THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:43

Những người nối nhịp cầu vui

 

Gần nửa đời người đi xin tiền để... làm cầu

Xóm Vạn Buồng (thuộc thôn Phú Bông, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vốn được ví như một ốc đảo nghèo, quanh năm bốn bề bị chia cắt bởi sông Thu Bồn. Người dân nơi đây đa phần sống bằng nghề nông, gặp khó khăn trong cả cuộc sống lẫn giao thương. Để đến được những vùng khác trong thôn, người dân Vạn Buồng phải đi  ghe, thuyền nhỏ, cứ thế lênh đênh sông nước tối ngày. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra, kèm theo những cái chết đã được báo trước. Để khắc phục, người dân đã đồng lòng bắc những cây cầu tạm, nhưng đều bị dòng nước hung dữ cuốn trôi. Năm 2012, một chiếc cầu bê tông mang tên xóm nghèo đã hình thành làm vỡ òa niềm hạnh phúc của tất cả người dân trong vùng, từ già đến trẻ. Nhưng có lẽ, người vui mừng hơn cả chính là ông Nguyễn Tráng (84 tuổi), người đã góp công lớn trong việc xây dựng cầu Vạn Buồng.

Ông Nguyễn Tráng và bản vẽ cầu Vạn Buồng do ông thiết kế

Thật khó mà tin được, Vạn Buồng chính là cây cầu thứ 31 mà ông Tráng cùng bà con trong vùng dựng nên. Suốt gần nửa đời người, ông đã cất công lặn lội nhiều nơi để xin tiền quyên góp từ các tấm lòng hảo tâm và hội đồng hương Quảng Nam trên khắp cả nước, mang về dựng cầu. Ông Tráng kể: “Cuộc sống của người dân quê tui từ xưa đến nay luôn gặp nhiều vất vả, nhưng không có cầu để đi lại thì còn cực gấp vạn lần. Nhiều hồi ốm đau bệnh tật mà không có cầu, phải lật đật chèo ghe qua sông mỗi đêm, nguy hiểm lắm. Rứa nên tui quyết định kêu gọi bà con cùng chung tay làm cầu để đi lại cho thuận tiện hơn”.

Từ tấm lòng của ông Tráng cùng sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm, cây cầu đầu tiên được dựng từ các thanh sắt của đường ray xe lửa bị bỏ hoang sau chiến tranh. Ông Tráng kể, năm 1978, sau khi nhận được sự đồng tình của xóm làng, mọi người bắt đầu đi nhặt những thanh sắt cũ ở đường sắt về ghép lại thành cầu. Cây cầu sắt này chẳng mấy chốc hình thành, nhưng chỉ một thời gian sau đã bị kẻ gian tháo trộm sắt, phần còn lại thì dần bị nước lũ cuốn trôi. Không dừng lại ở đó, hàng chục cây cầu khác liên tiếp được người dân địa phương xây dựng với mong muốn cuộc sống được đổi đời. Thế nhưng, tất cả lại đều sụp hết bởi sự hà khắc của thiên nhiên, hoặc xuống cấp theo thời gian. Đáng kể nhất trong số đó là cây cầu được làm từ thùng phuy nhựa vào năm 2000, nhưng nó cũng chỉ chịu đựng được 6 năm thì bị cuốn theo dòng nước.

Không có cầu, nhiều thanh niên trong vùng lần lượt bỏ đi mưu sinh ở những địa phương khác. Làng quê chỉ còn đa phần là phụ nữ, người già và trẻ em. Năm 2011, ông Tráng quyết định thực hiện một chuyến đi dài ngày vào TP. Hồ Chí Minh để “huy động” vốn về làm cầu. Ban đầu, ông liên hệ với Hội đồng hương Quảng Nam, rồi đến các tổ chức từ thiện và người dân chốn Sài thành. Những nhà hảo tâm ở xa nhận được thư bày tỏ của ông cũng động lòng mà gửi tiền về giúp người dân Vạn Buồng có cây cầu như mơ ước. 

Có tiền, ông Tráng trở về kêu gọi xóm làng quyên góp thêm, rồi bắt đầu nhờ người vẽ bản thiết kế cây cầu. Đến tháng 9/2012, chiếc cầu bê tông Vạn Buồng được đưa vào sử dụng. Cầu dài 84 m, rộng 2,3 m, trọng tải 2 tấn, với tổng chi phí hơn 1 tỷ 300 triệu đồng, trong đó chính quyền địa phương hỗ trợ 300 triệu đồng.

Anh Thái Nương (40 tuổi), tâm sự: “Bà con Vạn Buồng phấn khởi lắm. Chừ có cầu rồi đỡ vất vả hơn, mà cầu bê tông vững chắc thế này thì khỏi sợ bị sập nữa. Có cầu, bà con xóm Vạn Buồng không còn gặp vất vả mỗi khi sang sông vận chuyển nguyên vật liệu để trồng trọt hay xây nhà. Nông sản tới vụ thu hoạch cũng có xe của tiểu thương chạy thẳng vào xóm để thu mua, nông dân không bị ép giá như trước nữa”.

Học sinh ở Bình Triều giờ đi học qua cầu Bà Gần đã không còn lo ngã xuống sông.  

Cảm động trước tấm lòng của ông Tráng, nhiều người dân trong vùng thường xuyên ghé thăm, giúp ông công việc bếp núc và dọn dẹp. Ông Tráng nay tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng mỗi ngày trôi qua, căn nhà nhỏ của ông lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói cười rộn rã, những tiếng cười mang dáng vẻ thiêng liêng của tình nghĩa xóm giềng.

Ăn cơm nhà, giúp chuyện... thiên hạ

Cùng có tấm lòng cao quý như ông Tráng là chị Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi), trú tại thôn Hưng Mỹ (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Chị cho biết, cách đây 3 năm, tình cờ chị chứng kiến cảnh hai người phụ nữ khi chạy ngang cầu Bà Gần, do đường trơn trượt nên bị ngã. Một người bị ngã cạnh xe máy thì cứu được, một người không may bị nước cuốn trôi, ba giờ sau mới tìm được thi thể. Từ đó, chị Hoa gọi con gái bàn chuyện xin chính quyền cho phép sửa cầu để bảo đảm an toàn cho người dân. Chị chủ động bỏ tiền, gọi người về đổ bê tông làm hai thành cầu vững chắc, thuận tiện cho bà con trong vùng đi lại.

Cây cầu Bà Gần nối liền hai xã Bình Đào và Bình Triều (huyện Thăng Bình), đã an toàn hơn khi có một thành cầu vững chắc được chị Hoa tự thiết kế và giám sát thi công. Kể từ đó đến nay, mỗi người dân khi qua cây cầu này không còn cảm giác sợ rơi khỏi cầu, những người say rượu bị ngã xuống sông từ đó cũng giảm hẳn.

Ngoài việc sửa cầu Bà Gần, suốt nhiều năm qua, chị Hoa còn dùng những khoản tiền mình dành dụm được để tài trợ thêm cho quỹ khuyến học của địa phương, chung tay tiếp sức cho học sinh nghèo tới trường. Trần Thị Thu Uyên, học sinh trường THCS Ngô Quyền (xã Bình Triều) cho biết: “Hồi trước cây cầu này không có thành cầu, chúng con đi học về sợ té lắm. Nhứt là khi có gió hay mưa lớn, học sinh qua cầu chỉ dám dắt xe đi bộ, rứa mà cũng sợ bị hất xuống sông. Chừ có thành cầu, tụi con đi học bớt sợ hơn, ba má cũng không cần bỏ công chở con đi học lúc trời giông nữa”.

Mặc dù cuộc sống của ông Tráng, chị Hoa vẫn còn nhiều khó khăn, song họ không chỉ sống cho riêng bản thân mình, cho gia đình mình, mà còn nghĩ cho nhiều người khác. Những việc làm của họ đã nói lên tất cả tấm lòng cao quý, giàu lòng thương yêu, rất đáng được khen ngợi và noi gương theo.

NGUYỄN THÀNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh