THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:47

Những nhân vật quyền lực của thế giới năm 2014

Tổng thống Nga Putin

Năm 2014 đã chứng kiến sự cứng rắn của ông Putin trong hàng loạt các vấn đề, mà nổi bật nhất là việc sáp nhập bán đảo Crưm vào Nga. Quyết định trên đã đẩy quan hệ Nga - phương Tây vào thời kỳ băng giá nhất kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1990. Nhưng đây cũng là dịp cho thấy tài đáp trả, ứng biến trước những đòn trừng phạt từ phương Tây của ông Putin.

Ở tuổi 62, ông chủ điện Kremlin hiện như chìa khóa cho cuộc đối đầu có nguy cơ mở ra chiến tranh lạnh lần 2. Trước đó, vào đầu tháng 11/2014, Tạp chí Forbes của Mỹ cũng đã bình chọn ông Putin là nhân vật quyền lực nhất thế giới. Với những chính sách và động thái đáp trả của Mỹ và phương Tây, không những Nga, mà cả thế giới đang chịu những tác động mạnh mẽ, đó là sự khủng hoảng kinh tế và sự sụt giảm giá dầu trên toàn thế giới chưa từng thấy trong nhiều năm qua.

Phát biểu trong cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Putin từng tuyên bố việc giá dầu thế giới giảm cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ là động lực để nước này chuyển đổi cơ cấu. "Cuộc sống sẽ thúc đẩy chúng ta, bởi giá năng lượng giảm sẽ kích thích đầu tư vào các ngành nghề khác vốn bị bỏ mặc" - ông Putin hé mở hướng tháo gỡ khó khăn trong năm 2015.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Đứng thứ ba trong danh sách 72 người quyền lực nhất thế giới năm 2014 là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Kể từ khi lên làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2012 và nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013, ông Tập Cận Bình đang củng cố quyền lực ở một quy mô chưa có tiền lệ.

Cho đến nay, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, đã có hàng nghìn đảng viên bị điều tra, và đã có rất nhiều người bị xử lý do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”- cụm từ Trung Quốc hay dùng khi nhắc đến những quan chức có dấu hiệu tham nhũng. Điển hình là Chu Vĩnh Khang (71 tuổi), người từng nắm vị trí Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp Trung ương (2007 - 2012), với cáo buộc “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Trước đó, ông Chu Vĩnh Khang được xem là nhân vật không thể động đến, cho đến khi ông này bị đưa vào danh sách điều tra theo lệnh của ông Tập Cận Bình. Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng thông báo trong năm 2013 đã có 31 quan chức cấp cao bị điều tra, gồm có cả cựu Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh và ông Tưởng Khiết Mẫn, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước đồng thời là cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc. Chiến dịch “đả hổ” của ông Tập cũng không loại trừ quân đội.

Đầu tháng 4/2014, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Cốc Tuấn Sơn chính thức bị truy tố tội tham nhũng, biển thủ, lạm dụng công quỹ và lạm dụng quyền lực, trở thành sĩ quan cao cấp nhất phải đối mặt với tòa án quân sự nước này kể từ năm 2006. Sau đó gần 3 tháng, Tân Hoa xã đưa tin ông Từ Tài Hậu (71 tuổi), cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC), cựu ủy viên Bộ Chính trị, bị khai trừ đảng để điều tra tham nhũng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Ông Obama giữ vị trí số 1 liên tiếp kể từ 2009 (trừ năm 2010) cho đến khi bị  ông Putin “qua mặt” vào năm 2013. Forbes nhận định: Hướng đến nửa sau của nhiệm kỳ thứ 2, uy tín của ông Obama giảm dần do việc xử lý hàng loạt vấn đề như dịch Ebola ở Tây Phi, chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Theo Forbes, Tổng thống Mỹ "nắm giữ quyền lực nhưng đôi khi quá thận trọng để chứng tỏ sức mạnh toàn diện" và cũng không có nhiều quyền hành tập trung trong tay bằng ông Putin. Bất chấp tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ năm 2014 đạt 2,6%, khá hơn so với EU, Nhật Bản và tỷ lệ thất nghiệp vào thời điểm cuối năm là 5,8%, thấp nhất trong 6 năm qua. Tuy nhiên, thành tích kinh tế của ông Obama vẫn bị đánh giá là khiêm tốn và bị chỉ trích dữ dội nhất so với các bảng đánh giá tổng thống thường niên kể từ sau năm 2001 trở lại đây.

Nước Mỹ năm 2014 chứng kiến sự trở lại của bóng ma phân biệt chủng tộc. Cái chết của một thanh niên da đen do bị cảnh sát da trắng bắn, đã làm bùng lên hàng loạt cuộc biểu tình tại hàng chục thành phố của nước Mỹ. Họ phản đối các hành vi bạo lực của cảnh sát cũng như không chấp nhận phán quyết cảnh sát vô tội của Tòa án.

Làn sóng chỉ trích gay gắt còn bùng nổ ở cả trong nước và quốc tế sau vụ Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ công bố bản báo cáo mô tả chi tiết các biện pháp thẩm vấn tàn bạo của các sĩ quan Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) đối với các nghi can khủng bố bị bắt sau vụ tấn công 11/9/2001.Có thể nói, việc tuyên bố lịch sử bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba chỉ là điểm sáng le lói giữa bầu không khí u ám, bế tắc cả về vấn đề đối nội lẫn đối ngoại của nước Mỹ trong năm 2014.

Đức Giáo hoàng Francis

Được lựa chọn làm Giáo hoàng năm 2013, Hồng y Jorge Bergoglio được xem là vị Giáo hoàng có phong cách giản dị, gần gũi. Mặc dù chỉ mới lên lãnh đạo Giáo hội Công giáo chưa lâu nhưng trong hai năm liên tiếp 2013 và 2014, ông được Tạp chí Forbes xếp hạng ở vị trí thứ 4 trong số những nhân vật quyền lực nhất thế giới.

Còn Tạp chí Time bình chọn ông là nhân vật của năm 2013. Ông đã lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ các tín đồ Cơ đốc giáo tại Trung Đông, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo tinh thần của người Hồi giáo lên án bạo lực thánh chiến.

Đức Giáo hoàng Francis I đã có một năm hoạt động không ngừng nghỉ, nhằm hàn gắn những chia rẽ giữa các tôn giáo và thậm chí là bất đồng của các quốc gia. Giáo hoàng Francis trong các phát biểu của mình cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết về hòa giải và đối thoại giữa các tôn giáo, cũng như lên án những ai nói rằng: “Tất cả những tín đồ Hồi giáo đều là kẻ khủng bố”.

Cuối năm 2014, với sự kiện Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ sau hơn 5 thập kỷ đối đầu, một nghị sĩ Mỹ đã tiết lộ vai trò “rất quan trọng” của Giáo hoàng Francis I trong các cuộc hội đàm bí mật giữa hai bên. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel

Bà Merkel được bầu làm lãnh đạo nữ đầu tiên tại Đức vào năm 2005 và 9 lần có tên trong bảng xếp hạng của tạp chí Forbes 10 năm qua. Thủ tướng Đức Angela Merkel lần thứ 4 liên tiếp nắm giữ vị trí người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bà Angela Merkel là người phụ nữ đã làm thay đổi chính trường nước Đức, bất chấp những rào cản trong lĩnh vực dường như chỉ dành cho đàn ông.

Dưới sự lãnh đạo của nữ chính trị gia này, kinh tế Đức vẫn phát triển ổn định trong lúc nhiều nền kinh tế lớn của châu Âu đang lao đao. Hiện nay bà là nhân vật có tiếng nói quan trọng hàng đầu trong Liên minh châu Âu. Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá rất cao khả năng của bà Merkel. Hai chính trị gia có thể thoải mái trò chuyện bằng cả tiếng Đức và tiếng Nga.

Rất nhiều đồng nghiệp nam khác cũng tỏ ra ngưỡng mộ và kính nể người đứng đầu nước Đức.   

Thành Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh