THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:29

Niềm hy vọng của những bệnh nhân ung thư

Bệnh nhân tên là Nguyễn Thị An, sinh năm 1973, thường trú tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, vào viện ngày 17/11/2014, chẩn đoán lúc vào viện là K vú (p), đã phẫu thuật cắt toàn bộ vú (p) và vét hạch nách (p), hóa chất.

Bệnh nhân đã được khám lâm sàng, cận lâm sàng, siêu âm, X - quang, chụp cắt lớp vi tính và được bệnh viện hội chẩn chuyên môn có chỉ định ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Kết quả, ngày 3/1/2015, bệnh nhân bắt đầu mọc tủy, trong các ngày tiếp theo bệnh nhân phục hồi dần các dòng tế bào máu và hiện tại toàn trạng bệnh nhân ổn định, tủy xương sinh máu bình thường, có chỉ định ra viện.

Trước đó, lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cũng đã ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị ung thư vú thành công cho bệnh nhân Đinh Thị Liễu, sinh năm 1962, thường trú tại thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Ngày 11/12/2014, bệnh nhân này đã được ra viện.

PGS, TS Nguyễn Trung Chính, Ủy viên thường vụ Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hiện là cố vấn cao cấp, trưởng kíp ghép của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết: Số người bị ung thư ở nước ta và trên thế giới ngày càng nhiều. Hiện có rất nhiều phương pháp để điều trị ung thư, tất cả những phương pháp điều trị đều đem lại kết quả nhất định cho bệnh nhân nhưng vấn đề y học thế giới và trong nước lo ngại là tái phát của bệnh ung thư.

Bệnh nhân ở Nghệ An trị ung thư vú thành công nhờ ghép tế bào gốc.Bệnh nhân ở Nghệ An trị ung thư vú thành công nhờ ghép tế bào gốc.

Chính vì lo ngại tái phát nên các nhà khoa học thế giới và Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, tìm những giải pháp tốt nhất để điều trị, nhằm cứu sống bệnh nhân. Trong những giải pháp đó, phương pháp ghép tế bào gốc để điều trị triệt để căn nguyên của các bệnh ung thư là hướng đi mới trong y học thế giới và ở nước ta.

Gần đây kỹ thuật ghép tế bào gốc trong bệnh ung thư cũng như một số bệnh lành tính đang phát triển và đang là mũi nhọn trong công tác điều trị.

Không chỉ ung thư vú, ung thư buồng trứng cũng đạt được thành công khi ứng dụng điều trị bằng tế bào gốc. Cuối năm 2014, BV Trung ương Huế cũng đã điều trị thành công cho bệnh nhân ung thư buồng trứng bằng tế bào gốc tạo máu tự thân.

Bệnh nhân được điều trị thành công là bà Trần Thị Thu (48 tuổi, trú phường Kim Long, TP Huế). Trước đó, một bệnh nhân khác bị ung thư buồng trứng lần đầu tiên được điều trị thành công trong năm 2014 cũng theo phương pháp sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân là bà Nguyễn Thị Sau (52 tuổi, trú thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế).

Thường điều trị ung thư theo cách thường quy tại Việt Nam là phẫu thuật giảm khối, sau đó điều trị hóa chất 6 chu kỳ. Bệnh sẽ tái phát, các bác sĩ sẽ điều trị hóa chất và phẫu thuật.

Đa số bệnh nhân sau đó sẽ bị tử vong do di căn và suy tủy. Theo PGS, TS Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc BV Trung ương Huế, Chủ nhiệm Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư tử cung”, ưu điểm của phương pháp này được áp dụng cho những bệnh nhân ung thư vú và ung thư buồng trứng đã điều trị thất bại bằng các phương pháp điều trị thường quy hiện nay ở Việt Nam, hoặc bệnh nhân giai đoạn muộn.

Bệnh nhân thuộc tất cả các đối tượng (có hay không có BHYT, bệnh nhân được các nơi khác chuyển viện vì không thể chữa trị được nữa...) đều có thể chữa trị được. Việc điều trị bệnh ung thư bằng phương pháp tế bào gốc tạo máu tự thân đã mở ra một triển vọng mới trong việc cứu các bệnh nhân ung thư.

Nguyệt Hà

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh