Những người lái xế hộp đi xin trợ cấp thất nghiệp vì dịch Covid-19 ở Mỹ: Gạt bỏ sĩ diện, chưa từng nghĩ phải lâm vào cảnh này
- Tây Y
- 07:05 - 05/04/2020
Trong hàng dài xe cộ nối đuôi nhau hướng đến nơi phát thực phẩm miễn phí ở phía Nam thành phố Dallas, bang Texas, có thể thấy những chiếc minivan hiệu Chevrolet Tahoe hay chiếc Jaguar đời cổ. Ngồi trong xe là những người vẫn chưa chấp nhận được tình cảnh thảm thương của mình: mất việc và đang đi nhận cứu trợ xã hội.
Dalen Lacy, 27 tuổi, vốn là nhân viên kiểm kho và bán hàng tại 7-Eleven. Khi dịch Covid-19 nổ ra, ông bố hai con đã mất công việc ở kho và thời gian bán hàng cũng sụt giảm đáng kể. Vào tuần trước, Lacy đến xin trợ cấp tại Dịch vụ cộng đồng Crossroads, thuộc vào nhóm 70% người lần đầu tiên mất việc được trung tâm này ghi nhận. "Tôi chưa bao giờ phải làm những việc như vậy. Nhưng tôi phải làm vì các con của mình".
Điểm phát thực phẩm ở Dallas (Ảnh: NY Times)
"Nếu không có đại dịch, những người này suốt đời cũng không thất nghiệp"
Hàng trăm ngàn người Mỹ đang kêu gọi giúp đỡ lần đầu tiên trong đời, từ thợ làm móng ở Los Angeles đến nhân viên sân bay ở Fort Lauderdale, từ nhân viên pha chế ở Phoenix đến cựu ngôi sao truyền hình thực tế ở Minnesota.
Họ cố gạt bỏ sĩ diện và nỗi dằn vặt vì có thể đã cướp mất cơ hội của những người có hoàn cảnh thảm khốc hơn. Ở đáy sâu cuộc đời, họ chỉ còn biết nộp đơn xin trợ cấp, kêu gọi quyên góp trên GoFundMe hay thậm chí Instagram, lẳng lặng nhận lấy khoản tiền cứu giúp của đồng nghiệp và xuất hiện ngày càng dày đặc ở các điểm phát thức ăn. Điều nghịch lý là những tình nguyện viên phân phát thức ăn lại đang chịu áp lực quá tải. Họ vốn là người nghỉ hưu và đáng lẽ nên ở nhà trong thời điểm cách ly xã hội.
David Greenfield - giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Met Council, chuyên phát thức ăn và nhu yếu phẩm miễn phí ở thành phố New York - cho biết: "Chúng tôi lần đầu tiên thấy những nhân viên bán hàng, đầu biếp, người phục vụ và cả chủ nhà hàng đến nhận tiếp tế đồ ăn".
Tuần trước, David còn ghi nhận các nhân viên hãng luật cũng gắng gượng xin được hỗ trợ. Đó là những người lao động "luôn luôn có việc làm suốt cả cuộc đời", nếu như đại dịch Covid-19 không xảy ra.
"Tôi không muốn phải nhận sự giúp đỡ" - tâm trạng của nhiều người Mỹ trong lần đầu mất việc (Ảnh: NY Times)
Theo New York Times, rất nhiều người Mỹ từng duy trì hai niềm tin. Thứ nhất, họ tin nước Mỹ là một thể thống nhất và gắn kết. Thứ hai, họ cũng tôn sùng chủ nghĩa "làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu". Hai niềm tin này đã chung sống hòa bình lúc kinh tế thịnh vượng, nhưng lại mâu thuẫn vào thời buổi khó khăn.
Ngay cả khi bạn cố gắng hết sức, đại dịch cũng ập tới và cướp trắng cơ hội phát triển. Giữa lúc nghèo đói, bạn không thể suy nghĩ quá nhiều đến người khác vì chính bản thân mình còn lo chưa xong. Đó là tình cảnh của hàng triệu người Mỹ hiện giờ.
Thợ sửa máy Scott Theusch, 61 tuổi, đã lần đầu tiên điền vào đơn xin trợ cấp. Ông cho biết mình không có sự lựa chọn nào hết. "Họ bảo bạn đừng đi làm nữa, vậy phải làm gì để sống bây giờ?".
Trong khi đó, Samantha Pasaye, 29 tuổi, thợ làm móng ở Los Angeles đã kêu gọi quyên góp trên Instagram sau khi tiệm của mình đóng cửa. Nhìn thấy bài đăng này, mẹ của Samantha bật khóc. Cô trần tình: "Tôi không phải là người hay cầu xin sự giúp đỡ. Tôi cố gắng tự mình làm hết mọi thứ trong khả năng. Nhưng ngay tại khoảnh khắc này, niềm kiêu hãnh cần dẹp qua một bên".
Adedyo Codrington, 41 tuổi, là nhân viên tại triển lãm thương mại. Nhưng trung tâm triển lãm đóng cửa từ ngày 8/3 và ông mất việc. Khi những khoản tiền lương cuối cùng chưa nhận được, Adedyo đã đến xin tiếp tế thực phẩm. Nhưng ông tủi hổ nhận ra rằng lượng đồ ăn đã phân phát hết.
Qua tuần sau, người bố hai con lại xếp hàng từ sớm nhưng vẫn không "giành" được với hàng dài người nhanh chân hơn. Cuối cùng, Adedyo nhận về một túi đậu đóng hộp. Các đồng nghiệp quyên tiền hỗ trợ được 100 USD, nhưng khoản này cũng cạn dần. Hiện giờ, Adedyo mỗi ngày uống nước đường và ăn "bánh sandwich mơ ước" - nghĩa là 2 lớp bánh mì với phần nhân tưởng tượng. "Từ chỗ kiếm được 1.500 đến 2.000 USD mỗi tuần, và giờ thê thảm đến mức này..." - anh trầm ngâm.
Đại dịch và cảnh túng quẫn đã giáng đòn chí tử vào niềm kiêu hãnh của người Mỹ
Người Mỹ vốn có truyền thống từ thiện - từ những quỹ cứu trợ cho người nhập cư trong các tổ chức tôn giáo ở thế kỉ 19 đến những chương trình phúc lợi xã hội của các đảng chính trị vào thế kỉ 20. Nhưng, một đặc trưng khác của dân Mỹ là họ có tính độc lập cá nhân rất cao. Làn sóng start-up thành công trong nhiều năm gần đây khiến chủ nghĩa cá nhân, tay trắng lập nên thành tựu càng được tôn sùng hơn.
"Rất nhiều người ở Mỹ tự hào về cuộc sống đủ đầy và tự lập của họ" - theo Alice Fothergill, giáo sư xã hội học tại trường ĐH Vermont, cho biết.
Nữ giáo sư chỉ ra rằng, những người ngần ngại nhất chính là những tầng lớp cần được giúp đỡ nhất. Ví dụ, một nghiên cứu cho biết sau trận lũ kinh hoàng ở Bắc Dakota, đối tượng phải được viện trợ hàng đầu là những phụ nữ lao động và trung lưu. Tuy nhiên họ bày tỏ thái độ dè dặt, ví dụ như muốn trả tiền cho thực phẩm tiếp tế hay từ chối sống trong những thùng container dù đã mất trắng nhà cửa. Sau thảm họa, họ vẫn muốn giữ lại niềm tự tôn và địa vị xã hội của mình.
Giám đốc Greenfield điều hành chương trình phát thức ăn ở New York cũng kể lại một phát hiện đáng chú ý. Rất nhiều người Mỹ khi đến xin trợ cấp đã mở lời bằng cách xin lỗi. "Xin lỗi nhưng anh có thể giúp tôi được không? Tôi xin lỗi nhưng đang rất cần thức ăn. Tôi xin lỗi vì cần hỗ trợ tiền thuê nhà. Xin lỗi vì đã làm phiền nhưng mong mọi người giúp đỡ".
Kirk DeWindt, 36 tuổi, từng có công việc với thu nhập ổn định (Ảnh: NY Times)
Một số người Mỹ còn cảm thấy dằn vặt khi nghĩ đến những hoàn cảnh khốn cùng hơn. Họ tự hỏi, dù bản thân mình đủ điều kiện xin trợ cấp thất nghiệp nhưng có khi nào là "chiếm suất" của người xếp hàng ở phía sau?
Kirk DeWindt, 36 tuổi, đã ba lần tham gia vào show thực tế "The Bachelor". Anh vốn là huấn luyện viên cá nhân, nhưng giữa lúc dịch bệnh, tất cả buổi hẹn luyện tập đều phải hủy bỏ. Kirk vẫn còn tiền tiết kiệm, nên chần chừ khi được mẹ hối thúc đi xin trợ cấp. "Tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Phải làm sao trong hoàn cảnh này?". Cuối cùng, anh vẫn quyết định xin trợ cấp để vượt qua giai đoạn khó khăn.
"Giấc mơ Mỹ" trở thành nỗi tuyệt vọng
Đối với người nhập cư, họ đã quyết tâm rời khỏi quê nhà, đến xứ cờ hoa và muốn xây dựng cuộc sống mới xoay quanh "giấc mơ Mỹ". Vậy nên cú sốc của thị trường lao động đã tác động mạnh mẽ nhất đến nhóm người này. Cuộc sống cứ liên tục đảo lộn, niềm tin vừa xây nên đã vội sụp đổ khiến họ cảm thấy bất lực.
Alex Rotaru, 48 tuổi, là một nhà làm phim kiêm diễn viên ở Beverly Hills. Anh rời Romania đến Mỹ vào năm 21 tuổi. Sau gần ba thập kỷ, Alex đã sống như một người Mỹ với niềm kiêu hãnh không cần ai giúp đỡ.
Thế nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Alex đã phải dừng lại mọi công việc. Các hóa đơn thì vẫn chất chồng. "Dĩ nhiên là tôi rất xấu hổ, nhưng đã nhanh chóng vượt qua khi nghĩ về con trai mình".
Trong cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, người nhập cư đánh mất những "lâu đài cát" mà họ vừa đắp nên.
Ernst Virgile, 38 tuổi, cùng vợ từ Haiti đến Mỹ năm 2012. Hai người họ quyết tâm làm việc cật lực mà không than vãn. Người chồng kiêm nhiệm 2 công việc phục vụ ở sân bay Fort Lauderdale, người vợ cũng đổ mồ hôi trên các đồn điền. Họ chắt chiu để mua một căn nhà vào năm ngoái, xây dựng tổ ấm với ba đứa con 7, 5 và 2 tuổi. Đột nhiên, cả hai đều mất việc trong tháng 3/2020, lâm vào cảnh túng quẫn.
Hiện giờ, trong khi bà xã rơi nước mắt khi nghĩ tới khoản vay thế chấp nhà, anh Ernst vẫn đang cố xin tem phiếu thức ăn và điền vào tờ đơn trợ cấp thất nghiệp. "Chúng tôi không quen với điều này. Chúng tôi biết trước là mình cần phải làm lụng vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt để được sống với giấc mơ Mỹ. Nhưng giờ đây, chúng tôi lại phải viết vào đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Thật không biết phải làm gì nữa".
(Theo NY Times)