CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:02

Những thời điểm tuyệt đối không tiêm vắc xin cho trẻ

 

Trường hợp cháu bé hai tháng tử vong sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem mới đây tại Hà Nội khiến nhiều người e ngại và cho rằng vắc xin chính là thủ phạm gây ra những cái chết của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, hội đồng y khoa đã đưa ra kết luận nguyên nhân cái chết là do sốc phản vệ.

Sốc phản vệ là gì?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho hay sốc phản vệ là hiện tượng xảy ra khi hệ miễn dịch của trẻ nhạy cảm quá mức với một chất gây dị ứng mà trẻ được tiếp xúc hay được tiêm. Khi đó, cơ thể trẻ sẽ kích thích sản xuất một chất có tên là histamine, sau vài phút, trẻ sẽ có biểu hiện sốc. 

Đây là tai biến nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Bệnh xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc ăn một loại thức ăn lạ.

Biểu hiện sốc phản vệ gồm tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, truỵ tim mạch, tăng tính thấm thành mạch và co thắt cơ trơn. Một số trường hợp xảy ra rất nhanh ngay sau khi mới rút kim tiêm, chỉ trong vài phút thậm chỉ vài giây là tử vong ngay. Triệu chứng bệnh xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỷ lệ tử vong càng cao.

Cha mẹ cần lựa chọn thời điểm thích hợp để đưa con đi tiêm phòng. Ảnh: Anh Tuấn

Thời điểm tiêm vắc xin dễ gây sốc phản vệ

Trong số các nguyên nhân gây sốc phản vệ, các thuốc được xem là nguyên nhân phổ biến, bao gồm vắc xin. Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, tỷ lệ sốc phản vệ do uống, tiêm thuốc tại các bệnh viện nhiều hơn so với vắc xin. Trẻ tử vong do tiêm vắc xin chiếm một tỷ lệ rất nhỏ và nguyên nhân chính là do độ nhạy cảm của cơ thể, thuộc về cơ địa của người được tiêm.

Ngoài ra, tiêm vắc xin  còn có những chống chỉ định trong một số trường hợp:

- Trẻ đang sốt, cảm cúm

- Mắc các bệnh về não

- Động kinh

- Mắc bệnh cấp tính

- Mắc bệnh tim hoặc bất cứ bệnh lý nào khác

Bác sĩ Khanh khuyến cáo, trong các trường hợp này, tuyệt đối không tiến hành tiêm vắc xin cho trẻ bởi chúng sẽ tạo yếu tố thuận lợi gây ra sốc phản vệ.

Chính vì vậy, về nguyên tắc, trước khi tiến hành tiêm bất cứ loại vắc xin nào, bác sĩ phải khám, khai thác tiền sử và không cho dùng nếu bệnh nhân đang có bệnh hoặc có cơ địa  mẫn cảm với thuốc - vắc xin. 

“Đối với các cháu bé còn nhỏ, có thể khám biết được bệnh cấp tính nhưng khó biết có bệnh mạn tính nên việc tầm soát không đơn giản. Do đó, người nhà cần phải chủ động khai báo về tiền sử bệnh lý cho bác sĩ. Trẻ đang có bệnh cần điều trị dứt điểm trước khi tiêm. Với những trường hợp này, cha mẹ nên đưa con đi tiêm tại các bệnh viện, các cơ sở lớn để xử lý các biến chứng nếu có tốt nhất”, bác sĩ Khanh cho biết.

24 giờ theo dõi đặc biệt

“Tất cả các vắc xin đều có thể gây sốc phản vệ, không riêng Quinvaxem. Tuy nhiên, nếu đến cơ quan y tế ngay lúc mới bắt đầu có dấu hiệu bất thường, rất hiếm ca tử vong, chúng hoàn toàn được tầm soát. Bất cứ y bác sĩ nào cũng được đào tạo về kỹ năng xử lý sốc phản vệ bởi đây là tai biến tương đối phổ biến do nhiều nguyên nhân, không riêng vắc xin”, bác sĩ Khanh khẳng định.

Ông khuyến cáo tất cả phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin cần chú ý

- Theo dõi và báo với bác sĩ tiền sử của con mình

- Sau tiêm, cho trẻ ở lại theo dõi ít nhất 30 phút

- Về nhà theo dõi trong 6, 12 và 24h. Sau 24h, nếu không có dấu hiệu bất thường, có thể yên tâm.

- Trường hợp trẻ từng bị sốc phản vệ với vắc xin hay kháng sinh cụ thể nào đó, tuyệt đối không được tiêm loại này mà thay thế bằng việc tiêm vắc xin phòng bệnh khác.

 

Vì sao một số trẻ tử vong sau khi tiêm Quinvaxem?

- Hoá chất gây độc trong thành phần của thuốc.

- Do độc lực của các yếu tố gây bệnh làm suy yếu đi, nếu cơ thể trẻ có sức đề kháng kém, thì sẽ phát bệnh điển hình của loại bệnh mà loại vắc xin đó phòng chống;

- Do sốc phản vệ, bản chất là một loại dị ứng của cơ thể với các loại chất lạ.

- Có thể là những cái chết ngẫu nhiên do các bệnh nền âm thầm hay những nguyên nhân chưa rõ ràng. Số lượng chết của trẻ dưới 1 tuổi mỗi ngày ở Việt nam lên đến 70 em, do vậy, việc trùng lặp vào thời điểm tiêm vắc xin là điều bình thường.

Các loại vắc xin đều có giá trị phòng bệnh, tuy nhiên mỗi loại có kháng nguyên khác nhau. Các vắc xin đều có thể gây phản ứng. Tuy nhiên mũi tiêm dịch vụ sử dụng ở Việt Nam còn ít nên chưa đánh giá được phản ứng. Còn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng mỗi năm tiêm hơn 1 triệu trẻ nên tỷ lệ tai biến khó tránh khỏi.

Bác sĩ Huỳnh Phước Sang

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh