Những nhức nhối ở chốn nhà thương
- Sức khỏe
- 19:35 - 21/07/2015
Kỹ thuật trị xạ không thua gì Singapore.
Những tấm lòng thơm thảo
Trước nỗi bần cùng của hàng ngàn bệnh nhân bị mắc ung thư còn bị các đối tượng “cò” lừa, nhiều tổ chức từ thiện đã góp tiền và mua lương thực hàng ngày đến cho bệnh nhân lẫn người nhà. Có mặt ở Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy mỗi tuần có 3-5 tổ chức từ thiện luân phiên nhau vào động viên bệnh nhân hiểm nghèo. Anh Lê Văn Bảo ở tổ chức từ thiện Ước mơ xanh cho biết: “Thấy nhiều bệnh nhân đau đớn, giành giật sự sống hàng ngày mà còn không có tiền để ăn uống nên chúng tôi đứng ra thành lập nhóm từ thiện để hàng ngày đi vận động các mạnh thường quân đóng góp, bản thân mỗi người trong nhóm cũng tích cực mỗi tháng trích ra một ít tiền để mua đồ nấu ăn và mang đến tận bệnh viện, phát cho từng bệnh nhân và người nhà, mỗi tuần chúng tôi đến Bệnh viện Ung bướu phát một ngày”.
Cũng như nhóm Ước mơ xanh, nhóm Thiện tâm gồm các giáo viên, công nhân viên thuộc nhiều cơ quan trong thành phố cũng đã đi vận động khắp nơi để giúp cho các bệnh nhân ung thư trong bệnh viện ung bướu. Nguyễn Thị Linh Thư, thành viên của nhóm cho biết: “Mỗi tuần 2 lần chúng tôi đến phát cơm, phát cháo và sữa cho bệnh nhân và người bệnh. Có những bệnh nhân trước đó ăn cơm bụi 15 ngàn đồng/suất cũng không có đủ điều kiện nên thấy mà đau lòng lắm vì họ đang đối diện với bệnh hiểm nghèo. Trong nhóm chúng tôi có 40 người, mỗi người tự nguyện bỏ ra 1,5 triệu đồng/tháng để góp quỹ cho các bệnh nhân hiểm nghèo này”. Ngoài các tổ chức Ước mơ xanh, Thiện tâm và nhiều tổ chức khác thì nhiều ngôi chùa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng mang đến những suất cơm chay, những
cuốn Kinh phật nói về ý nghĩa cuộc sống để tiếp thêm sức mạnh cho các bệnh nhân chống chọi bệnh. Không chỉ có các tổ chức từ thiện mà nhiều cá nhân hàng ngày còn tự nguyện vào bệnh viện để tắm rửa, gội đầu và vệ sinh miễn phí cho các bệnh nhân nặng. Điều đó khiến nhiều bệnh nhân thêm ấm lòng.
Khao khát của vị bác sỹ đầu ngành
Là một chuyên gia phẫu thuật ung bướu đầu ngành, trao đổi với PV Báo LĐ&XH, bác sỹ Diệp Bảo Tuấn bày tỏ: “Khát vọng cháy bỏng trước mắt của tôi là làm sao mỗi bệnh nhân nặng khi nhập viện được nằm một giường, được phẫu thuật ngay”. Hiện tại, mỗi giường phải ghép hai bệnh nhân. Trong viện lúc nào cũng có trên 1.800 bệnh nhân nội trú và đang chờ mổ (chưa kể các bệnh nhân đang đau đớn chờ nhập viện). Đa số bệnh nhân vào bệnh viện này đều nghèo và sự sống không còn được bao lâu nên bác sỹ Tuấn cùng lãnh đạo bệnh viện liên tục kiểm tra, đôn đốc các bác sỹ khám chữa bệnh và không được nhận bất cứ quà cáp gì từ bệnh nhân. Ông Tuấn cho biết, chúng tôi thông báo đến từng phòng bệnh, bác sỹ nào có hành động bất nhã hay dấu hiệu tiêu cực, bệnh nhân cứ ghi tên lại, phản ánh lên lãnh đạo bệnh viện, sẽ xử lí ngay. Bác sỹ Tuấn cũng khát khao cơ sở 2 của bệnh viện (theo dự kiến xây ở quận 9, TP Hồ Chí Minh) nhanh chóng được các cấp chính quyền tiến hành xây dựng để tình trạng bệnh nhân khỏi khốn khổ, vất vưởng ngủ cầu thang, vỉa hè như hiện nay.
Còn một khát vọng khác nữa của ông Tuấn cũng như các bác sỹ trong bệnh viện là tất cả các ca phẫu thuật đều thành công, kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Chính thế nên bệnh viện đã nỗ lực đầu tư triển khai các kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại hóa trang thiết bị giúp việc chẩn đoán và điều trị được nhanh chóng và có hiệu quả. Đó là những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị như: cắt lạnh (sinh thiết tức thì); kỹ thuật hóa mô miễn dịch; nhũ ảnh có định vị; thực hiện xét nghiệm Her 2 Neu trong điều trị ung thư vú theo phương pháp FISH; phát huy nguyên tắc trị liệu đa mô thức; tái tạo vú sau phẫu thuật ung thư; máy xạ trị gia tốc Clinac 2300 C-D. Nhiều năm kinh nghiệm trong việc phẫu thuật các bệnh nhân ung thư, ông Tuấn đúc rút: “Đây là bệnh đặc biệt nên khi phẫu thuật cần độ chính xác cao. Hơn 70 bác sỹ mổ trong bệnh viện này liên tục được chúng tôi cho bồi dưỡng kiến thức nên tay nghề rất thuần thục, hầu như không xảy ra sai sót. Tôi cũng đặt ước vọng có thêm phòng mổ hiện đại hơn nữa (vì phòng mổ hiện đang thiếu) để giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân hơn”.
Hãy tự tin vào tương lai
Đó là lời nhắn nhủ của bác sỹ Diệp Bảo Tuấn tới các bệnh nhân ung thư. Lời nhắn nhủ của ông Tuấn hoàn toàn có cơ sở vì ngoài đội ngũ bác sỹ giỏi, bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật và sử dụng máy móc tiên tiến nhất thế giới vào điều trị. Bệnh viện đã có khu xạ trị gia tốc, là đơn vị sử dụng phóng xạ điều trị ung thư đầu tiên gồm 2 máy gia tốc hiện đại, hội tụ những thành tựu khoa học như máy Clinac 2300 C-D. Với máy này, lĩnh vực xạ trị ung thư của bệnh viện ngang bằng với các nước trong khu vực và thế giới như: Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… Ngoài 3 liệu pháp chuẩn để điều trị ung thư là phẫu trị, xạ trị và hóa trị, y học đã tiến tới các liệu pháp sinh học, liệu pháp nhắm trúng đích nên mở ra nhiều cơ hội điều trị cho người bệnh. Hiện tại, Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh đã trở thành bệnh viện hạng 1, với 1.400 giường nội trú, 4.000 giường ngoại trú và hơn 1.000 cán bộ y bác sĩ; 23 khoa lâm sàng - cận lâm sàng và 7 phòng chức năng. Bệnh viện đã được Bộ Y tế công nhận là trung tâm y tế chuyên sâu thuộc tuyến Trung ương về chuyên môn, kỹ thuật, giảng dạy và đào tạo. Hơn nữa, hiện nay, khoa ung bướu vệ tinh ở quận 2 (thuộc bệnh viện ung bướu TP. Hồ Chí Minh) cũng đã đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh cho các bệnh nhân ung thư.