm công khai, minh bạch. 

Đến nay, 18/18 sở, ngành, 8/8 huyện, thành phố, 143/143 xã, phường, thị trấn duy trì thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đầu tháng 10 năm 2020, Ninh Bình cũng đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành 26 quyết định công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành với tổng số 176 TTHC, trong đó: 121 TTHC được công bố mới, 57 TTHC bị hủy bỏ; tổng số TTHC đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.874 TTHC, trong đó cấp tỉnh 1.484 TTHC; cấp huyện 260 TTHC; cấp xã 130 TTHC. 

Các TTHC sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ký quyết định công bố đã được các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh niêm yết công khai quy trình, TTHC, số điện thoại, địa chỉ hòm thư tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị theo quy định tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trên trang thông tin điện tử để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ tra cứu và thực hiện. 

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tích cực triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Số TTHC đang được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh là 992 TTHC. 

Thực hiện nhiều giải pháp, từ năm 2016 đến nay, chỉ số CCHC của tỉnh Ninh Bình luôn nằm trong top 15 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất trong cả nước, cũng là tỉnh thuộc nhóm 3 địa phương đứng đầu cả nước triển khai thực hiện tốt công tác liên thông các TTHC. 

Chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được người dân, tổ chức đánh giá cao, là một trong những địa phương xếp hạng thuộc nhóm cao so với cả nước: năm 2019 chỉ số hài lòng trung bình đạt 88,8%, tăng 0,41% so với năm 2018 và tăng 2,63% so với năm 2017; chỉ số hài lòng trung bình của người dân đối với các sở, ban, ngành đạt 89,10%, tăng 0,66% so với năm 2018, tăng 5,18% so với năm 2017; chỉ số hài lòng cấp huyện năm 2019 đạt 88,5%, cao hơn 0,16% so với năm 2018 và 0,08% so với năm 2017. 

Năm 2020, chỉ số CCHC của Ninh Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; xếp 16/63 về chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh