Những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH TP.HCM
- Tây Y
- 15:48 - 18/10/2021
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, trải qua giai đoạn siết chặt, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, từ ngày 1/10/2021, TPHCM bước vào giai đoạn bình thường mới, vừa phòng chống dịch vừa phục hồi kinh tế, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH), thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM với cơ chế đặc thù của TP.
“Đây là kỳ họp rất quan trọng của HĐND TP để đánh giá sâu sắc, toàn diện những nỗ lực, cố gắng của TP.HCM trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19; đồng thời thông qua các chính sách quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) không có nguồn thu do ảnh hưởng của dịch bệnh; các giải pháp trọng tâm để thu hút đầu tư, phục hồi KT-XH; đề ra kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 với các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục…” - Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho hay.
Thay mặt lãnh đạo TP, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn Đảng bộ, chính quyền các cấp và Nhân dân TP đã đồng hành, đoàn kết, thống nhất hành động trong công tác phòng chống dịch; cộng đồng DN, cá nhân, tổ chức với tinh thần tương thân tương ái, đồng lòng vào cuộc với các cấp chính quyền; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các tỉnh thành trong cả nước; đồng bào trong và ngoài nước và bạn bè quốc tế đã quan tâm, kịp thời ủng hộ vật chất và tinh thần cho TP trong cuộc chiến chống đại dịch này.
TPHCM đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động sáng tạo của các Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở 312 “pháo đài” phường – xã – thị trấn trong thời gian qua; đặc biệt là chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Trung ương, các Bộ ngành, sự hỗ trợ kịp thời của các đoàn công tác, tổ chức, cá nhân. TPHCM cũng đặc biệt trân trọng và ghi nhớ sự cống hiến ngày đêm quên mình của lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, các y bác sĩ, công an, quân đội, đội ngũ cán bộ công chức viên chức, đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên… không ngại gian khổ, hy sinh.
Đến hôm nay, 22 quận – huyện, TP Thủ Đức đã đạt tiêu chí kiểm soát dịch, chuẩn bị sẵn sàng bước vào giai đoạn bình thường mới. Số ca nhiễm trong ngày đã giảm xuống ba con số và số ca tử vong giảm sâu xuống còn 2 con số; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt 99%, tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt trên 76%; hệ thống y tế tiếp tục được củng cố.
Thực hiện Chỉ thị số 18 ngày 30/9/2021 của Chủ tịch UBND TP, một số hoạt động KT-XH bắt đầu hoạt động trở lại tại những nơi bảo đảm tiêu chí an toàn. Ý thức của Người dân, DN về phòng chống dịch được nâng cao… Đây là những tín hiệu tích cực để TP triển khai các kế hoạch, giải pháp phục hồi KT-XH với phương châm “mở cửa từng bước, thận trọng, an toàn, vững chắc”.
Theo Chủ tịch HĐND TP, để có được kết quả như hôm nay, chúng ta cũng đã phải hy sinh rất nhiều trên các lĩnh vực, dịch bùng phát mạnh trong 05 tháng qua, TP buộc phải thực hiện giãn cách xã hội nhiều lần với siết chặt các biện pháp phòng chống dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống Nhân dân. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh 09 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh, giá trị tổng sản phẩm GRDP ước giảm 4,98% và dự báo cả năm giảm 5,56% (mục tiêu tăng 6%); tổng số vốn đầu tư được giải ngân chỉ đạt 32% kế hoạch; dự kiến chỉ hoàn thành 11/29 chỉ tiêu thành phần (37,93%), không hoàn thành 13/29 chỉ tiêu (44,83%), 05 chỉ tiêu chưa tính toán được trong thời điểm này; dự báo thu ngân sách nhà nước không giảm sâu nhưng sẽ rất khó khăn để hoàn thành kế hoạch năm 2021. Vì vậy, kỳ họp lần này sẽ tập trung lắng nghe, thảo luận, xem xét để quyết nghị một số vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, tập trung đánh giá khách quan, toàn diện tình hình KT-XH 09 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 03 tháng cuối năm 2021, những khó khăn, vướng mắc cần được thảo luận kỹ để làm rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp phù hợp để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ hai, tập trung thảo luận, xem xét thông qua nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đô thị, văn hóa – xã hội, đầu tư công trung hạn, nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 – 2025 và điều chỉnh nghị quyết đầu tư công năm 2021 về dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài; một số chính sách trên các lĩnh vực như hỗ trợ hoạt động khuyến nông, hỗ trợ cán bộ quản lý đối tượng cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, hỗ trợ giáo dục đối với trẻ mầm non – học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên…
Kỳ họp cũng tiến hành bầu ủy viên UBND TP đối với các đồng chí đã được bầu làm Giám đốc Sở, Chánh Văn phòng theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, HĐND TP cũng nghe báo cáo công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP, ban hành và thực hiện Nghị quyết 97 ngày 22/9/2021 về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; nghe UBMTTQ Việt Nam TP báo cáo hoạt động tham gia xây dựng chính quyền và những kiến nghị của HĐND, UBND, đại biểu HĐND TP; nghe các Ban HĐND TP báo cáo thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.
“Những vấn đề được xem xét, thảo luận, những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH trong năm 2022 sắp tới và đầu tư công trung hạn 05 năm tới, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân TPHCM. Do đó, các đại biểu cần tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ, có ý kiến đóng góp đúng, chất lượng cho từng nội dung nhằm giúp cho HĐND TP có cơ sở thông qua các nghị quyết chất lượng, đảm bảo sự minh bạch các chính sách của TP phù hợp tình hình thực tế của địa phương và góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH trong tình hình mới.” – Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Tính đến ngày 17/10, TPHCM đã có 417.208 ca mắc COVID-19, trong đó có 240.797 ca điều trị khỏi xuất viện. Hiện số ca mắc trong ngày đã giảm xuống mức 3 con số; số tử vong giảm rất sâu xuống 2 con số; tỉ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người từ đủ 18 tuổi trở lên đạt gần 99% và tỉ lệ tiêm mũi 2 đạt trên 76%. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố; tỉ lệ sử dụng giường điều trị COVID-19 hiện đã giảm còn 22,78% so với công suất và tiếp tục duy trì.