THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:58

Những tấm gương bình dị mà cao quý trong đại dịch

Tấm lòng của Mẹ

Trong những ngày cả nước cùng chung tay chống dịch COVID-19, hình ảnh một cụ bà với mái tóc bạc trắng, đôi bàn tay nhăn nheo và tấm lưng còng hàng ngày ngồi trên bàn máy, mõ mẫm từng đường kim mũi chỉ cặm cụi may từng chiếc khẩu trang vải đã khiến cho người dân, cộng đồng mạng vô cùng xúc động và thán phục. Đó chính là hình ảnh mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (95 tuổi) ở phường 5, quận Gò Vấp, Tp HCM.

Theo mẹ Quýt, khi dịch COVID-19 bùng phát, không chỉ TP Hồ Chí Minh mà cả nước đều khan hiếm khẩu trang, nhiều người nghèo không có tiền để mua. Ngoài ra, sau khi nghe Nhà nước kêu gọi mỗi người dân góp một chút sức vào công tác phòng chống dịch bệnh, dù nhiều hay ít, cùng đồng hành với Nhà nước, mẹ Quýt đã miệt mài tham gia phong trào may khẩu trang tặng cho người nghèo mà Hội phụ nữ của Phường 5 của quận Gò Vấp phát động.

Những tấm gương bình dị mà cao quý trong đại dịch - Ảnh 1.

Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt may khẩu trang ủng hộ phòng chống dịch Covid -19.

"Người ta có điều kiện thì góp tiền, mình không có tiền thì đóng góp bằng công sức để cùng Nhà nước tham gia chống lại dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, tham gia may khẩu trang kháng khuẩn phát cho người nghèo mẹ thấy rất ý nghĩa nên mẹ tự nguyện xin tham gia", mẹ Quýt nói.

Vào mỗi buổi sáng, mẹ lại cặm cụi bên xấp vải, tỉ mẩn vẽ, cắt để chuẩn bị may những chiếc khẩu trang kháng khuẩn. Mặc dù đôi mắt của mẹ không còn tinh tường, nhưng mẹ bảo "mẹ may bằng kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề nên các đường kim mũi chỉ vẫn đi theo hướng mẹ muốn. Dù không đẹp bằng các bạn trẻ may, nhưng kinh nghiệm chắc chắn không ai bằng mình", mẹ Quýt tâm sự.

Chia sẻ về việc làm của mình mẹ cho biết: "Gia đình mẹ đã không tiếc máu xương cống hiến cho Tổ quốc trong kháng chiến giành độc lập, tự do. Hôm nay Đảng, Nhà nước kêu gọi toàn dân cùng chung tay chống dịch bệnh bằng khả năng của mình. Mẹ biết may nên mẹ góp sức bằng cách tham gia làm khẩu trang. Mẹ rất vui vì bản thân mình còn có thể giúp ích được cho mọi người".

Được biết, ngoài may khẩu trang trong đợt này, suốt 21 năm qua, mẹ Quýt vẫn đều đặn hằng ngày may chăn mền tặng các vùng khó khăn. Số chăn mền do tự tay mẹ Quýt may tặng miễn phí cho các chương trình thiện nguyện khắp cả nước trong ngần ấy năm là không thể đếm xuể.

Còn Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chi (91 tuổi, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã ủng hộ hết số tiền 5 triệu đồng dành dụm được để chống dịch Covid-19.

Được biết, mẹ Lê Thị Chi quê ở Thăng Bình (Quảng Nam), có chồng và con trai cả hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Bản thân mẹ cũng từng nuôi giấu bộ đội, vận chuyển lương thực cho du kích và nhiều lần bị giặc bắt tra tấn dã man. Mẹ Chi làm ruộng, một mình nuôi 4 người con trưởng thành. Về già, mẹ ở với người con gái út, cùng phụ giúp chăm sóc đứa cháu 31 tuổi bị bệnh động kinh.

Những tấm gương bình dị mà cao quý trong đại dịch - Ảnh 2.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chi (91 tuổi, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã ủng hộ hết số tiền 5 triệu đồng dành dụm được để chống dịch Covid-19.

Mẹ Chi cho biết, vào tối 24/3, khi ngồi xem tivi mẹ thấy tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam diễn biến phức tạp và biết có quỹ ủng hộ phòng chống dịch, mẹ liền vào tủ áo quần lục lấy chiếc bọc bằng vải ra ngồi đếm số tiền mình đã dành dụm được bấy lâu nay. Đây là số tiền Mẹ được con cháu mừng tuổi dịp Tết và tiết kiệm hàng tháng. Sáng 25/3, Mẹ Lê Thị Chi nhờ người nhắn bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch UBMTTQVN phường Thanh Bình tới nhà lấy số tiền này ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19.

"Người ta ủng hộ phòng chống dịch đến mấy tỷ đồng, mẹ già ủng hộ chỉ có 5 triệu đồng góp vô thì có đáng là chi đâu. Khi mẹ khó khăn có Nhà nước chăm lo cho mẹ, giờ có thì mình ủng hộ lại. Mong mọi người vượt qua khó khăn này", mẹ Lê Thị Chi cho hay.

Hay mẹ liệt sĩ Phạm Thị Mong, 96 tuổi, trú tại thôn 1, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, Nam Định) đã dùng tiền trợ cấp mua đồ phòng hộ, khẩu trang ủng hộ chống dịch. Do tuổi cao, cụ Mong không đến được trực tiếp, ủy quyền cho con cháu mang quần áo bảo hộ tới Trung tâm Y tế huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) trao tặng.

Người thân trong gia đình cụ Mong cho biết, những ngày qua, theo dõi diễn biến tình hình dịch COVID-19, như nhiều người, cụ Mong rất lo lắng. Cùng với động viên con cháu thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, cụ đã bàn với con cháu và quyết định dùng 50 triệu đồng tiết kiệm trong nhiều năm từ tiền nhà nước trợ cấp cho thân nhân liệt sĩ để mua 200 bộ trang phục bảo hộ và khẩu trang tặng các y, bác sỹ của Trung tâm Y tế huyện Ý Yên đang làm công tác phòng chống dịch.

Đại diện UBND xã Yên Quang, hoàn cảnh gia đình của cụ Mong ở mức trung bình, số tiền tiết kiệm 50 triệu đồng trên là tài sản lớn nhất và cũng là toàn bộ tài sản của cụ Mong.

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, người mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Ba (sinh năm 1933, trú tại thôn Kỳ Phong, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) đã mang 5kg gạo đến khu vực cách ly để ủng hộ địa phương trong phòng chống dịch. Hình ảnh người mẹ liệt sĩ cập kề tuổi 90 còng lưng xách 5kg gạo đi bộ đến ủng hộ khu cách ly khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt.

Món quà từ trái tim

Song hành cùng các mẹ nhiều vợ liệt sĩ, thương, bệnh binh có hoàn cảnh cũng không mấy dư dả cũng đã gửi gắm đến "tuyến đầu" chống dịch những món quà. Có thể về vật chất món quà không quá lớn, nhưng đó là cả tấm lòng đáng trân quý, là nguồn cổ vũ, khích lệ tinh thần trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng cụ bà 100 tuổi, là vợ liệt sĩ, vẫn dành số tiền mình tiết kiệm được để đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc làm ý nghĩa của cụ bà Lê Thị Sen (SN 1920, trú tại thôn Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) khiến nhiều người xúc động.

Những tấm gương bình dị mà cao quý trong đại dịch - Ảnh 3.

Bức thư của cụ Sen được Bí thư Chi bộ thôn viết hộ.

Được biết cuộc sống của cụ cũng chưa dư giả, cụ hàng ngày sống thanh đạm, giản dị cùng con cháu. Vì đã già yếu, không viết chữ được, cụ Sen nhờ ông Lê Xuân Thủy - Bí thư Chi bộ thôn Bích La Đông - viết hộ vài dòng để biểu đạt tâm ý của mình.

Chỉ với những dòng chữ ngắn ngủi, cụ Sen bày tỏ: Khi được xem và nghe tin tức về diễn biến dịch Covid-19, dưới sự điều hành của Chính phủ và sự chung tay của toàn xã hội, cụ cảm động trước sự hy sinh, đóng góp của lực lượng quân đội, công an và đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch. Tất cả vì sự sống và sức khỏe của nhân dân.

Cụ Sen cũng nói rằng, bản thân cụ từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chồng cụ đã hy sinh cho kháng chiến. Nay cụ tuổi đã già, sống nhờ vào sự giúp đỡ của con cháu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, với tinh thần "của ít lòng nhiều", cụ Sen đã quyết định đóng góp 1 triệu đồng để chung sức cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19.

"Nếu dịch còn dài tôi sẽ tiếp tục ủng hộ, của ít lòng nhiều, nhưng đó là tấm lòng của người lính Cụ Hồ như chúng tôi" – Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Vân ở phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An sau khi quyên góp hết 1 tháng tiền trợ cấp thương binh nặng của mình cho phường để phòng, chống Covid-19.

Sinh năm 1947, năm 1965 ông Trần Văn Vân tình nguyện nhập ngũ lên đường bảo vệ tổ quốc, năm 1971 trong một trận đánh ác liệt ở mặt trận chiến đấu Nam Lào ông đã bị thương mất một chân. Tháng 6/1975 vì không thể tiếp tục cầm súng giết giặc ông đã xin xuất ngũ phục viên trở về quê hương với tỷ lệ thương tật hạng 2/4.

Sau khi trở về quê hương mỗi tháng ông đều được nhận tiền trợ cấp thương binh nặng. Không chấp nhận cuộc sống nghèo khó, ông cùng vợ và 4 đứa con lại tiếp tục lăn lộn với nhiều công việc để cải thiện cuộc sống, nuôi các con ăn học, đóng góp cho quê hương. Đến nay, cuộc sống gia đình ông cũng đã tạm ổn, các con của ông đều đã trưởng thành, có gia đình, nhà cửa ổn định.

Những tấm gương bình dị mà cao quý trong đại dịch - Ảnh 5.

Ông Trần Văn Vân ủng hộ một tháng tiền trợ cấp thương binh để phòng chống dịch.

Ông chia sẻ: "Toàn thế giới đang phải chung tay trước đại dịch Covid-19, dịch bệnh này đã lấy đi mạng sống biết bao nhiêu người, tôi cảm thấy rất lo lắng vì giặc còn biết để mà đánh còn dịch thì chẳng biết chỗ nào mà đánh". Chính vì vậy, ngay sau khi nhận được thông báo của Mặt trận Tổ quốc phường Nghi Hòa, ông đã viết đơn tình nguyện, dùng số tiền trợ cấp thương binh là 3.350.0000 đồng để ủng hộ cho những người đang ngày đêm chống dịch ở tuyến đầu.

Chia sẻ về những nghĩa cử cao đẹp này, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong giai đoạn khó khăn của công tác phòng chống dịch bệnh, nghĩa cử nhân ái của những người cao tuổi, của các mẹ Việt Nam Anh hùng, vợ liệt sĩ, thương, bệnh binh… đã cho chúng ta thấy được những việc làm có ý nghĩa, thấy được tinh thần đoàn kết của nhân dân đang được khơi dậy mạnh mẽ.

Hơn lúc nào hết chúng ta hiểu rằng, chỉ khi đối diện với những khó khăn vất vả, những thử thách do dịch bệnh, thiên tai gây ra thì sự chia sẻ dù ít hay nhiều vẫn luôn là điều đáng quý, đáng trân trọng nhất. Và chính những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp này sẽ là động lực để nhân dân cả nước đồng tâm, hiệp lực đẩy lùi dịch bệnh.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh