Những thói quen không ngờ có thể ảnh hưởng cả cuộc đời con bạn
- Y học 360
- 13:42 - 07/04/2016
Nuôi dạy con cái là vấn đề cực kỳ khó khăn đối với mỗi ông bố, bà mẹ. Yêu thương dành cho trẻ cũng luôn đòi hỏi sự “khoa học”. Những thói quen mà bạn tập cho trẻ ngay từ buổi ban đầu đều có thể là tiền đề hình thành nhân cách và kỹ năng sống cho trẻ sau này. Có những sự thật thú vị có thể bạn chưa biết!
1. Đồ chơi càng ít, con càng thông minh
Cho dù khả năng tài chính dư dả thế nào, khuyên bạn không nên mua quá nhiều các món đồ chơi cho trẻ. Khi trẻ có nhiều đồ chơi, ngược lại sẽ gây bất lợi cho việc kích thích và khai phá bộ não.
Nguyên nhân là do khi có thật nhiều đồ chơi, trẻ nhìn cái này cái kia, sờ vật này vật nọ gây ra mất tập trung tinh thần và không “trung thành” với bất cứ món đồ nào. Thói quen này có thể hình thành ở trẻ tính hời hợt, nhanh chán, không thật sự yêu thích thứ gì và dễ bỏ cuộc.
Nếu có ít đồ chơi, bắt buộc trẻ phải động não sáng tạo cho một món đồ chơi cũ, khiến chúng trở nên thú vị hơn và trẻ cảm thấy gắn bó hơn. Đây chính là quá trình kích thích các noron thần kinh, giúp chúng không ngừng được rèn luyện và phát triển.
Lời khuyên cho bạn: Bạn có thể phân loại đồ chơi, trước tiên cho trẻ 2-3 món và cùng chơi đùa thật lâu với chúng, khuyến khích trẻ chơi bằng nhiều cách. Khi nào trẻ thật sự “ngán” rồi mới lại đem vài món đồ chơi mới ra cho trẻ.
2. Trẻ tự ăn cơm từ nhỏ, làm việc sẽ chuyên tâm hơn
Khi còn nhỏ, trẻ thường chỉ có thể tập trung vào một việc nhất định, rất khó để cùng lúc chú ý nhiều chuyện, và ăn cơm là một việc cũng đòi hỏi sự chuyên tâm, đây là nhu cầu xuất phát tự thân mỗi người.
Nhiều phụ huynh thích đút cơm cho con, thật ra không cần thiết vì dễ khiến trẻ kén ăn. Trong khi nếu bạn yêu cầu trẻ phải tự ăn, không những giúp trẻ biết tập trung vào bữa ăn mà còn khởi động sự linh hoạt ở các ngón tay. Từ đó cũng giúp trẻ yêu thích với các món ăn hơn.
3. Có giấc ngủ tốt giúp trẻ có nền tảng khỏe mạnh
Trẻ luôn phát triển ngay cả trong quá trình ngủ, bao gồm các chức năng của các cơ quan trong cơ thể và cả sự trưởng thành của não bộ. Nhiều người cho rằng chỉ cần cho trẻ ngủ đủ giấc là tốt, thậm chí còn có thói quen cho trẻ ăn khuya. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Bạn cần quy định cụ thể và khoa học lịch ngủ của trẻ theo từng độ tuổi, và kiên trì thực hiện. Ngủ lúc nào và mỗi giấc ngủ kéo dài bao nhiêu đều phải rèn cho trẻ đi vào nề nếp đúng như vậy mới thật sự là thói quen ngủ khoa học.
4. Thêm nhiều trở ngại nhỏ khiến trẻ kiên cường hơn
Bố mẹ nào cũng thương con, sợ con té ngã, bệnh tật và bị bắt nạt. Tuy nhiên, những thử thách nhỏ trong suốt quá trình phát triển của trẻ là rất cần thiết. Bạn rất xót nếu không may trẻ té bị chảy máu, nhưng nếu trẻ chưa bao giờ “bị thương” thì liệu khi thật sự vấp ngã đau hơn, trẻ sẽ có khả năng chấp nhận và xoay sở được không?
Bệnh tật cũng vậy, mỗi một lần bệnh cũng có nghĩ là một lần hệ miễn dịch của cơ thể được “nâng cấp”, tăng sức đề kháng. Vì vậy, khi trẻ hắt hơi, sổ mũi, bạn cũng không nên quá căng thẳng và bảo bọc quá mức. Ngoài ra, những đòi hỏi không được đáp ứng, hoặc khi trẻ làm việc gì đó thất bại đều đáng để trẻ tự mình trải nghiệm. Một vài “giày vò” cả thể chất lẫn tinh thần đều tốt cho trẻ, nuôi dưỡng tính cách mạnh mẽ, kiên trì và giỏi chịu đựng.
5. Đi ra ngoài là trải nghiệm học tập quý giá cho trẻ
Bạn nghĩ trẻ còn nhỏ thì không có khả năng ghi nhớ, thêm vào xã hội phức tạp nên tốt nhất giữ trẻ ở nhà cho an toàn? Bạn đang tước mất quyền khám phá thế giới và phát triển bản thân của trẻ đấy. Quá trình được dẫn dắt ra thế giới bên ngoài cũng là một kiểu tận hưởng cuộc sống của trẻ. Mọi hình ảnh trẻ quan sát được đều có thể lưu lại bộ não và trở thành tư duy khác nhau ở mỗi người. Vì vậy, đừng bảo vệ con một cách khép kín, hãy cho trẻ cảm nhận sự muôn màu ngay từ khi còn nhỏ.
6. Đọc sách cho trẻ mỗi ngày giúp trẻ học cách tư duy nhiều mặt
Trước khi ngủ, bạn có thể đọc sách hay kể chuyện cho trẻ nghe, đây cũng là một thói quen giúp trẻ yên định để dỗ giấc ngủ sâu. Những tình tiết trong chuyện còn kích thích trẻ tìm hiểu mọi thứ, ham học hỏi và hình thành khả năng tư duy vấn đề ở nhiều khía cạnh sau này.