CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:15

Những vật dụng tưởng chừng vô hại gây nguy hiểm cho trẻ

 

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết mỗi năm họ tiếp nhận hàng chục ca trẻ bị ngạt thở do ngạt nước và hóc dị vật. Hầu hết trẻ được đưa đến viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.

Bác sĩ này từng chứng kiến sự ra đi của bé gái 13 tháng tuổi ở Đồng Nai và bệnh nhi 17 tháng tuổi ở TP.HCM được người nhà phát hiện trong tình trạng cắm đầu vào xô nước. Khi được vớt lên, các bé đã tím tái và đều tử vong trước khi đến bệnh viện.

 

Bé trai ngạt nước rơi vào hôn mê may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 cứu sống khi đến viện kịp thời. Ảnh: Khánh Trung. 


Một bé trai 2 tuổi (ở quận 8, TP.HCM) cũng ngạt nước vì ngã xuống ao tôm khi chơi ngoài sân nhà nhưng người lớn không trông coi. Bệnh nhi ở huyện Hóc Môn lại ngã xuống bể cá cảnh trong nhà khi cha mẹ đang tiếp khách.

Theo bác sĩ Phương, trẻ dưới 5 tuổi rất thích nghịch nước. Những vật dụng tưởng vô hại như xô, chậu, bể cá lại gây nguy hiểm cho trẻ.

Để tránh tình trạng trẻ ngạt nước, bác sĩ Phương khuyên phụ huynh nên cẩn trọng trong việc trông con. Không nên để bé tự đi chơi ở các khu vực gần sông hồ, kênh rạch. Các xô, thau chậu chứa nước cũng phải đậy kín. Di chứng có thể xảy ra nếu trẻ ngập đầu trong nước chỉ 4-5 phút. Trong tai nạn ngạt nước, việc sơ cứu là rất quan trọng.

Khi phát hiện trẻ ngạt nước, cần nhanh chóng đưa bé ra khỏi mặt nước bằng mọi cách, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra đường thở bằng cách quan sát lồng ngực có biến chuyển hay không. Nếu lồng ngực không cử động, trẻ đã ngừng thở và phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức.

Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim không.

 

Bác sĩ Phương hướng dẫn cách sơ cứu khi trẻ bị ngạt. Ảnh: Khánh Trung.


Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (ép tim 15 cái, thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có một người, sau đó vừa tiếp tục hô hấp nhân tạo, vừa đưa trẻ đi viện.

Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên, cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm, nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.

Lưu ý, tuyệt đối không nên dốc ngược nạn nhân, vác lên vai chạy. Đây là hành động hoàn toàn sai vì làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân.

Nước ở trong phổi của bệnh nhân không nhiều. Nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh