CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 09:03

Những tấm gương sáng là “ngọn lửa” thuần khiết, hiện thực hóa ước mơ của nhiều mảnh đời bất hạnh

Những tấm gương sáng là “ngọn lửa” thuần khiết hiện thực hóa ước mơ của nhiều mảnh đời bất hạnh - Ảnh 1.

Nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nông Đức Mạnh (bên trái); và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hỏi thăm các đại biểu tham dự Lễ tuyên dương.

15h00 chiều nay (28/11/2020), Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" đã diễn ra tại Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.

Đây là hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện tuyên dương "Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" tại Hà Nội diễn ra trong hai ngày 27 - 28/11/2020.

Đồng thời cũng là hoạt động nhằm hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, kỷ niệm 10 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 phê duyệt Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 32), đánh dấu dấu mốc quan trọng của ngành công tác xã hội tại Việt Nam.

Tham dự sự kiện có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nông Đức Mạnh; Nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình;

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch TW MTTQVN Trần Thanh Mẫn; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương;

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Các Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng... và lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương cùng 400 cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong cộng đồng trong lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội...

Những tấm gương sáng là “ngọn lửa” thuần khiết hiện thực hóa ước mơ của nhiều mảnh đời bất hạnh - Ảnh 3.

Toàn cảnh Lễ Tuyên dương

Dành công sức, tiền của, vận động xã hội chăm lo cho người yếu thế

Phát biểu tại lễ tuyên dương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, công tác an sinh xã hội và các chính sách xã hội của đất nước ta đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, cải thiện chỉ số phát triển con người Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống nhân dân về tinh thần và vật chất.

Đến nay, đã bao phủ khoảng trên 23,2 triệu người, chiếm 25% dân số, tuy còn nhiều khó khăn, song tỷ lệ đảm bảo ngân sách thực hiện các chính sách xã hội tăng dần hàng năm; tổng chi của ngân sách nhà nước cho trợ giúp xã hội năm 2019 lên đến 35 ngàn tỷ đồng năm 2019.

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho rằng: "Sự chung tay đóng góp của cộng đồng xã hội để hỗ trợ những người có hoàn cảnh còn khó khăn là hết sức cần thiết và quan trọng".

Những tấm gương sáng là “ngọn lửa” thuần khiết hiện thực hóa ước mơ của nhiều mảnh đời bất hạnh - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương, ghi nhận và trân trọng cảm ơn những tấm lòng vàng

"Thực hiện lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau", với truyền thống yêu thương đùm bọc, đoàn kết gắn bó của cả dân tộc, các hoạt động từ thiện đã trở thành một phong trào sâu rộng trong xã hội, tinh thần "lá lành đùm lá rách" đã có sức hiệu triệu, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện chung tay, góp sức về cả vật chất lẫn tinh thần nhằm hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế và người dân gặp hoàn cảnh khó khăn", ông Dung nói.

Từ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngày hôm nay đây, chúng ta lần đầu tiên tổ chức gặp mặt quy mô toàn quốc với những đại biểu đến từ khắp mọi miền đất nước.

"Đó là những người dân đã và đang dành công sức, tiền của của mình và vận động xã hội chăm lo cho những người yếu thế, họ làm những công việc thầm lặng có ích cho cộng đồng, cho xã hội", lãnh đạo Bộ ghi nhận.

Những tấm gương sáng là “ngọn lửa” thuần khiết hiện thực hóa ước mơ của nhiều mảnh đời bất hạnh - Ảnh 5.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho vợ chồng ông Lê Văn Kiểm, bà Trần Cẩm Nhung

Đem lại niềm tin, hi vọng, cuộc sống cho nhiều mảnh đời

Ông xúc động: "Đó là những người thầy giáo, cô giáo dành cả cuộc đời đem con chữ cho những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Họ là những người đã tự nguyện hiến tặng tất cả tài sản, đất đai, nhà cửa để nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm người già có hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa; những người khuyết tật, người bị di chứng chất độc da cam".

Những tấm gương sáng là “ngọn lửa” thuần khiết, hiện thực hóa ước mơ của nhiều mảnh đời bất hạnh - Ảnh 5.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ tuyên dương

Họ là những người dân đang thầm lặng với hàng trăm chuyến xe cứu thương miễn phí trong đêm tối để chuyên chở người bị tai nạn, người bệnh khó khăn cần cứu giúp.

"Là những người đã hiến hàng chục, hàng trăm lượt máu cho các bệnh nhân đang nằm chờ trong các bệnh viện, những giọt máu cho đi của họ để đem lại niềm tin, hi vọng sống cho người bệnh và hạnh phúc cho gia đình", Bộ trưởng nêu những nghĩa cử, tình người xúc động và khẳng định: "Cuộc gặp mặt lần này là sự hội tụ của hàng trăm "câu chuyện cổ tích" trong đời thường".

Những tấm gương sáng là “ngọn lửa” thuần khiết hiện thực hóa ước mơ của nhiều mảnh đời bất hạnh - Ảnh 6.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới cho quỹ Bảo trợ trẻ em

Điểm một số tấm gương sáng, câu chuyện của họ tạo sức lan tỏa khắp hội trường về tấm lòng "tương thân tương ái", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trân trọng nhắc đến tấm gương tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Hồng, 15 năm qua, bà đã dành toàn bộ tiền của gia đình xây dựng lên cơ sở tại tỉnh Đồng Nai để cưu mang, chăm sóc các cụ già không nơi nương tựa;

Hay tấm gương ông Bùi Công Hiệp, TP. Hồ Chí Minh, cựu chiến binh hơn 10 năm qua tình nguyện nuôi hơn 100 trẻ mồ côi, và quyết định tặng toàn bộ tài sản hơn 100 tỷ đồng cho trẻ mồ côi bằng cách ghi tên các trẻ em vào trong sổ đỏ để sau này các cháu có 1 mái nhà. Và "người bố" của hơn 100 trẻ mồ côi này được các cháu gọi là "ông Bụt" trong đời thường.

Tấm gương anh Đỗ Hà Cừ cũng lan tỏa tình yêu thương lớn lao, bị di chứng chất độc da cam rất nặng do người cha để lại. Hơn 30 năm qua, Đỗ Hà Cừ chỉ nằm một chỗ nhưng bằng nghị lực phi thường, anh đã thành lập một không gian đọc mang tên "Hy vọng" ngay tại nhà với 4.000 cuốn sách.

Tâm huyết của anh đã góp phần lan tỏa tình yêu thương và sự chia sẻ của cộng đồng để giúp đỡ những người khuyết tật…

Những tấm gương sáng là “ngọn lửa” thuần khiết hiện thực hóa ước mơ của nhiều mảnh đời bất hạnh - Ảnh 7.

Các đại biểu tham dự Lễ Tuyên dương những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng

Mỗi người viết lên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Và còn nhiều, còn nhiều những tấm gương khác trong số 400 tấm gương có mặt hôm nay, mỗi người đã viết lên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, "lặng thầm cống hiến cho cộng đồng, nhưng họ chưa một lần được vinh danh, khen thưởng", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, qua những ngày dịch bệnh Covid-19, cả nước lại chứng kiến tinh thần một lòng yêu thương, đùm bọc, cùng giúp đỡ nhau vượt hoạn nạn.

"Các bác, các cô, các chú dự cuộc gặp mặt này thực sự là những bông hoa đẹp, đại diện cho lòng nhân hậu của hàng triệu người dân Việt Nam, là biểu hiện sinh động của truyền thống "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta", ông nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ trưởng khắc ghi, các đại biểu gặp mặt là biểu tượng cho đức hy sinh, lòng bao dung, tình nhân ái; là mạch nguồn nuôi dưỡng, ngọn lửa thuần khiết sưởi ấm và giúp hiện thực hóa ước mơ hạnh phúc của những mảnh đời bất hạnh.

Những tấm gương sáng là “ngọn lửa” thuần khiết hiện thực hóa ước mơ của nhiều mảnh đời bất hạnh - Ảnh 8.

"Những việc làm xuất phát từ trái tim không hề toan tính của các đại biểu là vầng ánh sáng lung linh, rực rỡ nhất, là động lực sống, nguồn cổ vũ động viên vô giá, thôi thúc, lan tỏa những người dân hướng tới hành trình thiện lương trong cuộc đời mình", ông Dung nói, và lan tỏa sự rung động đến toàn thể hội trường bởi chính những tấm lòng của 400 đại diện tiêu biểu.

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc tôn vinh, biểu dương những tấm gương đẹp như vậy đóng góp cho cộng đồng cũng như những cán bộ đóng góp cho công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cũng như hàng triệu người vẫn đang thầm lặng, hàng ngày phục vụ cộng đồng là điều cần thiết.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh: "Vui mừng về những thành tựu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; xúc động và cảm phục trước những tấm lòng cao cả của hàng triệu người đang ngày đêm cống hiến vì cộng đồng, ngày hôm nay, chúng ta tổ chức Lễ tuyên dương này, cũng là dịp để khẳng định rằng, chính sách an sinh xã hội chăm lo cho người dân vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài và là trách nhiệm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội".

"Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo "phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, xây dựng hệ thống chính sách xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững; phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, đoàn kết "tương thân, tương ái" của dân tộc Việt Nam", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh thêm.

Những tấm gương sáng là “ngọn lửa” thuần khiết hiện thực hóa ước mơ của nhiều mảnh đời bất hạnh - Ảnh 9.

Cuộc “hội ngộ” cảm động của “ông Bụt” giữa đời thường Nguyễn Trung Chắt và những "đứa con" ông nuôi dạy, cho ăn học nay đã trưởng thành

Cuộc "hội ngộ" cảm động của "ông Bụt" giữa đời thường

Là tấm gương sáng được mời lên giao lưu chia sẻ tại chương trình, ông Nguyễn Trung Chắt (ở Lạng Sơn) đã làm được những chuyện khó tin, một mình xây dựng 3 trung tâm bảo trợ xã hội và nuôi dạy gần 300 đứa trẻ bất hạnh. Với tấm lòng yêu thương dành cho trẻ đó, được gọi là ông Bụt giữa đời thường.

Tất cả những đứa trẻ ông Chắt nuôi dạy đều được cho học hết lớp 12, học nghề. Những em có khả năng được học lên đại học, cao đẳng và hơn 40 em đã có trình độ này. Tận tâm, kỳ công nuôi dạy, ông Chắt đã thay đổi số phận cho nhiều người, thậm chí hồi sinh cho nhiều cuộc đời.

Món quà bất ngờ nhất đối với ông, và lan tỏa sự xúc cảm, khắp hội trường lặng đi khi xuất hiện tại chương trình nhiều gương mặt, những "đứa con" đã trưởng thành từ mái ấm "Hy vọng" của ông.

Những tấm gương sáng là “ngọn lửa” thuần khiết hiện thực hóa ước mơ của nhiều mảnh đời bất hạnh - Ảnh 10.

Các đại biểu tham dự Lễ Tuyên dương những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng

"Tôi đã cố gắng nuôi các con đủ ăn đủ mặc. Hôm nay thì thực sự bất ngờ, cảm động vì thấy các con mặc áo dài. Tôi rất tiếc vì chưa từng may được cho các con những tấm áo dài trắng đẹp như vậy...", ông Chắt xúc động.

Cũng tại đây, những đứa con của ông tặng "cha" mình tấm thiệp viết lời cảm ơn và một chiếc áo sơ mi, với những lời sâu thẳm tự đáy lòng: "Trong suốt thời gian lớn lên tại mái ấm Hy vọng, chưa lần nào bác tự mua sắm cho mình thứ gì, mà chỉ luôn chăm lo cho chúng con, mua từ đôi tất, chiếc áo ấm trong mùa đông…"

Tinh thần thiện nguyện trong xã hội càng được khơi lên

Cũng tại chương trình, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại buổi lễ vinh danh những tấm gương thầm lặng vì cộng đồng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gửi lời tri ân tới 400 tấm gương thầm lặng đại diện cho hàng triệu trái tim nhân ái hết lòng vì cộng đồng có mặt tại buổi lễ tuyên dương trang trọng này.

Qua những thước phim, báo cáo tôn vinh tại chương trình, Phó Chủ tịch nước khẳng định tinh thần tương thân tương ái, tình yêu thương nồng ấm của người Việt Nam. Bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bối cảnh thiên tai, bão lũ kinh hoàng với miền Trung vừa qua, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, qua thử thách, lòng tốt, tinh thần thiện nguyện trong xã hội càng được khơi lên.

Những tấm gương sáng là “ngọn lửa” thuần khiết hiện thực hóa ước mơ của nhiều mảnh đời bất hạnh - Ảnh 11.

Toàn cảnh Lễ Tuyên dương " Những tâm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng"

Biểu dương, ghi nhận và trân trọng cảm ơn những tấm lòng vàng, những hoạt động thiện nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng người có công với cách mạng người cao tuổi trẻ em, người nghèo, người khuyết tật trên con đường hướng tới một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, Phó Chủ tịch nước hoan nghênh Bộ LĐ-TB&XH đã có sáng kiến tổ chức sự kiện này.

Ghi nhận sáng kiến tốt đẹp của Bộ LĐ-TB&XH trong thực hiện hoạt động phát triển nghề công tác xã hội, Phó Chủ tịch nước chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ của Bộ cũng như những tập thể, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động hôm nay.

Nhắc lại những điển hình tích cực về những tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người, hỗ trợ người khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau, Phó Chủ tịch nước mong tiếp tục lan tỏa những tấm gương này trong xã hội, để tạo nên tinh thần đoàn kết đã có truyền thống từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Trong khuôn khổ buổi lễ, Ban tổ chức đã tuyên dương nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trong công tác an sinh, phúc lợi xã hội cũng được vinh danh.

Đó là Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, vợ chồng ông Lê Văn Kiểm - nguyên Ủy viên Ban thường vụ Hội Cựu chiến binh Việt Nam, bà Trần Cẩm Nhung - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành. Vợ chồng doanh nhân cựu chiến binh Lê Văn Kiểm đã đóng góp 1.300 tỷ cho các hoạt động công tác xã hội.

Tại chương trình, Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng Văn phòng Chủ tịch nước Lương Hồng Quang đã công bố quyết định tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động cho các tập thể, cá nhân.

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng là người trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho vợ chồng ông Lê Văn Kiểm, bà Trần Cẩm Nhung.

Trước đó, vào sáng nay 28/11, 400 đại biểu đã vào Lăng viếng Bác và tham quan Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Và chiều qua 27/11, tại Văn phòng Chính phủ, 50 đại biểu tiêu biểu đại diện 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng đã có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng.

Tại cuộc gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, "50 tấm gương tiêu biểu đại diện cho 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng đều là những câu chuyện cổ tích, tấm gương sáng của đất nước".

"Họ chính là vốn quý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta...", Thủ tướng nói và hoan nghênh Bộ LĐ-TB&XH lần đầu tiên tổ chức chương trình giàu tính nhân văn: "Bộ cần thường xuyên tổ chức sự kiện này, để những tấm gương tỏa sáng hơn nữa ngoài xã hội".

Trong 400 đại biểu tiêu biểu về dự lễ Tuyên dương có 197 đại biểu là nữ, 8 đại biểu từ 70 tuổi trở lên, 4 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 50 đại biểu là người khuyết tật, 20 đại biểu là các cá nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội;

100 đại biểu là những nhân viên phục vụ trong lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc các đối tượng tại các trung tâm, cơ sở điều trị và người yếu thế, 300 đại biểu là những người dân, không giữ chức vụ lãnh đạo, đang sinh sống và làm việc trên mọi miền đất nước.

Trong khuôn khổ Lễ tuyên dương, 50 cá nhân tiêu biểu nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 350 cá nhân tiêu biểu nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.





Thanh Nhung - Chu Lương - Vân Khánh (Ảnh: M.Dũng - D.Trí)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh