Những ông chồng châu Á tình nguyện làm nội trợ để vợ đi kiếm tiền
- Y học 360
- 17:33 - 22/09/2019
Hàn Quốc
Tháng 7/2019, nữ nghị sĩ Sim Sang-jung đã vượt qua đối thủ là cựu Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Dân chủ Yang Kyung-kyu để trở thành lãnh đạo mới của đảng Công lý. Bà Sim từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban đặc biệt cải cách chính trị thuộc Quốc hội, đóng vai trò chủ đạo trong quá trình thảo luận sửa đổi cơ chế bầu cử. Do đó, tân Chủ tịch đảng Công lý cam kết sẽ hoàn thiện quá trình cải cách cơ chế bầu cử trước thềm tổng tuyển cử năm sau.
Bà là một hình mẫu điển hình cho việc có chồng ủng hộ việc nhà ở Hàn Quốc. Chồng bà là ông Lee Seung Ba từng tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul và có nhiều bằng cấp cao. Khi vợ tham gia chính trường năm 2004, ông bắt đầu dừng hoạt động kinh doanh và quyết định làm "hậu phương" cho vợ. Ông Lee từng muốn học Đông y nhưng nghĩ rằng đó không phải thời điểm thích hợp để bắt đầu một điều gì mới.
"Những người hàng xóm đã biết tôi lâu năm đều khuyên tôi tranh cử vào Quốc hội. Tôi có thể làm việc đó khi còn độc thân. Nhưng giờ, tôi muốn trở thành hậu phương vững chắc để vợ mình có thể tập trung cho sự nghiệp", ông Lee chia sẻ.
Tại Anh và Mỹ, việc đàn ông ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái, trong khi vợ đi làm kiếm tiền nuôi gia đình đã trở thành điều hết sức bình thường trong những năm qua. Phụ nữ thậm chí còn "đánh bại" đàn ông trong thị trường việc làm khi 38% nữ lao động Mỹ được trả lương cao hơn nam giới.
Xu hướng này đang ngày càng được lan rộng đến các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Theo Bộ Lao động Hàn Quốc, hiện cứ 10 người làm nội trợ thì có 1 người là đàn ông. Số nam giới xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con cái tăng 21%. Nhiều người sau khi chuyển sang làm nội trợ cho biết, công việc này thực chất còn đòi hỏi nhiều công sức hơn so với làm văn phòng và xứng đáng với mức lương trên 4.000 USD/tháng. Năm 2016, theo Cục Thống kê Hàn Quốc, 160.000 đàn ông quyết định ở nhà và trở thành nội trợ toàn thời gian.
Trung Quốc
Trong văn hóa của người Trung Quốc, đàn ông nên là trụ cột của gia đình, trong khi việc chăm sóc trẻ em và nhà cửa là nghĩa vụ của người phụ nữ. Tư tưởng này đã có từ rất lâu đời và đã in hằn sâu sắc lên văn hóa cuộc sống của người Trung Quốc.
Song, ngày càng nhiều cơ hội việc làm lương cao và có chuyên môn mở ra cho phụ nữ. Điều đó đã góp phần thay đổi quan điểm truyền thống lâu nay rằng đàn ông là người đi làm kiếm tiền, còn phụ nữ lo việc nhà. Nhiều người đàn ông Trung Quốc đã cởi mở hơn với ý tưởng trở thành những người nội trợ toàn thời gian như một sự thay đổi so với truyền thống từ trước tới nay.
Do đó, quan niệm trụ cột gia đình ở Trung Quốc dần “đổi ngôi” theo khi ngày càng nhiều người vợ ở Trung Quốc trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình, khái niệm "bà nội trợ toàn thời gian" đang dần thay đổi.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi China Youth Daily trong tháng 9 này cho thấy 52,4% nam giới được hỏi đã ủng hộ ý tưởng đàn ông có thể trở thành người nội trợ toàn thời gian. Tuy nhiên, con số ủng hộ thấp hơn ở phụ nữ, chỉ có khoảng 45,8% trong số họ ủng hộ ý tưởng này.
Một số người phụ nữ có chồng đã từ bỏ công việc của mình để ở nhà chăm sóc con cái thường được đánh giá cao những gì họ đã làm. Một người phụ nữ được hỏi nói rằng: "Tôi không nghĩ rằng một người đàn ông ở nhà là một thất bại trong cuộc sống. Sự hy sinh của anh ấy giúp tôi rất nhiều và tôi thực sự biết ơn sự hỗ trợ của anh ấy". Cô nói thêm rằng kiểu gia đình này sẽ ổn định hơn và mối quan hệ giữa vợ và chồng trở nên hài hòa hơn. Zhang Baoyi, giáo sư xã hội học tại Học viện Khoa học Xã hội Thiên Tân, cho biết, ông tin rằng thái độ sẽ thay đổi khi xã hội phát triển.
Thực tế là các ông bố sẵn sàng tham gia nhiều hơn vào cuộc sống của con cái. Điều đó cho thấy tâm lý truyền thống rằng "chồng lo việc nước, vợ lo việc nhà" đang thay đổi. Ông Zhang cũng nói rằng nhiều phụ huynh nói chung đang sẵn sàng ở nhà để chăm sóc trẻ em toàn thời gian vì họ đang ngày càng coi trọng việc giáo dục con cái hơn là kiếm tiền. Số lượng cha hoặc mẹ ở nhà toàn thời gian để chăm con đang ngày càng tăng. Ông Zhang cũng nói thêm, các cặp vợ chồng nên điều chỉnh mô hình gia đình theo điều kiện kinh tế và khả năng giáo dục con cái của mình.
Nhật Bản
Không chỉ ở Trung Quốc, hình ảnh người đàn ông làm việc nhà, chăm con đang ngày càng trở nên phổ biến tại Nhật Bản. Những quan niệm nặng nề về trách nhiệm của người phụ nữ đối với công việc gia đình đã tồn tại trong xã hội nước này từ xa xưa. Chính vì vậy, việc người đàn ông xin nghỉ việc một thời gian để chăm con có thể nói là một hiện tượng lạ ở đất nước này và đang ngày càng trở nên phổ biến.
Anh Shuichi (30 tuổi), kỹ sư hệ thống trong một công ty công nghệ ở Tokyo (Nhật Bản), chia sẻ rằng anh từng được chẩn đoán mắc Sarcoidosis, bệnh viêm lây lan nhanh chóng qua các cơ quan chính trong cơ thể, phải nằm liệt giường nhiều ngày liền. Khi ấy, nhận thấy chồng không có thu nhập bằng mình, đồng thời sức khỏe anh cũng không tốt, vợ của anh là Kiyoko đề nghị ra ngoài kiếm tiền, còn anh ở nhà tự chăm sóc bản thân, làm công việc nội trợ.
Shuichi trở thành ông bố bỉm sữa và lập hội gồm những người có cùng điểm chung như anh. Qua đó, ngày càng nhiều người dân Nhật Bản muốn phá vỡ khuôn mẫu xã hội liên quan tới phân chia việc nhà - việc cơ quan giữa vợ và chồng.