CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:14

Những pha hạ cánh đáng sợ trong lịch sử hàng không

 

Chiếc tàu bay Airbus A321 của Hãng Hàng không Vietjet Air gặp sự cố tiếp đất tại sân bay Buôn Ma Thuột.

 

Mới đây, vào tối ngày 29-11, chiếc tàu bay Airbus 321 mang số hiệu VJ 356 của Hãng Hàng không Vietjet Air chở 207 khách khởi hành từ Sài Gòn đi Buôn Ma Thuột đã gặp sự cố trong quá trình tiếp đất tại sân bay Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Trước tình hình khẩn cấp, phi hành đoàn lập tức phát thông báo khẩn cấp yêu cầu toàn bộ hành khách bỏ lại hành lý, thoát ra ngoài qua cửa thoát hiểm và phao trượt.

Sau khi xảy ra vụ việc, phía sân bay và các đơn vị liên quan đã tiến hành khắc phục sự cố đồng thời kiểm tra để làm rõ nguyên nhân. Đại diện Cục Hàng không Việt Nam xác nhận, hai bánh trước của máy bay gặp sự cố trong quá trình hạ cánh, phải dừng lại an toàn trên đường cất hạ cánh.

Đã có rất nhiều sự cố tương tự hay có những tình tiết khá giống với sự cố của Vietjet Air vừa xảy ra trong lịch sử ngành hàng không. Hãy điểm lại một số sự cố này:

Từ hỏng càng, mất bánh...

Ngày 28-8 vừa qua, chiếc tàu bay Airbus 320 của Capital Airlines khởi hành từ Bắc Kinh (Trung Quốc) gặp sự cố trong quá trình chuẩn bị hạ cánh ở Macau, bởi một cơn gió mạnh khiến bộ phận hạ cánh trước máy bay bị hỏng nặng. Các mảnh vỡ bay vào trong động cơ và phi công phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay ở Thâm Quyến cách đó 40km mà không có bánh trước. 

Sự cố khiến 5 hành khách bị thương nhẹ trong số 157 hành khách và phi hành đoàn. Các đoạn video tại hiện trường cho thấy mọi người phải thoát khỏi máy bay qua các phao trượt khẩn cấp tại sân bay ở Thâm Quyến. Sự việc cũng đã khiến nhiều chuyến bay khác bị lùi giờ khởi hành.

Tháng 5-2018, chiếc tàu bay chở khách cỡ lớn A-330-200 của Hãng Hàng không Saudi Arabia có hành trình bay từ Medina tới Dhaka đã gặp một sự cố hy hữu xảy khi hạ cánh. Cụ thể, chiếc máy bay này đã "hạ cánh cứng" (hard landing) tại Jeddah mà không có bộ phận càng máy bay.

Theo báo cáo, càng đáp phía trước của máy bay đã bị kẹt và không thể bung ra, khiến cho chiếc phi cơ không thể tiếp đất một cách thông thường. Sau khi cố gắng tìm mọi cách khắc phục sự cố nhưng không thành công, cơ trưởng đã buộc phải thực hiện cú hạ cánh khẩn cấp bằng bụng, hạ cánh “cứng” xuống sân bay Jeddah sau khi lượng vòng vòng suốt nhiều giờ và đã xả hết nhiên liệu ra ngoài để tránh phát nổ.

Vào tháng 3-2016, chiếc máy bay Fokker 100 của Hãng Hàng không Kazakhstan Bek Air khởi hành từ Kyzylorda, trong lúc chuẩn bị hạ cánh tại sân bay quốc tế Astana, phi công đã nhận ra các bánh xe phía trước bị hỏng. Sau khi xem xét, cơ trưởng quyết định tiếp đất mà không cần bộ phận hạ cánh phía trước.

Sau khi nhận được tin tức sự cố, các nhân viên sân bay bao phủ đường băng với bọt xà phòng để giảm thiểu ma sát. Chiếc máy bay hạ cánh xuống trễ hơn khoảng 45 phút so với dự kiến sau khi bay vài vòng quanh sân bay.

Tất cả 116 hành khách và năm thành viên phi hành đoàn trên máy bay Bek Air đã hạ cánh an toàn và không có chấn thương gì.

...đến cửa buồng lái bị vỡ, mảng mái bị xé tung hay sườn thủng lỗ

Cũng trong tháng 5-2018, chiếc tàu bay Airbus A319 mang số hiệu 3U8633 của Hãng Hàng không Sichuan Airlines (Trung Quốc) đang trên hành trình nội địa từ Trùng Khánh tới tỉnh Lhasa, Tây Tạng thì buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Thành Đô sau khi cửa sổ buồng lái bên phải bất ngờ bị rơi khỏi chiếc phi cơ đang ở độ cao 10.000 m.

Sự cố khiến một cơ phó bị hút ra ngoài cùng với một số bộ phận của hệ thống điều khiển, may mắn dây an toàn của cơ phó buộc chặt. Rất may, sau 20 phút gặp sự cố chiếc máy bay hạ cánh an toàn.

Vào ngày 2-2-2016, chuyến bay mang số hiệu D3159 của Hãng Hàng không Daallo (Somalia) đã phải hạ cánh khẩn khi một vụ nổ nghi do bom làm thủng một lỗ lớn bên sườn phải máy bay chỉ sau năm phút cất cánh từ sân bay quốc tế Aden Adde ở Mogadishu.

Các hành khách trên chuyến bay từ Somalia tới Djibouti đã nháo nhào tá hỏa khi một tiếng nổ bất ngờ vang lên làm thủng một lỗ lớn trên máy bay khi nó đang ở độ cao vài ngàn mét so với mặt đất.

Sau tiếng nổ, khi lửa và khói bắt đầu phủ kín khoang hành khách, cơ trưởng đã bình tĩnh điều khiển, đáp máy bay khẩn cấp xuống sân bay ở Raas Cabaad.

Đoàn cứu hộ khẩn cấp trên mặt đất kinh hoàng nhận thấy một lỗ thủng lớn trên thân máy bay phía bên phải, ngay sau cửa R2. Rất may là mọi hành khách đều thoát chết sau vụ việc.

Xa hơn nữa, vào năm 1988, một chiếc tàu bay Boeing 737 của Hãng Hàng không Aloha Airlines chở 90 người trên khoang, đang trên đường tới Honolulu ở độ cao 7,3km, khi một mảng mái máy bay tung ra.

 

Boeing 737 của Hãng Hàng không Aloha Airlines gặp sự cố mất mái.

 

Vụ nổ áp suất đã xé tung một mảng lớn hơn của mái, hút nữ tiếp viên 57 tuổi từ ghế ra ngoài máy bay. May mắn là tất cả các hành khách còn lại đều thắt dây an toàn, và phi công Robert Schornstheimer đã hạ cánh thành công 13 phút sau, đảm bảo không có thêm hành khách nào thiệt mạng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh