THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:39

Những việc cần làm khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản

Ngày 17/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Công điện số 27/CĐ-TWPCTT gửi UBND các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, GTVT, GD&ĐT, Y tế về việc tập trung ứng phó mưa lũ.

Nội dung công điện nêu rõ: Những ngày qua, các địa phương khu vực miền Trung liên tiếp xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, đặc biệt tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị; nhiều khu vực đã xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, chia cắt giao thông.

Những việc cần làm khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản - Ảnh 1.

Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt Điện của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời tập trung một số nhiệm vụ cấp bách sau:

Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.

Những việc cần làm khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản - Ảnh 2.

Tổ chức giám sát, vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở... Tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động chỉ đạo, triển khai ứng phó.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp các địa phương chỉ đạo vận hành hồ đập thủy lợi, thủy điện bảo đảm an toàn công trình và hạ du, lưu ý vận hành các hồ đập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bảo đảm an toàn, hạn chế ngập lụt trong ngày 18/10.

Các bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo, phối hợp địa phương kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao.

Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn theo thẩm quyền.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, Ban chỉ đạo TW PCTT đề nghị người dân:

- Thường xuyên theo dõi thông tin về mưa lũ.

- Giữ liên lạc và tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.

- Người lao động đang ở các công trình thi công, thủy điện, giao thông di chuyển ra vùng dễ xảy ra sạt lở đât, lũ quét.

- Di chuyển các máy móc, trang thiết bị ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.

- Ngắt toàn bộ các thiết bị điện, khóa van ga, kê cao các đồ vật cần bảo quản.

- Dự trữ, bảo vệ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh trong tình huống ngập lụt, chia cắt dài ngày.

- Sạc pin đầy đủ cho điện thoại, đèn phi, pin dự phòng.

- Không đi qua ngầm, tràn, cầu, cống hoặc các đường giao thông khi lũ đang tràn qua.

- Không bơi lội, đánh bắt cá, vớt củi trong vùng ngập lũ.

- Chủ động dọn dẹp, tiêu hủy xác súc vật, vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh