CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:07

Những quyết sách vì dân, chưa có tiền lệ

Quốc hội, Chính phủ đồng hành xử lý những vấn đề cấp bách

Nhìn lại năm đầu tiên của Quốc hội khóa XV có thể nhận thấy một thông điệp cũng như hành động mạnh mẽ, xuyên suốt là “chủ động từ sớm, từ xa” và như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, không để xảy ra tình trạng "bắc nước chờ gạo người". Chính điều đó giúp công tác lập pháp của Quốc hội chuyển từ trạng thái bị động, phụ thuộc nhiều vào cơ quan trình, sang chủ động dẫn dắt thực hiện quyền lập pháp, kiểm soát quy trình lập pháp.

Không nặng về “xuân thu nhị kỳ”, Quốc hội sẵn sàng họp, xem xét những vấn đề cấp bách liên quan đến quốc kế dân sinh và Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khóa XV đã cho thấy điều đó.

Một trong những quyết định quan trọng nhất của Quốc hội trong năm 2021 chính là việc thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ Nhất, ngày 28/7/2021, trong đó Quốc hội đồng ý trao một số quyền cho UBTV Quốc hội, căn cứ vào từng nhiệm vụ cụ thể sẽ cho phép Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, giải quyết nhanh những vấn đề có thể chưa có quy định của luật, nhưng cần thiết để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân.

Điều đó thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nhận được sự đánh giá cao của các cấp, ngành, cử tri cả nước và dư luận trong Liên minh nghị viện các nước ASEAN.

 Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các đại biểu trao đổi bên hành lang Kỳ họp bất thường của Quốc hội

Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các đại biểu trao đổi bên hành lang Kỳ họp bất thường của Quốc hội

Còn nhớ, ngay sau khi Nghị quyết số 30 được ban hành, lãnh đạo Quốc hội, UBTV Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực vào cuộc để xử lý các yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch theo yêu cầu. 9 ngày sau, chiều 6/8, Chủ tịch Quốc hội đã triệu tập UBTV họp bất thường cho ý kiến về các quy định khác luật trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Ngay tối hôm đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 268 cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 86 trên cơ sở được thực hiện 4 quy định khác luật, kịp thời triển khai các nhiệm vụ cấp bách, mở đường, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch Covid-19.

Và chỉ hơn 1 tháng sau, Chủ tịch Quốc hội lại chủ trì phiên họp bất thường của UBTV để đưa ra những chính sách chưa từng có liên quan đến phòng, chống dịch khi cho ý kiến về việc ban hành chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với người lao đông (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, UBTV Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt, khác với quy định của luật hiện hành, tập trung vào việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, như miễn, giảm thuế  với tổng mức khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng; cho phép chuyển 14,62 nghìn tỷ đồng  từ cắt giảm, tiết kiệm chi vào dự phòng ngân sách trung ương để ưu tiên sử dụng cho phòng, chống dịch Covid-19; chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vaccine phòng, chống dịch Covid-19…

Gói hỗ trợ và phục hồi kinh tế lớn nhất trong lịch sử: Củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp

Ngay những ngày đầu tháng 1/2022, kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV lần đầu tiên được tổ chức đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô lớn chưa từng có, gần 350 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết này có hiệu lực đến hết năm 2023. Riêng chính sách tài khóa về đầu tư phát triển và các chính sách tài khoá khác được áp dụng cho năm ngân sách 2022 - 2023.

Việc thực hiện các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ cho phục hồi kinh tế lần này nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 6,5 - 7%; lạm phát dưới 4%, ổn định vĩ mô và các cân đối lớn nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Theo Nghị quyết, gói giải pháp tài khoá gồm miễn, giảm thuế phí, đầu tư phát triển và một số chính sách tài khoá khác. Trong đó, riêng chính sách tăng chi cho đầu tư, phát triển (y tế, an sinh xã hội, việc làm, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...) từ nguồn ngân sách là 176 nghìn tỷ đồng trong 2 năm (2022 - 2023).

Chính sách tài khoá cũng gồm khoản chi cho miễn giảm thuế, trong đó giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có mức thuế suất 10%, trừ lĩnh vực viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng, khai khoáng...

Chính sách tiền tệ sẽ tập trung giải pháp để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ lãi suất, tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 - 1% trong 2 năm; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất vay với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục được tái cấp vốn để cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ sử dụng tối đa 46 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch. Gói hỗ trợ lần này cũng gồm khoảng 10 nghìn tỷ đồng từ các quỹ ngoài ngân sách như Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ phát triển khoa học, công nghệ...

Cũng tại Nghị quyết này, Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù trong năm 2022 - 2023. Theo đó, Thủ tướng và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chỉ định thầu với các gói tư vấn, gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, các dự án hạ tầng quan trọng về giao thông, y tế. Thủ tướng quyết định cho UBND các địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý làm các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn, trừ dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025.

Theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội các khóa IX, XII, XIII, đây là sự nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ và Quốc hội nhằm hình thành hệ thống các giải pháp đồng bộ thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Những nội dung mà Quốc hội đã quyết định trên cơ sở đề xuất của Chính phủ lần này phản ánh được yêu cầu thực tế mà nền kinh tế đặt ra.

Cũng theo TS. Trần Du Lịch, tất cả những nội dung của gói hỗ trợ này sẽ được triển khai theo tinh thần Nghị quyết 01 mà Chính phủ vừa ban hành, tạo cơ sở pháp lý để những giải pháp Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết 01 có thể đi vào cuộc sống thuận lợi hơn và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 6 - 6,5%. Nếu nhìn xa hơn cho những năm còn lại của cả kế hoạch 5 năm  (2021 - 2025), theo ông Trần Du Lịch, gói hỗ trợ này sẽ có tác động giúp chúng ta thực hiện được những mục tiêu kinh tế - xã hội cho các năm còn lại mà không phải điều chỉnh kế hoạch.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh